Dịch vụ hậu cần trên biển: Cần động lực mới để phát triển

NGUYỄN QUANG 26/08/2022 07:41

Quảng Nam có nhiều tàu cá thực hiện dịch vụ hậu cần trên biển nhưng chưa thực sự lớn mạnh.

Ông Đinh Văn Tân chuẩn bị đến vùng biển Hoàng Sa để cung ứng dịch vụ hậu cần. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Ông Đinh Văn Tân chuẩn bị đến vùng biển Hoàng Sa để cung ứng dịch vụ hậu cần. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Ngư dân Đinh Văn Tân (chủ tàu cá ở thôn Diêm Phổ, xã Tam Anh Nam, Núi Thành) vừa tiếp 15 tấn dầu diesel, mua lương thực, thực phẩm.. với tổng chi phí 600 triệu đồng để vươn khơi thực hiện hậu cần trên biển.

Ông Tân nói, khi đến vùng biển Hoàng Sa sẽ bán nhu yếu phẩm, dầu diesel cho các tàu khai thác hải sản và mua hải sản về bờ bán lại. Với chuyến biển chừng 4 ngày, mỗi tháng ông Tân có thể thực hiện được 7 chuyến phục vụ hậu cần.

“Tàu lớn nên mỗi chuyến tôi mua 30 - 40 tấn hải sản. Nghề này vất vả nhưng có nguồn thu khá, có thể đảm bảo sinh kế cho 10 lao động” - ông Tân nói.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 91 tàu cá thực hiện hậu cần trên biển, trong đó tuyến xa bờ có 31 tàu, lộng là 24, gần bờ là 36. Theo ngành chức năng, dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển ở Quảng Nam còn sơ khai, chỉ thực hiện cung ứng nhu yếu phẩm thiết yếu rồi thu mua hải sản, chưa có dịch vụ sửa chữa tàu cá, chưa thể sơ chế, chế biến hải sản ngay trên biển.

Ngư dân Võ Văn Xuân (thôn Phú Tân, xã Tam Xuân 1, Núi Thành) cũng đều đặn thực hiện các chuyến ra vào vùng biển Hoàng Sa để làm dịch vụ hậu cần.

Ông cho biết, tàu có chiều dài gần 24m, gắn máy công suất 1.000CV để di chuyển nhanh và đầu tư hầm bảo quản hiện đại bằng vật liệu P.U... để có thể đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần trên biển.

Nhiều ngư dân khai thác hải sản xa bờ cho biết, trước đây, khi chưa có các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, mỗi chuyến biển thường khai thác khoảng 15 ngày rồi về cảng tiêu thụ hải sản, sau đó mới ra biển sản xuất tiếp nên vừa tốn nhiên liệu vừa mất thời gian đi lại.

Bây giờ khi đã có tàu dịch vụ hậu cần ngay trên biển thì yên tâm bám biển thời gian dài, hiệu quả kinh tế của chuyến biển nâng lên rõ rệt.

Ông Lê Văn Hiệp - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho rằng, do thiếu kinh phí nên phần lớn các tàu cá xa bờ của ngư dân trên địa bàn chưa thể trang bị hầm bảo quản tốt. Nếu chuyến biển kéo dài, chất lượng hải sản sẽ không đảm bảo. Phát triển các tàu thực hiện dịch vụ hậu cần trên biển là rất thiết thực.

“Khi gặp luồng cá lớn, nếu không có tàu dịch vụ thu mua cá, cung cấp thêm nhu yếu phẩm thì ngư dân buộc phải quay về bờ, không thể tiếp tục đuổi theo đàn cá” - ông Hiệp nói.

Ông Đinh Văn Tân trữ dầu diesel để ra biển cung cấp cho các tàu khai thác hải sản. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Ông Đinh Văn Tân trữ dầu diesel để ra biển cung cấp cho các tàu khai thác hải sản. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, có thực tế là nhiều tàu cá không thể bán hải sản ngay trên biển mà phải vào bờ bán cho đầu nậu, bởi trước khi đi biển, chủ tàu đã ứng kinh phí của đầu nậu.

Cũng có một số tàu không muốn bám biển dài ngày nên thường không sử dụng dịch vụ hậu cần. Dịch vụ hậu cần trên biển còn nhỏ lẻ là do nghề khai thác hải sản chưa thực sự lớn mạnh, nên cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, tương xứng cho cả tàu sản xuất và dịch vụ hậu cần trên biển để cùng hỗ trợ phát triển nghề cá.

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành mô hình “tàu mẹ, tàu con”, trong đó “tàu mẹ” thực hiện hậu cần còn “tàu con” khai thác hải sản nhưng hiệu quả chưa như kỳ vọng.

Nguyên nhân là việc tổ chức chưa chặt chẽ, chủ “tàu mẹ” và chủ của những “tàu con” không thống nhất về giá, sản lượng thu mua hải sản trên biển. Việc thực hiện dịch vụ chủ yếu thỏa thuận miệng chứ chưa cụ thể hóa bằng các hợp đồng kinh tế quy định rõ trách nhiệm của các bên.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói, quan hệ giữa “tàu mẹ” và “tàu con” theo quy luật thị trường, cơ quan quản lý nhà nước khó có thể can thiệp. Vấn đề là các bên cần thống nhất, liên kết chặt chẽ để hoạt động hiệu quả.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dịch vụ hậu cần trên biển: Cần động lực mới để phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO