Địa danh Hán Việt ở Quảng Nam - Đà Nẵng

TS. NGUYỄN HOÀNG THÂN 16/08/2017 08:30

Quảng Nam - Đà Nẵng (QNĐN) là một vùng đất có vị trí quan trọng của đất nước từ xưa đến nay; là nơi hội tụ của nhiều tộc người, nhiều nền văn hóa. Do vậy QNĐN có sự đa dạng về địa danh. QNĐN không chỉ có địa danh bản địa mà còn có địa danh “ngoại địa”, không chỉ có địa danh của người Việt (nội tộc, nội quốc) mà còn có địa danh mang yếu tố ngoại tộc, ngoại quốc. Do vậy, trước một địa danh, chúng ta phải hết sức cẩn thận, nếu không dễ dẫn đến sự tranh luận như địa danh Sơn Trà vừa rồi. Và, chưa chắc người nào giỏi chữ nghĩa (chữ Hán) thì có thể giải thích ngay được địa danh Hán Việt (HV).
Phương thức kí âm

Một trang địa danh làng xã Quảng Nam trong Đồng Khánh địa dư chí có dấu Thư viện Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO). Ảnh: N.H.T
Một trang địa danh làng xã Quảng Nam trong Đồng Khánh địa dư chí có dấu Thư viện Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO). Ảnh: N.H.T

QNĐN là vùng đất của nhiều tộc người (ethnic) của nhiều dân tộc (nation) cho nên tồn tại địa danh theo cách gọi riêng của mỗi tộc người hay mỗi dân tộc đó. Tuy nhiên, từ phương diện quan phương, nhiều địa danh thuộc dạng kiểu này đã được ký âm theo phương thức HV. Trước hết là sự ký âm theo các ngôn ngữ của các tộc người/cư dân thổ trước hoặc cư dân đến sau không phải người Việt. Đảo Cù Lao Chàm được ký âm HV theo kiểu thức: Cù Lao Chiêm (trật tự Việt); Chiêm Bất Lao, Tiêm Bất Lao, Tiêm Bút (trật tự Hán). Cù Lao và Bất Lao ký âm “pulaw” (đảo, hòn đảo), Chiêm và Tiêm ký âm từ “Champa”. Địa danh “Hàn” (sông Hàn, cửa Hàn) được viết bằng chữ Hán trong nhiều thư tịch, nhưng theo Trần Quốc Vượng, những từ (sông) “Hàn” ở Đà Nẵng, “Hác” ở Quảng Bình, “Hát” ở Hà Nội theo từ cổ có nghĩa là sông, là một từ bản địa - phi HV.

Chiếm đa số trong kiểu thức ký âm địa danh bằng HV là ký âm theo cách gọi Nôm. Ví dụ yếu tố “Bàu” thường được ghi bằng chữ Hán là “Bào”. Địa danh “Bàu Nghè” (Ốc bươu Bàu Nghè, chè xanh Phú Thượng) được ghi bằng Hán tự là “Bào Nghi”. “Bàu Tròn” ghi thành “Bào Luân”.
Phương thức dịch nghĩa

Phần lớn địa danh HV ở QNĐN cấu tạo theo phương thức dịch nghĩa. Căn cứ vào đặc điểm của đối tượng địa danh mà đặt tên cho nó bằng địa danh HV; hoặc nếu địa danh Nôm, địa danh theo cách gọi của tộc người khác thì sau đó chuyển dịch thành địa danh HV (HV hóa địa danh).

Dịch nghĩa từ địa danh Nôm (Việt): Ao Nước Nóng (Thang Trì), Ao/Hồ Vuông (Phương Trì), Bến Củi (Sài Tân), Bến Tre (Trúc Tân), Bến Ván (Bản Tân), Sông Chợ Củi (Sài Thị giang), Sông Cổ Cò (Cảnh Lộ giang), Vũng Thùng (Trà Úc), Trà Áo, Đồng Long loan, Cầu Sen (Hà Kiều), Chợ Củi (Sài Thị), Giếng Trống (Cổ Tỉnh), Hòn Tàu (Tào Sơn), núi Lưới Voi (Tượng Võng), Mỏ Diều (Diên Chủy), Ông Đá (Thạch Ông), Mỏ Đá (Thạch Khoáng), Mỏ Sắt (Thiết Khoáng), Mỏ Vàng (Kim Khoáng). Dịch nghĩa từ địa danh của tộc người khác, ví dụ: Kây Kgé (tiếng Co nghĩa là núi Răng Cưa (âm Việt), Cứ Xỉ (âm HV); Simhapura (tiếng Chăm) có nghĩa là Kinh thành Sư Tử.

