Diễn biến về dịch cúm gia cầm H7N9 gây chết người đang rất phức tạp tại Trung Quốc trong khi nhiều nước láng giềng khẩn cấp đề phòng H7N9 có nguy cơ xâm nhập.
Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc ghi nhận gần 350 người nhiễm cúm gia cầm thuộc chủng vi rút H7N9, trong đó gần 90 ca tử vong, chủ yếu vùng đồng bằng châu thổ sông Trường Giang và Châu Giang. Để ngăn chặn dịch vi rút H7N9 lây lan nhanh, nhiều khu chợ gia cầm buộc phải đóng cửa. Như tỉnh Chiết Giang miền đông của Trung Quốc ra lệnh các chợ trên toàn tỉnh ngưng buôn bán gà vịt sống từ nhiều ngày nay sau khi hàng chục ca nhiễm cúm H7N9 được phát hiện. Tờ China Daily đưa tin về việc Quảng Châu - thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, một cảng chính và là một trung tâm vận chuyển, yêu cầu người dân tránh tiếp xúc với gia cầm sống và ra lệnh ngưng các hoạt động buôn bán gà vịt sống và giết mổ gia cầm đến tháng 3 để ngăn ngừa cúm gia cầm lây lan sang người. Vụ bùng phát cúm gia cầm lớn gần đây nhất ở Trung Quốc xảy ra vào năm 2013 khiến 36 người thiệt mạng và làm thiệt hại hơn 6 tỷ USD trong lĩnh vực nông nghiệp.
Một khu chợ gia cầm Bắc Kinh (Trung Quốc) ế ẩm vì người tiêu dùng lo ngại cúm A/H7N9. Ảnh: JapanTimes |
Trả lời phỏng vấn hãng tin Tân Hoa Xã, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Trung Quốc cho biết, kể từ khi Trung Quốc lần đầu tiên phát hiện ca bệnh bị nhiễm cúm H7N9 lây từ người sang người từ năm 2013 đến nay, nước này đã trải qua 5 lần bùng phát dịch cúm gia cầm H7N9 vào mùa đông xuân. Đa số người bệnh bị lây nhiễm vi rút H7N9 qua tiếp xúc với môi trường như gia cầm bị nhiễm vi rút hoặc chợ gia cầm sống… Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đang tăng cường đào tạo nhân viên y tế trong việc chẩn đoán sớm và điều trị cho những người nhiễm bệnh và cảnh báo tỷ lệ nhiễm cúm gia cầm tại các trang trại ở Trung Quốc có thể cao hơn so với dự đoán. Trên thực tế, chủng loại vi rút cúm gia cầm H7N9 rất khó phát hiện ở gà hay ngỗng.
Theo BBCnews, khi các trang trại gà không tiêu thụ được tại Trung Quốc thì ngay trong lúc này nhiều người dân ở các nước láng giềng và nhất là các khu vực giáp biên giới với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam lo lắng nguy cơ gà bệnh, gà thải từ Trung Quốc với giá siêu rẻ tìm cách tuồn lậu vào. Việc tiêu thụ gà nhiễm bệnh không những gây tổn hại sức khỏe cho người tiêu dùng mà người chăn nuôi sẽ chịu thiệt hại vì giá gà Trung Quốc đang rẻ kỷ lục. Theo thông tin từ Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đang diễn biến phức tạp ở 13 tỉnh, thành phố với số mắc tăng cao đột biến, tỷ lệ tử vong cao (khoảng 40%), trong đó tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây là nơi có giao lưu thương mại, du lịch nhiều với Việt Nam.
Trên thế giới, để phòng dịch xâm nhập và lây lan, nhiều quốc gia chủ động và kịp thời kiểm soát rất chặt chẽ các cửa ngõ ra vào biên giới, nghiêm cấm vận chuyển gia cầm ra khỏi ổ dịch tại địa phương, tiến hành tiêu hủy gia cầm bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, ngành y tế chuẩn bị đầy đủ thuốc điều trị cần thiết cho các bệnh nhân mắc bệnh dịch cúm gia cầm khi chưa có vắc xin phòng nhiễm cúm gia cầm A/H7N9. Đồng thời cấm nhập thịt gia cầm từ các quốc gia có dịch. Vào năm 2015, Mexico cùng nhiều quốc gia khác ban hành lệnh cấm nhập khẩu gia cầm và trứng có xuất xứ từ bang Iowa (Mỹ) là nơi đang có ổ dịch cúm gia cầm. Mới đây nhất vào cuối năm 2016, nhiều quốc gia trong đó có Hồng Kông (Trung Quốc) cấm nhập khẩu thịt gia cầm và trứng xuất xứ từ Hàn Quốc, nơi đang đối phó với dịch cúm gia cầm lây lan nhanh.
NAM VIỆT