Sau gần 15 năm, dịch sởi lại bùng phát ở Mỹ và đang diễn biến rất đáng quan ngại.
Vào năm 2013, nhà chức trách Mỹ phát hiện 173 trường hợp mắc sởi và năm 2014, con số này đã tăng lên 644 ca. Tính từ cuối tháng 12.2014 đến nay, dịch sởi lây nhiễm mạnh tại bang California - nơi xuất hiện ca đầu tiên ở khu giải trí nổi tiếng Disneyland. Hiện có hơn 100 ca nhiễm bệnh ở 14 tiểu bang khác và có dấu hiệu gia tăng. Các chuyên gia y tế quận Cam thuộc California cho biết, trẻ em chiếm số đông trong những ca mắc sởi lần này và đa số các em chưa được tiêm vắc xin sởi phòng bệnh.
Nhiều phụ huynh Mỹ tích cực đưa con đi tiêm phòng để ngăn ngừa nhiễm bệnh. (Nguồn ảnh: nbcnews) |
Thông tin trên ngay lập tức khiến các chuyên gia, chính quyền và dư luận Mỹ rất quan tâm và lo lắng nhưng cũng nổ ra nhiều tranh cãi về việc tiêm phòng vắc xin. Là quốc gia có thành tựu y học phát triển hàng đầu thế giới nhưng thống kê cho thấy, ở nhiều tiểu bang của nước Mỹ, cả những khu vực giàu có, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ em lại thấp hơn một số nơi khác tại châu Á. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, vào thời điểm cuối năm học 2014, ước tính 3,3% (khoảng 18.200) trẻ mẫu giáo ở California không được tiêm vắc xin sởi. Thậm chí, nhiều nơi ở Mỹ còn được phép miễn trừ tiêm phòng vắc xin vì nhiều lý do khác nhau như theo quan niệm triết học hay tôn giáo... Ngoài ra, một nguyên nhân khác diễn ra phổ biến ở Mỹ là cha mẹ đã không đưa con cái của mình đi tiêm phòng vắc xin sởi khi chúng đến độ tuổi quy định chủng ngừa, hoặc không tiến hành tiêm phòng đủ liều vắc xin cho trẻ.
Ông Eric Handler, một giới chức y tế công cộng tại Mỹ nói, thực tế từ nhiều năm qua, có không ít các bậc cha mẹ sợ nhiều rủi ro đến với con mình, như chúng sẽ bị bệnh tự kỷ vì vắc xin, một điều mà cộng đồng y khoa luôn cực lực bác bỏ. Nhiều ông bố, bà mẹ đã không cho con mình tiêm ngừa và đáng sợ hơn là con số này ngày càng nhiều. Nhiều thông tin bất lợi, không đúng thực tế khoa học được lan truyền trên mạng internet, từ một số người cũng là nguồn gây nên sự sợ hãi cho cha mẹ. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc không tiêm ngừa vắc xin cho trẻ thì cha mẹ là những người trực tiếp gây tổn hại.
Trước tình trạng trên, các giới chức y tế Mỹ bằng nhiều hình thức khác nhau kêu gọi và vận động phụ huynh ở Mỹ cho con em đi chủng ngừa vắc xin sởi bởi đây là biện pháp hiệu nghiệm và an toàn để phòng bệnh. Vắc xin ngừa sởi có từ năm 1963 và mang lại hiệu quả cho hơn 99% nếu một đứa trẻ được tiêm chủng 2 liều. Liều đầu tiên khi trẻ lên 2 tuổi và một liều tăng cường vào lúc 4 tuổi. Ngược lại, những bệnh nhân nhiễm sởi (chưa qua tiêm ngừa) có nguy cơ bị các biến chứng dẫn đến nhiễm trùng tai, điếc vĩnh viễn, tổn thương não vĩnh viễn, viêm phổi, và có thể tử vong. Các trường học của Mỹ cũng vừa ban hành hàng loạt quy định mới về tiêm vắc xin phòng sởi đối với học sinh nhằm ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh. Như tại quận Santa Fe (bang New Mexico), chính quyền thông báo đến các bậc phụ huynh rằng từ ngày 17.2.2015, những sinh viên không tiêm vắc xin hoặc không có chứng nhận miễn tiêm phòng sẽ bị cấm đến trường.
NAM VIỆT