Mặc dù chính quyền và ngành chức năng ở huyện Duy Xuyên tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhưng bệnh lở mồm long móng trên gia súc vẫn đang có chiều hướng lây lan diện rộng...
|
Cuối tuần qua, lực lượng thú y Duy Xuyên tập trung tiêm vắc xin lở mồm long móng cho đàn gia súc ở những nơi có nguy cơ bùng phát dịch. Ảnh: HOÀI NHI |
Mầm bệnh tiếp tục phát tán
Như Báo Quảng Nam đã thông tin, ngày 5.11, ổ dịch đầu tiên bùng phát trên đàn trâu của ông Trần Kiên (thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh). Ngay sau đó, lực lượng thú y xã Duy Trinh trực tiếp đến nhà ông Kiên kiểm tra tình hình và hướng dẫn phác đồ điều trị bệnh. Mặc dù vậy, dịch lở mồm long móng vẫn tiếp tục lây lan sang các khu vực xung quanh. Tính đến ngày 26.11, xã Duy Trinh ghi nhận tổng cộng 100 con trâu, bò bị nhiễm dịch, tập trung ở 2 thôn Đông Yên và Chiêm Sơn, trong đó, riêng từ ngày 24 đến 26.11 mầm bệnh đã phát tán trên đàn gia súc của 5 hộ dân ở thôn Chiêm Sơn khiến 6 con trâu, bò bị nhiễm bệnh. Vừa lấy lá khế giã nhỏ trộn với nước chanh để rửa vết thương cho gia súc bị mắc bệnh, ông Nguyễn Đốc (trú thôn Chiêm Sơn) nói: “Chuồng trại chăn nuôi của gia đình nằm ở khu vực cao ráo nên trong đợt lũ lớn hồi đầu tháng 11 tôi không phải dắt gia súc đi tránh trú như những hộ dân khác, vì vậy tôi nghĩ dịch bệnh khó có thể tấn công đàn vật nuôi của mình. Thế nhưng, ngày 24.11 vừa qua, 2 con trâu, bò của tôi bỗng dưng bị sốt cao, bỏ ăn, sùi nước bọt, nổi mụn nước trên khóe miệng và lở loét ở các móng chân. Ngay lập tức, tôi báo cho bộ phận thú y xã đến kiểm tra tình hình. Sau đó, họ khẳng định gia súc bị nhiễm dịch lở mồm long móng và hướng dẫn biện pháp điều trị”.
Đã tiêm phòng vắc xin đợt 2 vẫn bị nhiễm bệnh Theo lãnh đạo Trạm Chăn nuôi & thú y huyện Duy Xuyên, qua công tác kiểm tra tình hình dịch bệnh, ngành chuyên môn phát hiện một số trâu, bò dù đã được tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng đợt 2 năm 2017 nhưng vẫn bị nhiễm bệnh. Nguyên nhân ban đầu có thể do sử dụng chủng loại vắc xin tiêm phòng thuộc type O chứ không phải đa type (gồm type O, type A, type Asial 1). Ngoài ra, có những hộ dân đăng ký tiêm phòng đợt 2 nhưng trước đó bỏ qua đợt 1 nên đàn gia súc không đủ kháng thể chống lại vi rút gây bệnh hoặc cũng có thể con gia súc đó không có khả năng miễn dịch… Đó là những nhận định ban đầu, muốn đưa ra kết luận chính xác cần phải lấy mẫu bệnh phẩm trên con gia súc bị lở mồm long móng đã tiêm phòng vắc xin đợt 2 năm 2017 gửi đi xét nghiệm. Tuy nhiên, cơ quan thú y vẫn chưa thể thực hiện công việc này. |
Trao đổi với chúng tôi vào trưa Chủ nhật 26.11, ông Nguyễn Văn Ánh - cán bộ thú y xã Duy Trinh cho biết, toàn bộ số trâu và bò vừa mới mắc bệnh đều do lực lượng thú y phát hiện khi đi kiểm tra trực tiếp tại hộ dân. Từ thực tế đó cho thấy, một số hộ dân biết gia súc của mình bị nhiễm dịch nhưng cố tình giấu và tự ý điều trị bệnh. Theo ông Nguyễn Văn Tôi - Phó Trưởng trạm Chăn nuôi & thú y huyện Duy Xuyên, trong đợt lũ lớn vừa qua, hầu như toàn bộ gia súc đều chăn thả tập trung tại các khu vực cao ráo như gò đồi, triền núi nên chỉ cần 1 con bị nhiễm bệnh là có thể lây lan sang nhiều con khác. Ngoài ra, hiện nay do trời mưa liên tục nên công tác vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng môi trường ở những ổ dịch cũ, nơi công cộng, các điểm giết mổ và chợ buôn bán sản phẩm gia súc… chưa thể tiến hành. Đặc biệt, dù các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh khâu tuyên truyền nhưng người dân vẫn có thói quen thả rông gia súc trên đồng ruộng khiến quá trình kiểm soát và tổ chức phòng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. “Bệnh lở mồm long móng vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, có nguy cơ lây lan sang các xã, thị trấn khác của huyện Duy Xuyên. Bởi Duy Trinh nằm ở cánh trên, vi rút gây bệnh có thể theo nguồn nước và một số đường khác lây lan sang đàn gia súc ở vùng dưới như các xã Duy Sơn, Duy Trung, thị trấn Nam Phước và cả một số địa phương thuộc khu đông” - ông Tôi nói.
Dốc sức chống dịch
Những ngày qua, ngoài việc rắc vôi bột và phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, ông Phạm Phú Thu ở thôn Đông Yên (xã Duy Trinh) còn sử dụng chanh, khế để rửa vết thương cho đàn bò. Nhờ thực hiện thường xuyên các biện pháp nên đến chiều qua 26.11, trong số 4 con bò bị nhiễm bệnh lở mồm long móng của ông Thu đã có 2 con cơ bản khỏi bệnh. Ông Thu nói: “Từ khi đàn bò bị nhiễm bệnh lở mồm long móng đến nay, tôi thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành chuyên môn nên bệnh chuyển biến tích cực. Thời gian tới, tôi mong ngành thú y tiếp tục quan tâm hỗ trợ người dân thực hiện tốt công tác vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng và tiêm phòng vắc xin triệt để nhằm sớm dập tắt hoàn toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi trong thời điểm giao mùa”.
Ông Nguyễn Văn Tôi cho biết, nhằm ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục lây lan, đơn vị đã chi viện khẩn cấp cho xã Duy Trinh 1.000 liều vắc xin lở mồm long móng type O để tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc chưa chích ngừa trong đợt 2 năm 2017. Theo ông Tôi, ngay trong những ngày cuối tuần qua, toàn bộ lực lượng thú y huyện và xã đã được huy động để hoàn thành công việc này. Ngoài ra, ngành thú y huyện cũng khẩn trương hỗ trợ thêm lượng lớn hóa chất để chính quyền xã Duy Trinh thực hiện công tác vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng trên diện rộng. Mặt khác, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của trạm luôn bám sát cơ sở để chủ động giám sát, phát hiện sớm những con gia súc mới phát sinh bệnh và hướng dẫn người chăn nuôi cách ly con ốm để điều trị. “Ngoài xã Duy Trinh, trong 3 ngày nay chúng tôi cũng đã tiến hành tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng cho đàn gia súc ở các địa phương lân cận vùng dịch gồm Duy Châu, Duy Sơn, Duy Trung. Đồng thời đơn vị vừa kiến nghị cấp trên tiếp tục chi viện vắc xin lở mồm long móng để phục vụ cho công tác phòng chống và dập dịch” - ông Tôi cho biết.
HOÀI NHI