Bệnh dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát trở lại tại Đại Lộc gây thiệt hại nặng nề; chỉ trong vòng hơn 1 tháng trở lại đây, tổng trọng lượng đàn heo bị tiêu hủy đã lên tới gần 800 tấn.
Khi bùng phát trở lại, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại Đại Lộc diễn biến phức tạp hơn. Trong vòng hơn 1 tháng nay, trung bình mỗi ngày có hơn 20 tấn heo mắc bệnh tại địa phương này buộc phải tiêu hủy.
Ông Lê Văn Thanh - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Đại Lộc cho biết, từ đầu năm 2021 tới nay địa phương xảy ra 2 đợt dịch bùng phát mạnh. Đợt 1 diễn ra vào 4.2021 với gần 50 tấn heo bị tiêu hủy; đợt 2 từ ngày 17.9, tính đến 25.10 dịch bệnh đã xuất hiện tại 18 xã/thị trấn với gần 800 tấn heo bị tiêu hủy.
“Người chăn nuôi thiệt hại rất lớn nhưng việc hỗ trợ còn nhiều khó khăn do các quy định bởi cơ chế, chính sách. Trong khi lực lượng thú y cơ sở quá mỏng, không đủ sức đáp ứng được yêu cầu, chính sách hỗ trợ cho đội ngũ này không đủ sức khuyến khích họ yên tâm bám nghề” - ông Thanh nói.
Để kiểm soát dịch, UBND huyện Đại Lộc đã chỉ đạo các địa phương tăng cường việc giám sát giết mổ, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ. Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp đã cấp hóa chất cho các địa phương tiêu độc khử trùng; đồng thời phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng thức ăn, nước uống hợp vệ sinh, vệ sinh chuồng trại, kịp thời liên hệ với lực lượng chức năng xử lý khi có dịch. Tuy nhiên, trong khi chưa có vắc xin phòng dịch, hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, việc tái đàn ào ạt nên khi dịch xảy ra đã gây thiệt hại nặng.
“Năm 2019, người chăn nuôi Đại Lộc được hỗ trợ khoảng 20 tỷ đồng, năm 2020 chừng 1,5 tỷ đồng. Năm 2021, dù thiệt hại hết sức nặng nề nhưng địa phương rất lo lắng việc hỗ trợ chăn nuôi gặp khó vì thiếu khai báo tái đàn. Với lực lượng thú y cơ sở mỏng như hiện nay, việc giám sát khai báo tái đàn còn gặp khó, quá tải...” - ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, thời gian tới cần có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy phát triển chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại khép kín để nâng hiệu quả phòng dịch. Đồng thời gia tăng chính sách hỗ trợ lực lượng làm nhiệm vụ tham gia chống dịch, dập dịch, xử lý dịch ở cơ sở. Các cấp ngành phải quản lý tốt các lò giết mổ gia súc tập trung, làm tốt kiểm soát công tác giết mổ mới có thể phòng dịch, kiểm soát dịch lây lan diện rộng.