Xã Điện Thọ (thị xã Điện Bàn) từ bao đời nay là một địa phương thuần nông nhưng mấy năm trở lại đây lại nổi tiếng bởi dịch vụ nấu đám cưới, đám hỏi. Bởi xã có số hộ chuyên nghề nấu nướng phục vụ khách đông nhất với hơn 160 cơ sở dịch vụ...
Tất bật chuẩn bị nguyên liệu nấu cỗ. Ảnh: TRANG CẨM |
Cả làng “nấu đám”
Được bác xe ôm nhiệt tình chỉ đường, chúng tôi tìm đến làng có nhiều “vua đầu bếp”. Bác còn cho biết thêm: “Ở đây ai cũng biết các “vua đầu bếp” tập trung đông nhất ở thôn Đông Hòa, Châu Lâu... Bây giờ ai cũng thích gọn nhẹ, không rườm rà nên chỉ cần một cú điện thoại đặt bao nhiêu mâm tùy nhu cầu là “khỏe re” à, cho nên dịch vụ nấu đám phổ biến lắm”.
Được sự giúp đỡ nhiệt tình của bác xe ôm, chúng tôi không mất quá nhiều thời gian để tìm đến địa điểm mình mong muốn. Mới đến đầu làng, mùi thơm của hành phi rồi nem rán cứ “xông” vào mũi, đúng là vùng nào thì đặc trưng nấy. Ghé thăm nhà chị Trà Thị Loan ở thôn Châu Lâu, điều khá bất ngờ là mới 7 giờ sáng chị đã chuẩn bị đâu vào đấy hết cả, sẵn sàng chở giao đám. Tranh thủ vài phút ngơi tay từ khuya đến bây giờ, chị Loan vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi. Chị bắt đầu công việc nấu đám được 8 năm nay. “Trước đây làm công nhân may cũng không nghĩ mình đứng bếp nấu đám cho nhiều người ăn nhưng chắc do có duyên cộng chút năng khiếu và sự yêu thích nên mới đến với nghề này” - chị Loan chia sẻ. Chị không ngại đường xa, “miễn là khách hàng đặt thực đơn yêu cầu dù xa mấy cũng phải nhận vì khách hàng là thượng đế, hơn nữa cũng để tạo danh tiếng của mình nữa”. Địa bàn “hoạt động của chị không chỉ ở Điện Bàn mà còn lấn sang các huyện khác như Đại Lộc, Thăng Bình... thậm chí cả Đà Nẵng. Chị cho hay, sau khi đã trừ các khoản chi phí mua nguyên liệu, trả công cho nhân công, mỗi tháng chị kiếm được 5 - 7 triệu đồng.
Nhà chị Nguyễn Thị Bông ở thôn Châu Lâu cũng đang nhộn nhịp tiếng nói cười, tiếng dầu mỡ chiên xào thơm phức. Đôi tay thoăn thoắt của phụ nữ ấy vừa làm việc vừa trò chuyện với chúng tôi. Chị và 10 người làm ở đây dậy từ lúc 2 giờ sáng để chuẩn bị mọi thứ vì ngày hôm nay phục vụ 9 đám tiệc. Khi được hỏi liệu có kịp giờ, chị cười, kịp chứ, mọi người làm đã quen nên phối hợp với nhau rất nhịp nhàng, ai làm việc nấy. Những đám nhỏ thì chia xe máy ra chở còn những đám lớn số lượng mâm nhiều thì có xe tải riêng để giao đến địa điểm. Chị Bông mới bắt đầu công việc đứng bếp hơn 4 năm, nhưng chị lại sớm nổi danh. “Ở đây không có chuyện cạnh tranh hay giành giật khách hàng gì cả, mỗi dịch vụ đều xây dựng một thực đơn cho khách hàng chọn lựa, mình nấu được nhiều món ngon, giá cả phải chăng thì dịp sau người ta đặt tiếp, nếu không, họ có quyền lựa chọn dịch vụ khác” - chị Bông chia sẻ. Ngày trước làm nông là chính, giá lúa lên xuống cuộc sống bấp bênh, cũng nhờ dịch vụ nấu đám ngày càng phổ biến mà kinh tế gia đình chị Bông đã ổn định hơn nhiều. Hai vợ chồng chị làm không xuể phải kêu thêm nhân công, tùy thuộc vào số lượng nấu đám mỗi ngày, nhiều khi phải huy động 20 người làm thêm mới xuể.
Chộn rộn với nghề
Chị Nga (35 tuổi) làm nhân công cho dịch vụ nấu ăn Sơn Loan chia sẻ, công việc chính của chị là công nhân may, nhưng những ngày cuối tuần hay những dịp lễ lạt chị làm thêm để tăng thu nhập. Hai ngày cuối tuần chị có thể kiếm được 600 ngàn đồng, đủ tiền mua sữa cho con. Hai ngày đối với một công nhân may bình thường chưa chắc đã kiếm ra được số tiền này. Chị cũng chia sẻ thêm nhờ dịch vụ nấu đám ngày càng phổ biến, chị và nhiều phụ nữ khác ở trong xã đã cải thiện thu nhập đáng kể. Tìm hỏi “lão làng” của làng ẩm thực, chúng tôi được mọi người giới thiệu đến nhà cô Mai Thị Tằm ở thôn Đông Hòa (xã Điện Thọ), người đã gắn bó với nghề được 20 năm nay. Cô Tằm là một trong những người đầu tiên nhận nấu đám nên ít nhiều cũng có những kinh nghiệm, những chị nào mới chập chững vào nghề đều tìm đến cô để hỏi han, cô cũng không ngại truyền lại cho họ. “Mình biết gì thì chia sẻ cho chị em, hầu hết người nấu đám trong làng đều là “đệ tử” của mình” - cô Tằm cười. Khi được hỏi về ngôi nhà hai tầng khang trang, cô cho biết, nhờ nấu đám tích góp nhiều năm mà cô mới tạo được ngôi nhà này. Một năm thu nhập từ việc nấu đám của vợ chồng cô khoảng 60 - 70 triệu đồng, trang trải chi tiêu xong, cũng dư dả ít nhiều.
Dịch vụ ẩm thực xã Điện Thọ giờ đây đã được nhiều người nghe tên biết tiếng. Từ những phụ nữ khéo tay thích nấu nướng rồi được mọi người trong làng nhờ vả lúc đám tiệc, sau đó là hình thành nên dịch vụ chuyên nghiệp để bây giờ trở thành một làng nấu đám nổi danh. Bà Võ Thị Tình - Chủ tịch Hội LHPN xã Điện Thọ cho biết: “Ở địa phương phụ nữ đóng vai trò chủ lực trong thu nhập gia đình, việc nấu đám không những đem lại thu nhập cao cho chủ dịch vụ, còn giải quyết lao động ở nông thôn. Hiện nay, toàn xã có hơn 160 cơ sở dịch vụ nấu ăn, trong đó có 105/160 cơ sở đã được đào tạo và cấp chứng chỉ. Xã luôn quan tâm tạo điều kiện phát triển, Phòng LĐ-TB&XH thị xã kết hợp với Trường Trung cấp nghề Quảng nam hằng năm đều mở các lớp tập huấn về kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho các chị em. “Nhờ dịch vụ nấu đám mà kinh tế của các hộ được cải thiện khá rõ, vì thế chính quyền địa phương luôn quan tâm tạo điều kiện phát triển” - bà Võ Thị Tình chia sẻ.
THÙY TRANG - NHƯ CẨM