Bạn có tin phái bộ Anh gặp trục trặc với triều đình nhà Nguyễn hồi đầu thế kỷ 19 là do lỗi dịch thuật? Hãy thử tìm hiểu xem “dịch nhầm” còn gây ra những trở ngại nào nữa…
Khi người Pháp “dịch” cho người Anh
Năm 1804, phái bộ Anh do J.W.Roberts dẫn đầu đến đặt mối quan hệ thông thương với triều đình Huế, hiến phẩm vật và đưa thư xin được đi lại buôn bán ở Đà Nẵng, nhưng bị vua Gia Long từ chối.
Các lần tiếp xúc sau đó cũng bất thành. Một số nhà phân tích cho rằng do vua Gia Long vốn dĩ thành kiến, vì người Anh từng bắt giữ một thuyền buôn của nhà Nguyễn và có “lòng dạ khó lường”…
Nhưng dưới góc nhìn của John Barrow, người từng theo phái bộ Anh ghé cảng Đà Nẵng trong chuyến du hành 1792 - 1793 và 13 năm sau xuất bản công trình “Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792 - 1793”, lý do người Anh bị khước từ có bóng dáng của chuyện dịch thuật.
J.Barrow cho rằng, lúc ấy vua Gia Long gặp J.W.Roberts nhưng cuộc tiếp khá lạnh nhạt. J.Barrow lý giải, ngoài chuyện lúc đó nhiều người Pháp vây quanh, còn có trở ngại trong giao tiếp.
“Bản thân nhà vua không biết tiếng Anh cũng như không một vị cận thần nào biết thứ ngôn ngữ này, nên mọi đề nghị mà phái viên người Anh dâng lên, cũng như mọi điều giải thích về nhiệm vụ của ông ta (tức J.W.Roberts - NV) đều phải tiến hành qua tay các giáo sĩ người Pháp” (Sđd, trang 113).
Thái độ cư xử rất dè dặt, khinh thị của triều đình nhà Nguyễn có thể do nội dung mà phái bộ Anh đề nghị đã bị hiểu sai. J.Barrow nghi vấn: “Người Pháp có thể thông dịch những đề nghị đó thành những lời lẽ xúc phạm”.
Chưa rõ kiến giải của J.Barrow chính xác đến đâu, nhưng đã góp thêm minh chứng về… hậu quả của chuyện dịch thuật. Thời điểm J.Barrow đến xứ Nam Hà (Đàng Trong), sự khác biệt về ngôn ngữ lộ khá rõ. Ngay trong cuốn du ký và du khảo của ông, nhiều chi tiết phải “ghi chú” thì bạn đọc mới hiểu.
Thí dụ, ông gọi Nguyễn Ánh - Gia Long là Caung-shung, một cách “phiên âm” từ chữ Cảnh Hưng, niên hiệu vua Lê Cảnh Hưng (Lê Hiển Tông) vốn được các chúa Nguyễn ở Đàng Trong lúc đó dùng để tỏ ý tôn trọng. Và rồi, J.Barrow sử dụng luôn chữ này mỗi khi nói về vua Gia Long, người mà ông rất có cảm tình.
Cũng thế, J.Barrow gọi Quang Trung là Quang-tung hay Long-niang (“phiên âm” theo tước hiệu Long Nhương tướng quân). Còn tên của Nguyễn Nhạc khá lạ tai, Yin-yac. Rất nhiều địa danh khác cũng nghe lơ lớ: Quy Nhơn (Quin-nong), Huế (Hué), Sài Gòn (Sai-gong), Hải Vân (Hai-wen)…
Cố tình và vô ý
Trên mạng xã hội, gần đây thấy nhiều người “tố” chuyện biên dịch ẩu tả. Khi chuyển ngữ một công trình nghiên cứu về văn hóa Chămpa, thấy chữ “minh văn” là lạ, dịch giả tưởng tác giả viết nhầm từ chữ “văn minh”, và thế là… đảo ngược hết sang thành “văn minh” trước khi dịch sang tiếng Anh.
Nhà báo Trọng Kha (ở TP.Hồ Chí Minh) vừa nêu ý kiến về cách dịch của cuốn “Con người trong thế giới tinh thần - Trải nghiệm triết học cá biệt luận”, rằng thuật ngữ “personalism” mà dịch thành “cá biệt luận” thì không thuyết phục, mà đấy phải là “nhân cách luận”.
Trọng Kha cũng đề cập tiêu đề tiểu thuyết “Ningen shikkaku” (Nhân gian thất cách,人間失格) của Dazai Osamu. Anh không đồng ý với tựa “Thất lạc cõi người” khi dịch sang tiếng Việt, mà phải là “Mất tư cách làm người”. Bản dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh cũng bám sát nghĩa, “Disqualified from being human” (Không đủ tư cách làm người).
Riêng tôi, khi đọc “Thất lạc cõi người” của dịch giả Hoàng Long (NXB Hội Nhà văn 2009), thấy đoạn bình phẩm in ở bìa 4 của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cũng hé lộ ít nhiều về tiêu đề bản gốc. Nhật Chiêu viết: “Xa lạ với nhân gian là nỗi ám ảnh bi ai mà nhân vật “tôi” (Yozo) luôn luôn cảm thấy.
Anh tin rằng mình không biết cách làm người, đã mất tư cách làm người, đúng như tiêu đề của truyện: “Nhân gian thất cách”. Anh đành buông mình thất lạc trong cõi người ta, tuyệt vọng nhưng lúc nào cũng chân thật, không dối người cũng không dối mình”.
Trong đoạn vừa trích, câu thứ 2 xác nhận tiêu đề phải được hiểu là “mất tư cách làm người”. Nhưng câu trích thứ 3 lại mở ra hướng tiếp cận khác, “buông mình thất lạc trong cõi người ta”. Phải chăng dịch giả đã “tiếp cận” theo hướng này?
Cũng có những lỗi vô ý, nhiều khả năng do thợ sắp chữ. Đơn cử “Hải ngoại kỷ sự” của Thích Đại Sán. Ở đầu quyển 4, vị hòa thượng Trung Hoa kể lại chuyện hồi đầu tháng 8.1695 ông được chúa Nguyễn cho thuyền đưa từ Huế vào Hội An để sau đó đáp thuyền về nước.
Rời Huế, một buổi sáng, hòa thượng thức giấc thấy “thuyền đã vào vũng, ở trong vòng núi bao quanh”, tức cửa biển Đà Nẵng. Nhưng mấy dòng kế tiếp, hòa thượng lại xa trông cách bờ cột buồm như rừng tên xúm xít, “hỏi ra mới biết đó là đoàn thuyền chở lương, đậu chờ gió tại cửa Hội An”. Bản in năm 1963 của Ủy ban Phiên dịch sử liệu, Viện Đại học Huế (năm 1963) còn được tái bản vài lần.
Sao có đoàn thuyền chở lương “đậu chờ gió tại cửa Hội An”?
Nhà nghiên cứu Võ Văn Dật trong cuốn “Lịch sử Đà Nẵng 1306 - 1975” đã phát hiện chi tiết nhầm lẫn và vô nghĩa này. Đứng ở cửa biển Đà Nẵng, không thể thấy thuyền đậu ở Hội An cách đó hơn 30km. Ông cho rằng, lỗi do người sắp chữ, “lại” bị nhầm thành “tại”. Câu đúng phải là: “…đoàn thuyền chở lương, đậu chờ gió (để) lại cửa Hội An”.
Nhà nghiên cứu Võ Văn Dật hoàn toàn có lý khi đòi sửa chữ. Bởi đọc “Hải ngoại kỷ sự”, ai cũng biết hành trình của hòa thượng Thích Đại Sán còn lâu mới vào đến Hội An. Đoàn thuyền của ông còn đi dọc theo sông Cổ Cò, ông còn dạo chơi ở núi Tam Thai, viết trường ca “Chơi núi Tam Thai” và 2 bài thơ thất ngôn…
*
* *
Dịch nhầm, dù vô tình hay cố ý, đều gây hại cho tác phẩm. Dịch khác với phép toán cộng, như giáo sư Cao Huy Thuần từng phân tích. Giáo sư bảo, dịch một bài thơ Đường không phải là bài toán cộng kiến thức về chữ Hán và kiến thức về chữ Việt. Và với “bài toán cộng” kiểu như thế, ông bảo dù ai đó rành tiếng Pháp vẫn không thể có bản dịch “Hoàng tử Bé” (Antoine de Saint-Exupéry) vừa đúng vừa hay.
Dịch phẩm “vừa đúng vừa hay”, hẳn là phải trải qua hành trình lao động chữ nghĩa rất công phu.