Khoảng mười năm trở lại đây, dịch vụ nấu ăn (DVNA) lưu động phát triển mạnh ở các huyện Tiên Phước, Đại Lộc, Duy Xuyên…. Đây là ngành nghề thuộc loại hoạt động có điều kiện, dựa trên cơ sở các quy định do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề này khó có thể thực hiện.
Dịch vụ chuyển thức ăn phục vụ đám tiệc. |
Ở đâu cần, có ngay
DVNA là loại hình dịch vụ ăn uống phục vụ các đám tiệc, cưới hỏi, giỗ chạp, thôi nôi, gặp mặt, liên hoan, hội nghị... và không có địa điểm cố định. Lúc đầu tự phát từng nhóm nhỏ rồi nâng cấp dần thành cơ sở DVNA đám tiệc... Nơi có nhiều cơ sở DVNA là thị xã Điện Bàn (109), huyện Đại Lộc (50), ít nhất là TP Hội An (9)… Tên gọi cũng muôn hình vạn trạng, từ dịch vụ nấu đám, ẩm thực tiệc cưới... đến bao cân cả lĩnh vực như thêm trang điểm, in thiệp cưới kèm trang trí phông màn, cổng hoa, bàn ghế… “Lúc đầu chỉ một số anh chị em bà con tập trung lại nấu đám, sau đó hình thành dịch vụ kinh doanh hẳn hoi. Bà S. quê thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc), cho biết, bước đầu khởi nghiệp, nhóm nấu ăn của bà S. nhanh chóng có việc làm thường xuyên. Còn bà H. ở Đại Lộc vừa làm cấp dưỡng cho một trường học vừa nhận nấu đám. Giá cả của cơ sở bà H. rất… cạnh tranh! Phần ăn thấp nhất 70 - 80 nghìn đồng/người, cao nhất 100 nghìn đồng/người với 6 món ăn. Dù 3 bàn vẫn nhận nấu. DVNA của bà B. ở Thanh Hà (Hội An), mỗi phần ăn 110 - 130 nghìn đồng/người. Từ chỗ phục vụ trong thôn sau đến quanh xã rồi vượt ra khỏi lũy tre làng tiến ra huyện lỵ, sẵn đà vươn luôn ra thành phố lớn…
Tập trung dụng cụ, thức ăn... |
Các nhóm nấu ăn này đã góp phần tích cực giải quyết việc làm cho khá đông lao động nữ tuổi trung niên và cao tuổi; giải quyết đầu ra vịt, gà, rau củ quả tại địa phương. Đời sống kinh tế gia đình họ khởi sắc hơn. Những dịp lễ lạt các nhóm DVNA này hoạt động rầm rộ, nhận nấu một lần mấy trăm suất là chuyện bình thường. DVNA còn giải quyết việc làm thời vụ cho nam nữ thanh niên tại địa phương và mang lại thu nhập cho nhiều dịch vụ đồng hành khác như cửa hàng cung ứng nước giải khát, trái cây; lao động dựng nhà vòm, chở bàn ghế; bộ phận âm nhạc, ánh sáng, MC… Cuộc sống ngày càng khấm khá hơn, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế lại không muốn… lăn vô bếp vào những ngày gia đình có đám tiệc nên chỉ cần nhấc điện thoại là có ngay DVNA đến nhà phục vụ từ A tới Z ! Nếu đặt tổ chức tiệc cưới thì trao đổi qua điện thoại, cơ sở cử người đến tận nơi tư vấn về thực đơn, thỏa thuận giá cả.
Thức ăn ra dĩa. |
Cạnh tranh và vấn đề an toàn thực phẩm
Từ tổ nhóm DVNA có người nâng cấp thành doanh nghiệp tư nhân, công ty ẩm thực đăng ký kinh doanh hẳn hoi; cơ sở có đội ngũ nhân viên phục vụ thường xuyên, chuyên nghiệp; từ phục vụ sự kiện cá nhân đến hội nghị khách hàng… hoạt động DVNA rộng khắp. Để tồn tại nhiều cơ sở DVNA phục vụ khách hàng đến… tận chân răng. Từ thức ăn nấu sẵn rồi bàn ghế, ly, tô, chén dĩa cho đến cái sô đựng đá, cái kẹp gắp đá, tăm xỉa răng cũng mang đến tận nơi bày biện, trang trí và thu về… tận gốc. Gia chủ gần như không động tay đến việc dọn dẹp! Có cơ sở dịch vụ in danh thiếp quảng cáo, giới thiệu trên mạng xã hội, có địa chỉ, số điện thoại, hộp thư điện tử, trang thông tin điện tử tiếp nhận thông tin đăng ký đặt hàng và cả… đường dây nóng! Bà L. chủ của một cơ sở DVNA ở xã Điện Hòa (Điện Bàn), chia sẻ: “Cơ sở DVNA ngày càng nhiều nên việc cạnh tranh cũng ngày càng gay gắt. Có hai, ba bàn mình cũng phục vụ, có khi khách yêu cầu mình phải ra tận Đà Nẵng mình cũng phải đi. Trước kia, mỗi bàn 10 người, giá 1 - 1,1 triệu đồng, nay giảm xuống còn 900 nghìn/bàn 10 người, cũng nhận. Tất nhiên món có ít hơn...”.
DVNA nở rộ, khách hàng có nhiều sự lựa chọn qua các trang mạng lẫn thông tin truyền miệng nhưng hầu như rất ít người quan tâm đến việc cơ sở dịch vụ có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) hay không? Ông Nguyễn Cam - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết, chưa có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra từ DVNA ở Quảng Nam. Tuy nhiên, việc phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm là điều cần thiết. Ngày 6.8.2018, Sở Y tế xây dựng Kế hoạch 1200/KH-SYT tăng cường công tác bảo đảm ATVSTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố, dịch vụ giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, người kinh doanh DVNA phải thực hiện việc khám sức khỏe và được cấp giấy xác nhận đủ sức khỏe; ký cam kết bảo đảm ATVSTP theo đúng quy định của pháp luật… Thế nhưng, thực tế cho thấy công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý DVNA như thế nào không phải là chuyện đơn giản. Bác sĩ Lê Thị Thu Hường - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa an toàn thực phẩm Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc chia sẻ: “ Quản lý hoạt động này không dễ do địa bàn rộng. Đôi khi mời họ đến dự tập huấn về an toàn thực phẩm, họ không hợp tác cũng đành chịu. Họ bảo “Ai kêu thì tôi nấu”, mình biết xử lý thế nào?”.
LÊ KIM DŨNG