Dịch chuyển ngư trường...

HÀ QUANG 19/06/2022 04:47

Dịch chuyển ngư trường từ gần bờ ra xa bờ nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo là chủ trương xuyên suốt, được Quảng Nam thực hiện hàng chục năm qua với nhiều chính sách cụ thể. Nhưng xa bờ vốn là hành trình sóng gió, trắc trở...

Vùng bãi ngang ven biển Quảng Nam có truyền thống đánh bắt với những loại phương tiện nhỏ. Ảnh: H.QUANG
Vùng bãi ngang ven biển Quảng Nam có truyền thống đánh bắt với những loại phương tiện nhỏ. Ảnh: H.QUANG

1. Có thể nhìn thấy lực cản trong quá trình dịch chuyển ngư trường của Quảng Nam ở góc độ truyền thống đánh bắt ven bờ khó thay đổi với khoảng 3.000 phương tiện loại nhỏ hiện hữu.

Từ lâu đời, ngư dân Quảng Nam đã hình thành nhiều loại nghề nhưng chủ yếu khai thác ở tuyến bờ. Nghề khai thác khơi dần phát triển nhưng tập trung chủ yếu ở khu vực gần với hai cửa biển chính là An Hòa (Núi Thành) và Cửa Đại (Hội An).

Còn tại những vùng bãi ngang ven biển, tập quán đánh bắt gần bờ rất khó thay đổi do ngư dân đã quen với những loại hình đánh bắt cũ; bãi ngang thuận tiện cho việc neo đậu phương tiện nhỏ, thực hiện chuyến biển ngắn ngày...

Tại các làng chài bãi ngang Bình Minh, Bình Nam (Thăng Bình), Tam Thanh (Tam Kỳ), Tam Tiến, Tam Hòa (Núi Thành) trước đây ngư dân quen khai thác các loại nghề mành đèn, lưới sưa, lưới dày, đặt bóng, nghề rạn...

Mỗi loại nghề khai thác một loại hải sản chủ lực, ít xung đột ngư trường và không tận diệt nguồn lợi. Tuy nhiên dần dà số lượng phương tiện phát triển nhanh, ngư cụ hiện đại hơn nên nguồn lợi bị khai thác quá mức. Đặc biệt, nhiều loại nghề mới khai thác kiểu hủy diệt nguồn lợi như pha xúc, giã cào được ngư dân du nhập đã tạo thêm thách thức trong nỗ lực bảo vệ nguồn lợi.

Chủ trương của tỉnh là không phát triển mới phương tiện khai thác giã cào ở tuyến bờ và tuyến lộng, nhưng trên địa bàn hiện vẫn còn khoảng 100 phương tiện loại này.

Những ngày qua, lực lượng kiểm ngư thường xuyên kiểm tra ngư trường khai thác của các loại phương tiện tại tuyến bờ và tuyến lộng. Vì vậy nhiều tàu giã cào phải “núp bờ” hoặc thậm thụt ra khơi nhằm tránh lực lượng chức năng.

Cái khó để “xóa triệt để” loại nghề giã cào khai thác gần bờ được cho là sẽ đụng đến sinh kế của ngư dân, nhưng chính ngư dân làm nghề này, đôi khi cũng phải than thở vì hải sản “cào” được mỗi ngày càng ít đi, trong khi đây là loại nghề tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu... Bài toán cho nghề giã cào hiện vẫn chưa có lời giải rốt ráo.

2. Dịch chuyển ngư trường bằng nhiều giải pháp “từ xa” đã được triển khai lâu nay với chính sách hỗ trợ nhiên liệu cho các chuyển biển; chính sách vay vốn ưu đãi đóng mới, cải hoán tàu thuyền... Nhiều ngư dân đã có thêm cơ hội vươn khơi bám biển dài ngày, nhưng không ít người “ăn sóng nói gió” phải nằm bờ với những chiếc tàu tiền tỷ.

Nguyên nhân chủ yếu khiến những chiếc tàu xa bờ phải nằm bờ là ngư dân loay hoay trong việc xác định loại nghề. Hiện trên toàn tỉnh có gần 1.000 phương tiện khai thác xa bờ, tập trung vào các loại nghề: câu mực khơi ở Tam Giang (Núi Thành), Bình Minh (Thăng Bình); lưới vây ở Tam Quang (Núi Thành); lưới quét ở Duy Vinh (Duy Xuyên). Những nghề nòng cốt này gần đây sản lượng khai thác bấp bênh do ngư trường không còn dồi dào.

Ngư dân phải thực hiện những chuyến biển xa hơn, lâu hơn; đòi hỏi phương tiện phải hiện đại, đủ sức chống chọi với sóng gió biển khơi. Trong khi đó, lao động phục vụ các nghề này thường xuyên biến động do thu nhập nhiều chuyến biển không hiệu quả.

Chính sách vay vốn ưu đãi để đóng tàu hiện đại vươn khơi dường như chỉ giải quyết nhu cầu… xa bờ của ngư dân, còn khai thác nghề gì, ngư trường ra sao là những câu hỏi mà không phải ngư dân nào cũng trả lời trôi chảy.

Đặc biệt, những “tàu 67” nằm bờ gần đây đã phản ánh đúng khía cạnh những người “ăn sóng nói gió” vốn không giỏi tính toán các phương án trong một dự án kinh tế, thì dễ lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, khiến chính sách có nguy cơ đổ vỡ.

Xa bờ, không hẳn có tàu to là thành công. Ngoài các địa phương có nghề xa bờ với đội tàu ổn định, rất khó để phát triển thêm đội tàu mới ở địa phương khác không có nhiều điều kiện thuận lợi.

Đặc biệt, tàu to không dành cho những ngư dân “dễ dãi”, làm biển theo phong trào hoặc chỉ biết trục lợi chính sách, chỉ hiện diện ở ngư trường khơi cho đủ tin nhắn với trạm bờ nhằm hưởng chế độ hỗ trợ nhiên liệu. Dịch chuyển như thế chỉ đúng với hai từ xa bờ, chứ không phải khai thác xa bờ như mục tiêu của rất nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân hiện nay!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dịch chuyển ngư trường...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO