Địa danh "ngoại lai"

NGUYỄN HOÀNG THÂN 17/09/2017 07:54

Mỗi vùng đất đều gắn với một địa danh nhất định trong một thời điểm nhất định. Địa danh không chỉ đơn thuần là cái vỏ ngôn ngữ mà còn là tư liệu phản ánh quá khứ của vùng đất mà nó mang tên.

Hội quán Phúc Kiến ở Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Hội quán Phúc Kiến ở Hội An. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Quảng Nam - Đà Nẵng (QNĐN) là vùng đất giao lưu của nhiều nền văn hóa với chủ thể đa tộc người, đa dân tộc cho nên địa danh ở QNĐN hết sức phong phú và đa dạng. Trong đó yếu tố ngoại tộc, ngoại quốc (gọi chung là “ngoại lai”) trong cấu tạo địa danh của vùng đất này là một đặc trưng mà nhiều vùng khác khó có được.

Phong phú

Địa danh QNĐN có yếu tố Chăm tồn tại ở 2 dạng: Địa danh Chăm nguyên ngữ (âm Chăm) và địa danh Chăm được Việt hóa. Địa danh Chăm nguyên ngữ như: Amaravâti, Indrapura, Simhapura. Địa danh Chăm được Việt hóa: Bà Nà, Bà Rén, Bằng An, Cà Tang, Câu Lâu, Cu Đê/Câu Đê, Đà Nẵng, La Qua. Yếu tố Cơ Tu với các địa danh Cà Dy, Chà Vàl, Đăc Pree, Đăc Pring, La Dêê, La êê, Prao/T’rao, Ta Bhing, Tà Lu, Zuôih, Rô (đều thuộc huyện Nam Giang), Vàng là sông, nguyên ngữ tiếng Cơ Tu là Ralang, yếu tố tộc người bản địa khác có thể kể đến gốc Xê Đăng (nhóm Ca Dong) như: Lâm Tra, Loan Mu, Đh’my, Long Bốc, L’oong Lê, Măng Ây, Măng Bích, Măng Lùng, Măng Tranh… (yếu tố Măng có nghĩa là nơi bằng phẳng dùng để làm nóc, theo giải thích của nhà nghiên cứu Võ Văn Hòe), Ngok Loon Pooaug (ngọn núi cao nhất trong vùng Trà Cang, gắn liền với quá trình hình thành tộc người Xê Đăng), Kmin (sông Lớn, tức sông Tranh, hay còn gọi là Tloa: sông Oa, nơi có nhiều cây môn nước mọc); gốc Co như: Kây Kgé (núi ông Kgé, còn gọi là núi Răng Cưa, vì hình dạng giống răng cưa, địa danh này gắn với sự tích núi Răng Cưa), Tabót (sông). Gốc Giẻ Triêng có Pôl Cói (Đồi Cói, một ngọn đồi ở Phước Sơn, Cói là tên người, địa danh này gắn với sự tích Đồi Cói).

Yếu tố Hoa như: Hội quán. Theo Từ điển Hán Việt, Hội quán là “nhà của một đoàn thể dùng làm nơi hội họp và các hội viên gặp nhau” hoặc là “nơi dành cho các hiệp hội theo ngôn ngữ xuất xứ”. Hiện nay, Hội An có tổng cộng 5 hội quán của người Hoa: Hội quán Triều Châu, Hội quán Quỳnh Phủ, Hội quán Phước Kiến, Hội quán Trung Hoa và Hội quán Quảng Triệu. Lân: Tổ chức dưới “xã” như Hương Hưng lân, Hương Khánh lân, Hương Thịnh lân, Hương Hòa lân… Minh Hương: làng, địa danh chỉ làng của những người Hoa và di thần nhà Minh không chịu phục tùng nhà Thanh, bỏ nước chạy sang di trú ở Hội An vào thế kỷ 17, được chúa Nguyễn và sau này là các vua Nguyễn cho phép lập ở Việt Nam. Tounan: Địa danh Đà Nẵng do người Hải Nam (Trung Quốc) xưng gọi. Hiện Cảng: Tên gọi Đà Nẵng theo cách gọi của người Hoa. Vì họ nhìn bán đảo Sơn Trà giống với con hến (hiện 蚬, bộ trùng), còn cảng là cảng biển, địa danh này lưu lại trong di văn các hội quán ở Hội An. Ngày nay phổ biến sử dụng chữ Hiện với nghĩa là núi (岘bộ sơn).

Yếu tố Nhật thể hiện rõ ở các địa danh: khu mộ ông Banjiro, khu mộ ông Gusokukun, khu mộ ông Tani Yajirobei. Ngoài ra, ở QNĐN còn một số địa danh khác cũng mang yếu tố Nhật. Tuy nhiên những địa danh này còn tranh cãi chưa thống nhất, nên không liệt kê ở đây.

Yếu tố Âu bao gồm rất nhiều địa danh gốc Âu nguyên ngữ, ở đây chỉ kể một số: Baie de Tourane (vịnh Đà Nẵng), Carpenter (bãi, thuộc quần đảo Hoàng Sa, huyện Hoàng Sa, TP.Đà Nẵng - tiếng Anh gọi là Carpenter shoal), Ciam poulo (tức là Chiêm Bất Lao, Cù Lao Chàm), Faifo (phố cổ Hội An, lần đầu tiên xuất hiện trong hồi ký của Christoforo Borri - người đã từng sống ở Hội An và Đàng Trong từ 1618 đến 1621), Montagnes de marbre (tên gọi Ngũ Hành Sơn của người Pháp với nghĩa “các ngọn núi đá cẩm thạch”), Tourane/Touron/Turon, Turan (Christoforo Borri gọi Đà Nẵng là Touran, còn những người sau thì gọi là Turon hoặc Turan)… Cạnh đó là địa danh gốc Âu được Việt hóa như: Bót Xít (vùng đất; vào năm 1935 người Pháp đặt một đồn biên phòng mang ký hiệu số 6 (Post six) trên tuyến quốc lộ 14B từ Quảng Nam đi Kon Tum. Post six đọc trại ra Việt ngữ thành Bót Xít).

Giá trị lịch sử - văn hóa

Sự đa dạng loại địa danh ở QNĐN cho thấy vùng đất này vốn có sự cộng cư thậm chí là sự hòa huyết của nhiều tộc người như Chăm, Cơ Tu, Xê Đăng, Co, Giẻ Triêng, Việt… hay nhiều quốc gia dân tộc như Hoa, Nhật, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan… Một số địa danh cho biết những huyền thoại ra đời các tộc người thiểu số trên đất QNĐN hoặc giải thích sự hình thành địa lý tự nhiên của vùng đất, những phong tục tập quán. Các địa danh cũng lưu dấu những sự kiện lịch sử của đất nước như cuộc hôn nhân lịch sử giữa hai quốc gia Đại Việt - Chămpa, cuộc nam tiến của người Bắc Việt, cuộc tỵ nạn chính trị của người Hoa dưới thời nhà Thanh, quá trình giao thương quốc tế với Nhật Bản, Trung Hoa, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, cuộc chiến xâm lược của Pháp, Mỹ đối với lãnh thổ Việt Nam…

Sự đa dạng về đặc điểm nguồn gốc và cấu tạo của địa danh, cho thấy phải cẩn trọng trong giải thích ngữ nguyên địa danh ở QNĐN. Ví dụ: Phần lớn các địa danh ở đây được Hán tự hóa những địa danh gốc. Nếu dựa vào mặt chữ Hán để giải thích nghĩa thì dẫn đến sai lệch ý nghĩa nguyên thủy của địa danh: Thu Bồn, Vu Gia, Hàn Giang, Chiêm/ Tiêm Bất Lao (Cù Lao Chàm), Đồng Long Loan (Vũng Thùng)... Hoặc trường hợp địa danh Túy Loan hiện nay là một quá trình “lòng vòng” của ngôn ngữ: Vốn ban đầu là Thúy Loan (ngọn núi màu xanh), người Pháp đọc/ghi thành “Tuy Loan”, rồi người Việt sau này đọc từ “Tuy Loan” của người Pháp thành “Túy Loan” và dẫn đến giải thích nghĩa là “con chim loan say rượu”…

Địa danh QNĐN có yếu tố ngoại lai (ngoại tộc, ngoại quốc) hết sức đa dạng và phức tạp, tác giả chỉ tạm nêu vài gợi ý mang tính tham khảo. Hy vọng sẽ có công trình nghiên cứu chuyên sâu về nội dung này để giúp giải mã những vấn đề ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa của một vùng đất mà một thời được xưng gọi “Quảng Nam quốc”.

NGUYỄN HOÀNG THÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Địa danh "ngoại lai"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO