Dịch covid và kinh tế Quảng Nam

LÊ QUÝ ĐẠT 19/11/2020 05:49

Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ cuối tháng 7.2020 (gọi tắt là lần 2), nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tình, nhất là DN nhỏ và vừa đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Công nhân lao động tại một công ty trong Khu công nghiệp Bắc Chu Lai sản xuất đảm bảo khoảng cách phòng chống dịch bệnh. Ảnh: D.LỆ
Công nhân lao động tại một công ty trong Khu công nghiệp Bắc Chu Lai sản xuất đảm bảo khoảng cách phòng chống dịch bệnh. Ảnh: D.LỆ

DOANH NGHIỆP THIỆT HẠI NẶNG

Tại thời điểm khảo sát lần 2 (từ ngày 10.9.2020 đến 20.9.2020), tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến khu vực DN đã bộc lộ, khu vực DN FDI và DN nhà nước tiếp tục bị tác động mạnh (trên 90%).

Theo khảo sát, khu vực dịch vụ bị tác động nhiều nhất từ dịch Covid-19 (gần 90%), tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng (88%); trong khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng ít hơn 81,3% (quy mô của các DN khu vực này chiếm tỷ lệ rất thấp trong toàn bộ DN). Nhiều ngành tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, trong đó một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề như dệt may (100%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (98,8%), vận tải (93,1%)...

Nhiều lao động nghỉ việc

Cuộc khảo sát cũng cho thấy hệ lụy nghiêm trọng của làn sóng dịch lần thứ 2 là hiện tượng cắt giảm lao động đã bắt đầu diễn ra trên diện rộng. Ở đợt dịch lần đầu, phần lớn DN đều cố gắng giữ người lao động, không sa thải lao động nhưng ở đợt dịch thứ 2 đã có sự biến động về lực lượng lao động.   

Cụ thể, có 4% lao động trong các DN tạm nghỉ việc không lương, tỷ lệ này cao nhất thuộc về các DN có quy mô siêu nhỏ (20,6%) và DN ngoài nhà nước (8%). Khoảng 7,3% lao động ở các DN đã thực hiện giãn việc/nghỉ luân phiên, chủ yếu DN ngoài nhà nước (gần 15%). Khu vực dịch vụ có tỷ lệ lao động nghỉ việc không lương và giãn việc cao nhất lần lượt là 11,3% và 20,5%, tập trung chủ yếu ở các ngành: dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải, giáo dục, đào tạo, nghệ thuật, vui chơi, giải trí...

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra và hướng dẫn việc sản xuất đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại doanh nghiệp. Ảnh: D.LỆ
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra và hướng dẫn việc sản xuất đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại doanh nghiệp. Ảnh: D.LỆ

Nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ do dịch tái bùng phát. Quảng Nam có gần 10% số lao động hiện có bị giảm lương, trong đó DN có quy mô vừa có tỷ lệ cắt giảm lương cao nhất (11,8%); DN siêu nhỏ: 10%; DN nhỏ: 9% và DN lớn: 9,3%. DN ngoài nhà nước có tỷ lệ lao động bị cắt giảm lương khá cao (19%), trong khi khu vực DN nhà nước và FDI tỷ lệ này dưới 2%. Một số ngành có tỷ lệ bị cắt giảm lương cao như: sản xuất đồ uống (28,8%), sản xuất da giày (13,6%), dịch vụ lưu trú (16%), hoạt động thể thao (12,9%).

Ước tính bình quân năm 2020 tỷ lệ sử dụng lao động chỉ bằng xấp xỉ 92% so với năm 2019. DN có quy mô lớn hơn có tỷ lệ sử dụng lao động cao hơn, DN lớn có tỷ lệ 93,4%, trong khi đó DN nhỏ tỷ lệ này là 84,6%. Khu vực DN nhà nước có tỷ lệ sử sụng lao động cao nhất 95,1%, khu vực DN FDI 94,5% và khu vực DN ngoài nhà nước chỉ có 88,4%.

Thiếu hụt nguồn nguyên liệu

Nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu thiếu hụt nguồn nguyên liệu, hàng hóa đầu vào để thực hiện hoạt động sản xuất. Kết quả khảo sát có 50% số DN thiếu hụt nguyên liệu, hàng hóa đầu vào, trong đó DN quy mô lớn có tỷ lệ thiếu hụt cao nhất (56,3%) và DN quy mô siêu nhỏ có tỷ lệ thấp nhất (46,5%). DN ngoài nhà nước có đến 50% bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào và tỷ lệ này của DN FDI là 44,4%.