Biểu hiện phức - tạp

Hiện tượng cận âm HV tạo nên hiện tượng đa âm địa danh HV ở QNĐN, có nghĩa là cùng một đối tượng nhưng có nhiều tên địa danh do nhiều âm đọc tạo nên của quá trình ký âm. Ví dụ: Ô Da, Ô Gia, Vu Gia; Câu Đê, Cu Đê, Cụ Đê; Đê Võng, Đế Võng, Để Võng; Cù Lao Chiêm, Chiêm Bất Lao, Tiêm Bất Lao, Tiêm Bút; Cần Húc cùng các biến âm của nó như Cần Hốc, Cần Hào, Khám Hào. Hiện tượng này sẽ không/khó biết được âm đọc nào có trước, âm đọc nào có sau. Hiện tượng biến âm HV ở địa danh QNĐN theo 2 dạng cơ bản: (1) biến âm do hiện tượng gần âm và ảnh hưởng yếu tố phương ngữ; (2) biến âm do kỵ húy.

Những địa danh có yếu tố “Giản” (suối, khe nước) đều bị biến âm thành “Giáng” hoặc “Gián”. Ví dụ địa danh “Lỗ Giản” (suối có nước mặn) bị biến âm thành “Lỗ Giáng”, “Thạc Giản” (suối lớn) bị biến âm thành “Thạc Gián”, “Quá Giản” (dòng suối vắt qua giữa 2 vùng đất) biến thành “Quá Giáng”. Những địa danh vốn ban đầu không có “g”, nhưng do cách đọc của địa phương dần dần được ghi thành từ có “g”. Ví dụ địa danh “Thạch Than” (Than Đá) bị biến âm thành “Thạch Thang”, “Mân Quan” (cửa ải người Mân) bị biến âm thành “Mân Quang”. Những địa danh bị thay đổi âm tiết từ vần hoặc thanh điệu. “Hà Nhai” thành “Hà Nha”, “Nam Ổ” thành “Nam Ô”; “Miêu Bông” thành “Miếu Bông”; “Bông Miêu thành Bồng Miêu”… Địa danh Túy Loan hiện nay là một quá trình “lòng vòng” của ngôn ngữ. Vốn ban đầu nó là Thúy Loan (ngọn núi màu xanh), người Pháp đọc/ghi thành “Tuy Loan”, rồi người Việt sau này đọc từ “Tuy Loan” của người Pháp thành “Túy Loan” và dẫn đến giải thích nghĩa là “con chim loan say rượu”.
Đặc biệt dưới thời phong kiến do tồn tại lệ kiêng húy nên địa danh HV ở QNĐN cũng bị thay đổi âm tiết: Hoa Ổ (Hóa Ổ), Hoa Thử (Phong Thử) do kiêng húy chữ “Hoa” tên mẹ của vua Thiệu Trị. Hay nhiều địa danh có chữ “Chu” đều bị đọc thành “Châu” do tránh tên gọi của chúa Nguyễn Phúc Chu; “Kim” (“Cẩm”). Hiện tượng này biết được âm đọc nào có trước và âm đọc nào có sau. Từ có âm đọc trước (bản âm) phản ánh đúng nghĩa của địa danh; từ có âm đọc sau (biến âm) thường không phản ánh đúng nghĩa của địa danh, thậm chí không hiểu nghĩa và gây nên nhiều cuộc tranh cãi về địa danh.

Địa danh HV ở QNĐN không chỉ có hiện tượng cận âm, biến âm như nêu trên mà còn có hiện tượng dị âm. Tức cùng một đối tượng nhưng lại có nhiều tên gọi bằng nhiều âm HV khác nhau. Sở dĩ có hiện tượng này là do đối tượng địa danh trải qua thời gian lâu dài, tùy từng cách nhìn khác nhau của những chủ thể khác nhau mà định danh khác nhau. Hòn Non Nước theo cách gọi dân gian được định danh bằng nhiều tên gọi Hán Việt: Ngũ Hành Sơn (do vua Minh Mạng đặt), Ngũ Chỉ Sơn, Ngũ Uẩn Sơn, Phổ Đà Sơn, (núi) Cẩm Thạch… Những hiện tượng này tạo nên sự đa dạng của địa danh, có giá trị trong việc tạo lập văn bản và là tư liệu phản ánh lịch sử của đối tượng địa danh, là ngôn ngữ “hóa thạch” của lịch sử.

Nhìn chung, chỉ riêng nội dung địa danh HV ở QNĐN cũng đã rất đa dạng và phong phú, làm cho địa danh QNĐN nhiều vẻ. Đồng thời địa danh HV ở QNĐN cũng tạo nên sự thức nhận sai biệt giữa các nhà nghiên cứu khi tiếp cận nó. Do vậy nhà nghiên cứu cần hết sức cẩn thận khi lý giải ngữ nguyên của những địa danh HV ở QNĐN.

 TS. NGUYỄN HOÀNG THÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Địa danh Hán Việt ở Quảng Nam - Đà Nẵng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO