(QNO) - Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS đang giảm đáng kể ở nhiều nước châu Phi. Việc sử dụng các loại thuốc hiệu quả giúp tăng tuổi thọ của bệnh nhân mắc bệnh này. Nhưng đại dịch Covid-19 là một bước thụt lùi lớn trong cuộc chiến chống lại bệnh AIDS tại khu vực.
Kể từ khi đại dịch Covi-19 bùng phát, hơn một nửa số bệnh nhân HIV/AIDS từng được bác sĩ Gilbert Tene tại một cơ sở y tế Cameroon thường xuyên thăm khám đã không đến nữa.
Bác sĩ Gilbert Tene nói: “Bệnh nhân không muốn đến bệnh viện. Chúng tôi cần họ đến để tiếp tục tư vấn, cung cấp thuốc và bất kỳ sự hỗ trợ nào khác”.
Tương tự, một bác sĩ ở Nam Phi - Zolelwa Sifumba cho biết, nhiều bệnh nhân trước đây được kiểm soát tốt từ HIV, lao và các bệnh khác nhưng vì nhiều lý do khác nhau như sợ lây nhiễm, nhận thức và việc hạn chế đi lại do Covid-19... đang đe dọa đến tính mạng của họ và khiến cho cuộc chiến chống HIV/AIDS tại khu vực càng thêm khó khăn, kể cả tại những quốc gia gần đây đạt được những bước tiến lớn trong việc chống lại HIV.
Năm 2018, Chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) báo cáo số ca nhiễm mới ở khu vực Đông và Nam Phi đã giảm 30% từ năm 2010 đến năm 2017, đặc biệt, tỷ lệ tử vong giảm 42% trong cùng thời kỳ. Sự tiến bộ nhanh chóng như vậy đã không được ghi nhận ở các nơi khác trên thế giới.
Thế nhưng, Liên hợp quốc ước tính rằng sự bùng phát vi rút corona toàn cầu có thể khiến thêm 290.000 người nhiễm HIV trên thế giới và thêm 148.000 người có thể chết vì AIDS nếu việc xét nghiệm để phòng ngừa cũng như việc điều trị bị gián đoạn, trong đó có khu vực châu Phi.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe ở nhiều nước châu Phi thường phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế gồm bác sĩ và y tá. Đại dịch corona hiện gây thêm áp lực lên các hệ thống này.
Cạnh đó, những nhân viên y tế điều trị cho những bệnh nhân dương tính với HIV, những người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và cả những người nhiễm Covid-19 cũng đối mặt nguy cơ cao lây nhiễm những căn bệnh này vì tình trạng thiếu trang thiết bị y tế bảo vệ cá nhân. Thực tế đã có hàng nghìn nhân viên y tế tại châu Phi đã nhiễm những căn bệnh nguy hiểm này, gây thêm tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế.
Trong khi đó, các chuyên gia Liên hiệp quốc nhận định, Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét (GFATM) được thành lập vào năm 2002, tập hợp nhiều chính phủ, công ty và tổ chức quốc tế khác nhau - đóng góp 20% ngân sách toàn cầu để chống lại bệnh AIDS.
Năm nay, GFATM cũng bắt đầu hỗ trợ cuộc chiến chống lại corona nhưng có lo ngại rằng nguồn lực bị kéo dài và quá mỏng để có thể chiến đấu với hai đại dịch cùng một lúc.