 

Việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu, hàng hóa đầu vào của DN không chỉ phụ thuộc vào nguyên liệu, hàng hóa nhập khẩu mà còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, hàng hóa trong nước. Có 46,2% DN thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào từ trong nước và 41% DN thiếu hụt từ nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa đầu vào, trong đó DN quy mô lớn có đến 52,5% và DN FDI 53,9% bị thiếu hụt nguyên liệu, hàng hóa đầu vào từ nhập khẩu.

Ngoài ra, việc cắt giảm lao động đồng nghĩa với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bị thu hẹp, quy mô nhỏ lại. Bên cạnh đó, hàng hóa sản xuất ra gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ đã làm cho doanh thu bị sụt giảm, dự kiến số DN được khảo sát doanh thu 9 tháng đầu năm 2020 chỉ bằng 78,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó DN FDI 78,4%; DN nhà nước 85,6% (chủ yếu ngành dịch vụ, lưu trú, vận tải và tập trung vào một số địa phương Hội An, Thăng Bình, Điện Bàn, Duy Xuyên).

Trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt, ước tính doanh thu năm 2020 cũng chỉ bằng 96% so với năm 2019, trong đó DN quy mô lớn doanh thu bằng 97% trong khi DN siêu nhỏ chỉ bằng 85% doanh thu cùng kỳ. Ngược lại, trường hợp dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, doanh thu ước tính năm 2020 chỉ bằng 73% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó DN siêu nhỏ có tỷ lệ sụt giảm doanh thu nhiều nhất (-39%) và DN FDI sụt giảm 33%.

DN có quy mô càng lớn, chịu tác động càng lớn

Trong đợt khảo sát lần thứ nhất, cả tỉnh có 2.033 doanh nghiệp tham gia trả lời, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Ở lần khảo sát thứ 2, có 1.542 doanh nghiệp tham gia trả lời, chiếm hơn 23%. Tỷ lệ doanh nghiệp tại Quảng Nam bị tác động của dịch Covid-19 qua 2 đợt khảo sát lần lượt là: 87,85% và 88,48%. Đáng chú ý, kết quả khảo sát  lần 2 đã nhận diện rõ hơn các khó khăn của doanh nghiệp khi dịch bệnh bùng phát trở lại, đồng thời phản ánh khá đầy đủ về hiệu quả thực thi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương đối với cộng đồng doanh nghiệp.

DN có quy mô càng lớn thì tỷ lệ DN chịu tác động từ dịch Covid-19 càng lớn. Điều này có thể lý giải các DN này thường là những đơn vị hoạt động kinh doanh đa ngành nghề, có chuỗi giá trị liên kết trong nước và quốc tế chặt chẽ, rộng hơn nhóm DN quy mô nhỏ sẽ chịu tác động lan tỏa nhiều hơn khi dịch bệnh bùng phát trên phạm vi toàn cầu. Nhóm DN lớn (hiện chiếm 3% tổng số DN trên địa bàn tỉnh) là nhóm chịu tác động nhiều nhất (gần 96%); tỷ lệ này của nhóm DN vừa và nhỏ là hơn 90%, nhóm DN siêu nhỏ (hiện chiếm 65,4% toàn bộ DN) khoảng 86% bị tác động tiêu cực.

CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ

Dịch Covid-19 lần 2 là “liều thuốc thử” để biết được “sức khỏe” của DN đang thế nào? Mức độ phản ứng nhanh của họ ra sao với khủng hoảng, từ đó cũng thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu, thách thức và cả cơ hội phía trước.

Ông Chou Kuo I - Tổng Giám đốc Công ty Vast Apparel Việt Nam (Phú Ninh) kiểm tra hoạt động sản xuất của công nhân trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 phức tạp. Ảnh: D.LỆ
Ông Chou Kuo I - Tổng Giám đốc Công ty Vast Apparel Việt Nam (Phú Ninh) kiểm tra hoạt động sản xuất của công nhân trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 phức tạp. Ảnh: D.LỆ

Cuộc khảo sát đã thấy rõ, để ứng phó với tác động Covid-19, DN đã phải áp dụng nhiều giải pháp để có thể tồn tại, vượt qua thời kỳ khó khăn. Hơn 65% DN đã áp dụng ít nhất một giải pháp, từ thay đổi phương thức hoạt động đến chiến lược sản xuất kinh doanh. DN có quy mô càng lớn càng chủ động tìm kiếp giải pháp để khắc phục khó khăn: 76,8% DN quy mô lớn có áp dụng một trong các giải pháp, trong khi đó chỉ có 60% DN quy mô siêu nhỏ thực hiện việc này. 

Các giải pháp được DN áp dụng như: bắt đầu chuyển đổi hình thức kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử, tuy nhiên hình thức này vẫn chưa được áp dung rộng rãi, chỉ có 11,6% DN áp dụng; chuyển đổi sản phẩm/dịch vụ chủ lực theo nhu cầu thị trường (13,1%); đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn/tay nghề cho người lao động (12,9%); tìm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào (16,6%); giải pháp được cộng đồng DN áp dụng cao nhất là tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngoài thị trường truyền thống (31,4%).

Ngày 4.3.2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid -19. Theo Chỉ thị 11, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng là DN đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng).

 

Các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ ban hành trong thời gian qua được đánh giá là rất phù hợp với kỳ vọng của cộng đồng DN. Trong đó, giải pháp “không điều chỉnh tăng giá trong quý I và quý II năm 2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất do Nhà nước kiểm soát giá” và giải pháp “miễn, giãn, giảm lãi suất vay, phí ngân hàng” được nhiều DN ủng hộ nhất. Giải pháp về “cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản nợ” và “cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn” cũng được DN đánh giá tích cực. Tuy nhiên, kết quả khảo sát lần thứ 2 trả lời của DN về thực hiện các giải pháp thì quá trình thực thi các giải pháp hỗ trợ còn khá nhiều hạn chế, bất cập. Hơn 84% DN được khảo sát đánh giá là gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay, trong đó DN ngoài nhà nước là đối tượng gặp khó khăn lớn nhất (85%). Có gần 74% DN gặp khó khăn do quy trình, thủ tục vay vốn phức tạp; hơn 54% DN không có tài sản thế chấp để vay vốn, đồng thời DN đang có dư nợ nhiều cũng bị hạn chế tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng là 57,3%.

Đứng trước những khó khăn, thách thức mà dịch Covid-19 mang đến, nhiều DN đã tìm ra hướng đi mới cho chính mình để tiếp tục ổn định sản xuất kinh doanh trong tương lai. Kết quả khảo sát cho thấy, có đến 60,8% DN trả lời sẽ tập trung phát triển thị trường tiêu thụ trong nước; 51,3% sẽ thay đổi giá sản phẩm, dịch vụ; 35% sẽ đẩy mạnh thương mại điện tử; 30,7% chuyển đổi sản phẩm/dịch vụ chủ lực; 25,5% sản xuất sản phẩm mới đối với thị trường; 23,3% tập trung phát triển chuỗi cung ứng trong nước để thay thế nguồn nhập khẩu.

KIẾN NGHỊ CỦA DOANH NGHIỆP

Thực tế các chính sách hỗ trợ DN ở đợt 1 có nguồn lực để thực hiện là không nhỏ, song hiệu quả mà chính sách mang lại chưa thực sự được như kỳ vọng.

Lãnh đạo tỉnh cùng đoàn công tác thăm, động viên doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Tam Thăng trong bối cảnh dịch bệnh khiến doanh nghiệp khó khăn. Ảnh: D.LỆ
Lãnh đạo tỉnh cùng đoàn công tác thăm, động viên doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Tam Thăng trong bối cảnh dịch bệnh khiến doanh nghiệp khó khăn. Ảnh: D.LỆ

Theo kết quả khảo sát, ngoài vấn đề gia hạn nộp các loại thuế, phí có thể thực hiện được ngay thì hầu hết DN cho rằng họ chưa “với” tới được các chính sách hỗ trợ vì những quy định cụ thể khá ngặt nghèo, ví dụ như việc vay tiền để trả lương cho người lao động trong lúc khó khăn. Điều đó buộc DN phải tự tìm mọi cách xoay xở trước khi có thể hưởng lợi từ chính sách nếu không muốn bị lâm vào tình trạng đóng cửa, phá sản… Các chính sách, gói hỗ trợ để đối phó với đại dịch Covid-19 trong giai đoạn 1 dù đã được triển khai từ nhiều tháng qua nhưng theo đánh giá chung là chưa thể hiện được vai trò “cứu trợ” một cách tốt nhất. Chưa có sơ kết, tổng kết đánh giá việc triển khai thực hiện các gói hỗ trợ đầu tiên cho DN, vì vậy khó có thể quyết định nên hay không nên tiếp tục bỏ tiền ra “cứu trợ” DN trong lúc này.

