Ghi chú tên sông “Tu-Bong” trên bản đồ cũ do người Pháp vẽ đã gợi mở về những địa danh khác, quen mà lạ, thậm chí đã tuyệt tích ở xứ Quảng.
Một số công trình nghiên cứu của Camille Paris ấn hành trở lại, trong đó có công trình quan trọng hàng đầu “Du ký Trung kỳ theo đường cái quan” xuất bản từ năm 1889 mà Báo Quảng Nam vừa giới thiệu.
“Ông Tây dây thép” Camille Paris cũng chính là người phát hiện thánh địa Mỹ Sơn vào năm 1889 và góp sức vào công cuộc nghiên cứu nghệ thuật Chămpa cùng với Henri Parmentier, Charles Carpeaux…
Nhà nghiên cứu người Pháp này còn có nhiều công trình nghiên cứu khác về lịch sử, nhân chủng học, xuất bản nhiều bản vẽ, bản đồ liên quan đến phế tích Chăm ở Mỹ Sơn và đường sá ở miền Trung.
Trong số những tư liệu quý giá đó, tôi dành sự chú ý đến tấm bản đồ từ Tourane (Đà Nẵng) đến Mỹ Sơn do Camille Paris và một cộng sự vẽ vì có ghi chú lạ về con sông lớn: “Tu-Bong”.
Từ Hoài giang đến Tu-Bong
Nhìn thoáng qua, ai cũng biết “Tu-Bong” chính là “Thu Bồn”. Đối chiếu Google Maps, tôi nhận thấy nhánh sông Tu-Bong vẽ trên bản đồ nhiều khả năng chính là nhánh Thu Bồn phía nam. Nhánh còn lại (phía bắc) sau khi chẻ dòng từ Giao Thủy rồi hợp lưu với nhánh phía nam để làm nên bãi bồi Gò Nổi thì không được thể hiện.
“Tu-Bong” hẳn là một cách ghi chú của một nhà nghiên cứu người Pháp dựa theo lối phát âm của người bản địa. Nhưng cũng từ “Tu-Bong”, tôi nghĩ đến các tên gọi khác của Thu Bồn, bắt đầu từ sách Thủy Kinh Chú.
Mở đầu bút ký “Đứa con phù sa”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: “Sách Thủy Kinh Chú của Lịch Đạo Nguyên viết về phong vật phương Nam, có nhắc đến một “bãi đất nằm giữa hai con sông Hoài”. Hai con sông Hoài là hai nhánh sông Thu Bồn, và bãi đất kia chính là Gò Nổi. Người thời Lục Triều qua đây đã nhìn thấy nó; té ra hòn đảo phù sa này đã được sông mẹ bù đắp nên từ lâu xa đến thế”…
Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn trong công trình nghiên cứu “Thu Bồn - Trà Kiệu - Hội An trong mạng lưới thương mại thời Lâm Ấp - Champa và thời Chúa Nguyễn” cũng cho rằng khi đề cập vương quốc Lâm Ấp, Lịch Đạo Nguyên gọi sông này là Hoài giang, và từ đó mới khai sinh địa danh Hoài phố (tức Hội An) sau này.
Vào thời kỳ Chămpa, do sông chảy qua đô thành Simhapura (thành Trà Kiệu) của tiểu quốc Amavarati nên có tên gọi là “Kraun Simhapura”, nghĩa là “sông Đô thành Sư tử” theo Chiêm ngữ.
Chưa hết, sông Thu Bồn khi chảy đến làng Văn Ly (Điện Bàn) thì chia thành hai dòng nam (sông Cái) và bắc (sông Thu Bồn). Hai dòng tách ra ôm Gò Nổi vào lòng rồi nhập với nhau tại bến Câu Lâu, giang cảng của dinh trấn Thanh Chiêm.
Tuy nhiên, chúng tôi đọc được một vài tư liệu khác cho thấy “sông Cái” là tên gọi của Thu Bồn về phía hạ lưu, đoạn chảy qua Hội An (gọi là sông Cái hoặc sông Hội An). Một nhánh nhỏ của sông Hội An/sông Cái khi tách dòng lượn sát vào phố Hội và mang tên sông Hoài.
Vậy nhánh “Tu-Bong” xuất hiện trên bản đồ của Camille Paris có thể là sông Cái theo cách gọi của người dân địa phương, là “Hoài giang/sông Hoài” được Lịch Đạo Nguyên (Trung Quốc) ghi từ thế kỷ IV hay “Kraun Simhapura/sông Đô thành Sư tử” theo cách gọi của người Chăm…
Các tên gọi khác nhau ở vùng đất này không chỉ xảy đến với “Tu-Bong”. Chúng tôi hỏi chuyện nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn (quê ở Giao Thủy, nơi hai nhánh Thu Bồn rẽ ra để ôm lấy Gò Nổi), mới hay tổ tiên ông từng theo chân chúa Nguyễn Hoàng tiến về phương nam và dừng chân lập nghiệp ở đấy. Nhưng ông bảo, vùng ngã ba sông ấy vốn dĩ có tên Giao Xuyên, sau mới lấy tên “Giao Thủy” từ quê cũ Nam Định để đặt lấy.
Còn tên, mất dấu
Nhà nghiên cứu Võ Văn Dật từng đề cập pháo đài Non-Nay, một địa danh thú vị ở Đà Nẵng xuất hiện trên bức ảnh đầu tiên của Việt Nam chụp bằng kỹ thuật Daguerréotype (phương pháp nhận hình ảnh trên bảng đồng bóng loáng phủ hóa chất bắt ánh sáng, chứ không phải phim âm bản).
Chuyện rằng, Jules Itier (thành viên trong phái đoàn của Pháp sang Trung Quốc ký Hiệp ước Whampoa 1844) đã ghé Đà Nẵng năm 1845 và chụp ảnh pháo đài Non-Nay. Bức ảnh in trong cuốn hồi ký 3 tập của Jules Itier, viết về chuyến du hành Trung Quốc 1843 - 1846 với chú thích: “Cảnh pháo đài Non-Nay của xứ Đàng Trong” (Vue du fort cochinchinois de Non-Nay).
Sau đó, bức ảnh được nhà nghiên cứu H.Cosserat giới thiệu trên tập san Bulletin des Amis du Vieux Hue (B.A.V.H) xuất bản tháng 7.1927. Nhưng qua khảo cứu, chính H.Cosserat phát hiện “pháo đài Non-Nay” chính là… Đồn Hai, do Jules Itier nghe phát âm không rõ nên ghi sai. Thời điểm chuẩn bị chụp bức ảnh, tàu của Jules Itier bỏ neo ở phía nam hòn Mồ Côi dưới chân của pháo đài Non-Nay.
Từ đầu thế kỷ XX, Đồn Hai cũng đã không còn dấu vết gì trên hòn Mồ Côi, theo xác nhận của H.Cosserat. Ngay cả hòn Mồ Côi, vốn được ghi trong hồi ký của Jules Itier dưới cái tên mang tính phiên âm (Mo-Koi), cũng tuyệt tích.
Khảo cứu rất công phu sau đó của nhà nghiên cứu Võ Văn Dật (Lịch sử Đà Nẵng 1306-1975, NXB Hồng Đức 2019) chỉ ra rằng, đã có “một cuộc bể dâu do tay người làm nên trong thời đại mới” khiến cảnh quan khu vực này thay đổi. Lược sử tuyệt tích hòn Mồ Côi (hoặc đảo Cô, theo sách “Đại Nam nhất thống chí”) và pháo đài Non-Nay có thể hình dung thế này: Trên hòn Mồ Côi không xa bờ ở phía đông nam vịnh Đà Nẵng, thời Gia Long, vua cho đắp con đường nhỏ nối đảo với đất liền để lính tráng tiện đi lại canh phòng. Khi chiếm Đà Nẵng, người Pháp đã phá hủy cơ sở cũ, đặt pháo đài mới và mở rộng con đường nối với đảo. Đến đầu thế kỷ XX, người Pháp dùng hòn Mồ Côi làm trạm khởi hành của tuyến đường sắt Đà Nẵng - Hội An (hoạt động giai đoạn 1905-1916). Năm 1966, hải quân Hoa Kỳ xây dựng cảng sâu Tiên Sa và cho… lấp luôn cái vịnh nhỏ ngăn cách hòn Mồ Côi với mũi/núi Mỏ Diều (Diên Chủy sơn).
Nếu ai đó còn thắc mắc vì sao pháo đài ấy có tên Non-Nay, tức “Đồn Hai” theo cách ghi nhầm của người Pháp sau này (vì hẳn sẽ có đồn Một, đồn Ba, đồn Bốn…), thì nhà nghiên cứu Võ Văn Dật cũng đã lý giải. Nhưng đó là câu chuyện khác, liên quan đến hệ thống “Trấn dương thất bảo” do nhà Nguyễn xây dựng ở khu vực núi Mỏ Diều. Tính đến thời điểm người Pháp tấn công Đà Nẵng (1858), loạt 7 pháo đài ấy chỉ còn có 4 mà Đồn Hai nằm trong số đó.
Dù sao, Đồn Hai đã kịp để lại một cái tên “lơ lớ” kiểu Non-Nay và hiện diện trong lịch sử nhiếp ảnh thế giới với bức ảnh đầu tiên chụp bằng kỹ thuật Daguerréotype, tương tự cách mà sông mẹ Thu Bồn từng một thời chảy dòng nước Tu-Bong vậy.