Khi đời sống văn hóa tinh thần được nâng lên, thì karaoke gia đình, hay hát nhạc sống nói chung càng trở nên phổ biến. Thế nhưng tình trạng hát nhạc sống không chừng mực như hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến người xung quanh…
Tình trạng hát nhạc sống diễn ra khá phổ biến hiện nay. Ảnh: C.N |
Hát mọi lúc mọi nơi
Đám cưới, tiệc tùng, tân gia, họp mặt, liên hoan... phần lớn đều có nhạc sống, nhất là thời điểm trước, trong và sau tết, khi nhiều gia đình, nhóm bạn tổ chức họp mặt. Khi đời sống vật chất nâng lên, việc mua sắm dàn máy karaoke trở nên dễ dàng và phổ biến đối với nhiều gia đình, thì từ quê đến phố, nhà nào cũng có thể trở thành “quán” karaoke. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như hát karaoke có phòng cách âm hoặc hát nhạc sống có chừng mực vào thời điểm phù hợp, để ít ảnh hưởng đến những người chung quanh. Ở Tam Kỳ, trong các quán nhậu ở đường Lý Thường Kiệt, đường Đỗ Thế Chấp và một số tuyến đường khác có nhiều quán nhậu, từ chiều đến khuya, người dân thường bị tra tấn bởi nhạc sống di động (hát nhạc sống với “loa kẹo kéo”). Chị N.T.X., ở đường Lý Thường Kiệt cho biết, nếu mình lên tiếng góp ý, nhắc nhở sẽ ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm, thậm chí có khi còn bị... hăm dọa, nên đành chịu “sống chung” với tiếng ồn.
Vài năm trở lại đây, karaoke tự phát, loa kẹo kéo cũng hoành hành khá nhiều ở nông thôn. Chị T.T.Đ. ở xã Quế Lộc, Nông Sơn chia sẻ, loa kẹo kéo tiện lợi, giá cho thuê lại rẻ, chỉ vài chục nghìn đồng/giờ nên những người trẻ dễ dàng mang đi khắp nơi và thường tụ tập ở ngã ba, ngã tư để hát thâu đêm suốt sáng. Chưa kể, những thanh niên choai choai vừa hát vừa nhậu, sau khi kết thúc cuộc vui là quang cảnh trông như bãi chiến trường. “Ở quê nhà cửa xây dựng khá đơn giản, ít được đầu tư cách âm, thành ra âm thanh bên ngoài dội vào tận phòng ngủ. Thương nhất là những gia đình có người già, người bệnh và trẻ em, muốn nghỉ ngơi cũng không được” - chị Đ. nói.
Khó xử lý
Một số địa phương khác đã có trường hợp gây thương tích, thậm chí xảy ra án mạng vì hát karaoke gây ồn ào cho nhà hàng xóm.
Vi phạm về bảo đảm sự yên tĩnh chung Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng đối với một trong những hành vi sau đây: gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau; không thực hiện các quy định về giữ yên tĩnh của bệnh viện, nhà điều dưỡng, trường học hoặc ở những nơi khác có quy định phải giữ yên tĩnh chung; bán hàng ăn uống, hàng giải khát quá giờ quy định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phạt tiền từ 300 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng đối với hành vi: dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền; đồng thời tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. (Trích Điều 6, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, ngày 12.11.2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình; những trường hợp vi phạm quy định). |
Rõ ràng, tình trạng một số người hát nhạc mọi lúc, mọi nơi, đã gây bức xúc, khó chịu, ảnh hưởng đến nhịp sống, sinh hoạt của người khác nhưng vẫn khó xử lý. Ông Nguyễn Hữu Đắc - Trưởng phòng VH-TT Tam Kỳ thừa nhận, tình trạng hát nhạc sống ở một số gia đình hiện nay và nhất là loa kẹo kéo ở các quán nhậu trên địa bàn thành phố đã ảnh hưởng khá nhiều đến nếp sống văn minh đô thị. Mới đây, UBND TP.Tam Kỳ đã ban hành kế hoạch về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trong đó có nội dung về giới hạn tối đa cho phép của tiếng ồn; thực hiện tang ma, cưới hỏi văn minh trong đó có đề cập việc mở nhạc trong đám tang, đám cưới. Đồng thời chỉ đạo UBND xã, phường quán triệt đến thôn, khối phố và các hộ gia đình; Mặt trận tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức thực hiện tốt nếp sống văn hóa.
Ông Nguyễn Hữu Đắc cho biết thêm, tình trạng hát nhạc sống ở Tam Kỳ có thời điểm lắng xuống, nhưng trước và sau tết, tình trạng này lại tái phát. Trước tết, qua kiểm tra thường xuyên theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất (khi có tin báo của người dân), Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã xử phạt nhiều trường hợp với số tiền hơn 12 triệu đồng. Đối với những nhà hàng, quán nhậu để xảy ra tình trạng hát nhạc sống ồn ào, phổ biến hiện nay là hát bằng loa kẹo kéo, chủ quán sẽ bị xử lý. Tuy nhiên, một mặt do lực lượng mỏng, mặt khác người dân khi thấy đoàn kiểm tra xuất hiện đã tắt hoặc vặn nhỏ âm thanh nên khó có cơ sở để xử phạt. “Bên cạnh việc tuyên truyền để người dân có ý thức trong việc hát nhạc sống để hạn chế ảnh hưởng đến những người chung quanh; cán bộ thôn, tổ, khối phố cũng cần nhắc nhở những gia đình thường xuyên hát nhạc sống gây phiền toái đối với cộng đồng” - ông Nguyễn Hữu Đắc nói.
CHÂU NỮ