DN mong muốn khi xây dựng chính sách hỗ trợ, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và các cấp chính quyền cần tính toán chặt chẽ, đầy đủ các yếu tố tác động, dựa trên thực tế khó khăn của DN để xây dựng chính sách, đưa ra được các gói hỗ trợ cần đủ mạnh về liều lượng và kịp thời hơn, hướng đến đúng đối tượng hơn. Phải kết nối các đơn vị xúc tiến thương mại, tìm mọi cách giải quyết đầu vào, đầu ra cho sản phẩm trong nước thông qua các gói kích cầu. Có khoảng 63% DN tham gia khảo sát kỳ vọng sẽ gia hạn và sửa đổi các giải pháp, chính sách về thuế và tiền thuê đất, 70% tiếp tục các chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước, 64% rà soát điều chỉnh giảm phí, lệ phí áp dụng cho năm 2021 và có 41% kỳ vọng sẽ có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động chuyển nghề do thay đổi hoặc mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

 

DN rất cần được hỗ trợ từ Chính phủ, các cấp, ngành nhưng hỗ trợ phải xác định theo ngành, nghề, lĩnh vực và hỗ trợ theo vị trí của từng lĩnh vực, từng DN nằm trong chu trình phát triển của toàn bộ nền kinh tế. Có những lĩnh vực, DN không tạo ra nguồn thu lớn, không có đóng góp nhiều cho ngân sách tỉnh, nhưng có đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo ổn định đời sống, xã hội thì vẫn cần phải hỗ trợ.

Những DN bị ảnh hưởng nhiều nhưng khả năng phục hồi nhanh và phục hồi phụ thuộc vào sự phục hồi của các lĩnh vực khác thì cần phải cân nhắc. Đặc biệt, cần hỗ trợ mạnh về lãi suất vào những lĩnh vực quan trọng, có tính lan tỏa cho nền kinh tế như chuyển đổi số, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, tự động hóa... Bởi, việc hỗ trợ lần này không chỉ khắc phục khó khăn trước mắt mà còn vực dậy thực lực cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn sau khi đại dịch đi qua.

Doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách hỗ trợ

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở LĐ-TB&XH tại buổi giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vào tháng 10.2020, toàn tỉnh có khoảng 45 nghìn lao động ở 600 DN bị mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hơn 9 tháng đầu năm 2020, số người lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đã lên đến hơn 18 nghìn trường hợp, trong khi con số này từ năm 2019 trở về trước chỉ trung bình hơn 10.000 trường hợp/năm.

Qua giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về tình hình triển khai hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động theo Nghị quyết 42/NQ-CP Chính phủ tại TP.Hội An và huyện Thăng Bình vào tháng 10.2020, mặc dù nhiều DN gặp khó khăn về tài chính do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng vẫn chưa có DN tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi theo Nghị quyết số 42. Tại thời điểm đoàn giám sát, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP, ngày 19.10.2020 bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9.4.2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, ngày 24.4.2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Các văn bản sửa đổi nêu trên đã cơ bản sửa đổi một số điều kiện vay vốn, đơn giản bớt hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn, kéo dài thời hạn cho người sử dụng lao động vay vốn đến hết ngày 31.1.2021. Tuy vậy, khi trực tiếp đối thoại với các DN được mời tham gia làm việc với đoàn giám sát, các DN cho biết vẫn khó tiếp cận với gói tín dụng này. Điều kiện vay vốn của DN gặp nhiều khó khăn. Hồ sơ, trình tự vay vốn tuy có được điều chỉnh để giảm bớt thủ tục hành chính, song yêu cầu cung cấp bản gốc các loại giấy tờ để ngân hàng kiểm tra, đối chiếu trước khi giải ngân cũng khá rườm rà; thời gian cho vay, mức vay quá ít khiến DN không mặn mà với việc tiếp cận nguồn vốn vay.

Bên cạnh đó, DN khi lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ phải chứng minh tài chính nên DN e ngại ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. DN không chứng minh được về việc không có doanh thu, đang gặp khó khăn về tài chính hoặc không có nguồn tài chính để trả lương. Vì thực tế, mặc dù DN có khó khăn về đơn hàng hoặc nguyên liệu, nhưng vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh với một bộ phận lao động rất ít so với số lao động của DN trước khi có dịch… Đó là những vướng mắc cơ bản trong quá trình tiếp cận với chính sách hỗ trợ Covid-19 được một số DN trình bày.

Để hỗ trợ DN vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm cho chủ trương phân loại DN. Qua đó ưu tiên chính sách tín dụng khôi phục, duy trì và hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh; quan tâm đầu tư, hỗ trợ các DN vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất, kinh doanh; đồng thời có chính sách giảm thuế VAT cho DN, giảm lãi vay từ các ngân hàng thương mại... (VINH ANH)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dịch covid và kinh tế Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO