Dịch vụ môi trường rừng: Khuyến khích cộng đồng bảo vệ rừng

TRẦN HỮU 27/08/2021 09:14

Quảng Nam đang giao nhiệm vụ cho các ban quản lý rừng, khu bảo tồn thiên nhiên, hay các chủ rừng khác hợp đồng với lực lượng bảo vệ rừng (BVR) chuyên trách. Tuy nhiên, ngoài lực lượng giữ rừng này thì cộng đồng dân cư cần được chia sẻ quyền lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tuần tra trong Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Nông Sơn. Ảnh: H.P
Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tuần tra trong Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Nông Sơn. Ảnh: H.P

Giữ rừng tốt hơn

Từ chủ trương cho thuê DVMTR (tháng 9.2019 đến nay), UBND tỉnh đã phê duyệt phương án sử dụng môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh trong lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nam Trà My cho 7 doanh nghiệp với tổng diện tích hơn 80ha. Đó là Công ty TNHH Vaenco Quảng Nam, Công ty TNHH MTV Sâm Bách Sanh, Công ty TNHH Dược Phaco, Công ty CP Xây dựng Toàn Tiến, Công ty TNHH KTC Quảng Nam, Viện Nghiên cứu phát triển sâm Ngọc Linh Việt Nam và Công ty CP Sâm Việt Linh.

Ngoài ra, Nam Trà My còn cho thuê môi trường rừng 2 nhóm hộ với diện tích gần 14ha. Bên cạnh đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My đang lập phương án, dự toán đánh giá hiện trạng rừng phục vụ cho thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh cho nhóm hộ, hộ gia đình với diện tích 652ha.

Theo Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng, ngoài lợi ích kinh tế thì việc cho thuê môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh sẽ giúp BVR hiệu quả hơn. Vì cây sâm sinh trưởng tốt nhờ tán rừng đa dạng sinh học.

Để tổ chức BVR theo hình thức hợp đồng BVR chuyên trách, chủ rừng phải xây dựng phương án trình cấp thẩm quyền phê duyệt, trong đó có nội dung rà soát diện tích rừng tự nhiên cần quản lý; tiếp nhận diện tích rừng tự nhiên do ban quản lý dự án trồng rừng huyện và UBND xã ủy quyền BVR. Tổ chức họp thôn, xã để thống nhất hình thức tổ chức quản lý BVR và lựa chọn hợp đồng BVR chuyên trách.

Về chính sách chi trả DVMTR, tổng diện tích rừng được chi trả năm 2021 đến thời điểm này hơn 283.513ha. Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh Huỳnh Đức cho biết, đơn vị đã xây dựng bản đồ chi trả DVMTR và xác định diện tích rừng được chi trả đúng quy định bằng cách ứng dụng nguồn ảnh viễn thám, phối hợp chủ rừng cập nhật diễn biến rừng hàng quý.

“Từ khi có chính sách DVMTR, các hành vi xâm hại rừng hạn chế hơn so với trước khi chưa có chính sách. Tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác lâm nghiệp đầu tháng 2.2021, kết luận của UBND tỉnh nêu rõ, cơ bản kiểm soát các vùng trọng điểm phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép” – ông Đức nói.

Cần khuyến khích cộng đồng BVR

Đánh giá về mặt hạn chế khi thành lập lực lượng BVR chuyên trách, Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Viết Tích cho rằng, khi chuyển sang hợp đồng lực lượng BVR chuyên trách, cộng đồng dân cư mất đi nguồn tiền nhận khoán BVR nên một số cộng đồng không hợp tác với lực lượng BVR chuyên trách.

Hiện nay, một số hộ, nhóm hộ còn được nhận giao khoán BVR từ chính sách DVMTR và Nghị định số 75 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích bảo vệ rừng. Trong giai đoạn chuyển giao một số chương trình, dự án và chưa ban hành cơ chế chính sách mới thì nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động BVR của cộng đồng, nhóm hộ, hộ nhận khoán BVR không còn, dẫn đến nguy cơ người dân tác động vào rừng.

Tại các huyện Nam Giang, Phước Sơn, Đông Giang, Bắc Trà My... chưa cắm mốc ranh giới rừng tự nhiên và giao rừng cho các ban quản lý nên xảy ra tình trạng xâm lấn trái phép. Trong khi đó, Nhà nước chưa có chế tài để ràng buộc, xử lý các nhóm hộ, cộng đồng thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức tuần tra BVR nhận khoán. Thêm nữa, chậm thực hiện công tác giao đất gắn với giao rừng dẫn đến một số ban quản lý rừng chưa xác định được lâm phận, tài nguyên rừng quản lý trên thực tế.

Theo Nghị quyết số 46 của HĐND tỉnh ban hành năm 2018, ngân sách tỉnh sẽ chi bổ sung nhằm đạt mức đảm bảo 400 nghìn đồng/ha/năm, khi một số lưu vực chi trả thấp hơn. Thời gian qua, các đơn vị chi 20% cho cộng đồng dân cư thôn đối với số tiền UBND tỉnh bổ sung cho đạt quy định.

Năm 2020, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đông Giang, Nam Giang, các xã thuộc UBND huyện Hiệp Đức, Đại Lộc, Quế Sơn đã chi 20% cho cộng đồng dân cư thôn. Nhưng, các đơn vị còn lại chưa chi 20% cho cộng đồng dân cư thôn, do lo ngại cộng đồng dân cư không có nghiệp vụ kế toán, khi chuyển kinh phí về cộng đồng sẽ không lập được thủ tục quyết toán.

Theo Sở NN&PTNT, tổng diện tích rừng tự nhiên quản lý BVR theo các chương trình, dự án năm 2020 là 435.332ha. Trong đó, diện tích chuyển sang hợp đồng với lực lượng BVR chuyên trách là 242.478ha; diện tích tiếp tục giao khoán BVR là 174.682ha và quản lý rừng cộng đồng diện tích 18.172ha.

Chưa phê duyệt đề án bán tín chỉ các-bon rừng

Việc mở rộng các nguồn thu từ giá trị sinh thái rừng đem lại sẽ góp phần BVR bền vững, nhưng Đề án thí điểm bán tín chỉ các-bon rừng của Quảng Nam hiện vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp dự báo, nguồn thu từ DVMTR năm 2021 hoàn toàn đảm bảo, bởi trong năm 2020 cả nước đã thu được 2.566 tỷ đồng DVMTR. Trong khi đó, ngành lâm nghiệp có thêm nguồn thu từ dịch vụ hấp thụ các-bon và giảm phát thải của rừng. Năm 2021, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu đạt doanh thu 2.800 tỷ đồng từ DVMTR khi có thêm nguồn tiền từ bán tín chỉ các-bon rừng ra thị trường thế giới.

Theo Đề án thí điểm bán tín chỉ các-bon rừng, mỗi năm Quảng Nam có thể thu về khoảng 5 triệu USD từ việc bán tín chỉ các-bon rừng. Hiện nay, có 5 công ty nước ngoài đăng ký mua lại giấy phép/tín chỉ các-bon rừng. Từ năm 2021, ngành lâm nghiệp ưu tiên phục hồi các khu vực có nguy cơ mất rừng cao. Đó là các khu vực rừng phòng hộ Nam Giang, Nam Trà My, Phước Sơn, Đông Giang, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Quảng Nam, Vườn quốc gia Sông Thanh, Khu bảo tồn Sao La.

Ông Huỳnh Đức, Giám đốc Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng tỉnh cho biết, nguồn thu từ DVMTR do các nhà máy thủy điện, cơ sở sản xuất nước, sản xuất công nghiệp, kinh doanh du lịch chi trả bình quân hàng năm hơn 100 tỷ đồng. Nếu Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng được phê duyệt sẽ mang lại cho tỉnh nguồn thu từ 110 – 130 tỷ đồng, cao hơn nguồn thu DVMTR hiện nay. Tuy nhiên, Sở NN&PTNT khẳng định, tại thời điểm này, Thủ tướng vẫn chưa phê duyệt đề án thí điểm này. NGUYỄN TRẦN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dịch vụ môi trường rừng: Khuyến khích cộng đồng bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO