Sản xuất muối kém hiệu quả, nhiều diêm dân ở xã Tam Hòa (Núi Thành) chuyển sang nuôi tôm, bước đầu thu được hiệu quả kinh tế khả quan.
Chuyển nghề
Đầu tháng 3 là thời điểm nghề muối bắt đầu, tuy nhiên thời điểm này cánh đồng muối Tam Hòa vẫn chưa đi vào sản xuất. Thay vào đó, nhiều diêm dân đã chuyển sang nghề nuôi tôm.
Ông Đoàn Văn Hùng (thôn Bình An, xã Tam Hòa) - diêm dân lâu đời của làng nghề cho biết, thời tiết diễn biến thất thường, thị trường ngày càng thu hẹp, nên tính toán kỹ để chuyển nghề. “Từ nguồn vốn tích lũy nhiều năm qua cộng với vay mượn của người thân, tôi đã đầu tư 500 triệu đồng để lót bạt nuôi tôm trên 2 ao có tổng diện tích 2.500m2. Ban đầu thu được hiệu quả kinh tế khả quan” - ông Hùng nói.
Tháng 11.2019, ở vụ nuôi tôm đầu tiên, ông Hùng thả nuôi 20 vạn con giống tôm thẻ chân trắng. Đến giữa tháng 2.2020, ông thu hoạch được 3,5 tấn tôm, bán được gần 600 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lãi hơn 250 triệu đồng. “Nghề muối bấp bênh, chủ yếu chỉ lấy công làm lời. Nay nghề nuôi tôm có thu nhập cao, rất phấn khởi” - ông Hùng nói.
Sau Tam Hiệp (Núi Thành), nghề muối đang dần mất đi ở Tam Hòa. Ông Võ Đăng Ghi (thôn Bình An) cho biết, đang chuyển 9 sào đất làm muối sang nuôi tôm. “Tôi là hộ dân cuối cùng làm muối ở Tam Hòa. Sắp tới, tôi chuyển sang nuôi tôm vì nghề này hứa hẹn thu nhập cao. Với nghề muối, chỉ dãi dầu sản xuất được những tháng nắng nóng nhưng thu nhập quá ít ỏi” - ông Ghi nói.
Ông Ngô Văn Hiệp - cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Hòa cho biết, nghề muối truyền thống ở Tam Hòa trước đây phân bố ở 3 thôn Bình An, Hòa Bình và Đông Thạnh Đông với diện tích hơn 15ha nhưng nay đã không còn. Để làm ra được hạt muối, mỗi vụ diêm dân phải đầu tư nhiều công sức, tiền bạc. Thế nhưng, bình quân một ngày lao động cật lực cũng chỉ thu được không quá 150 nghìn đồng/người. Với phương pháp làm muối truyền thống, nếu thời tiết nắng, diêm dân có thể sản xuất 100kg muối/ngày nhưng khi thời tiết không ủng hộ, năng suất sẽ giảm.
“Sản lượng muối thấp, nguyên nhân chính do diêm dân chưa được đầu tư công nghệ, sản xuất phụ thuộc vào tự nhiên nên kém hiệu quả. Hàng hóa lại không có khả năng cạnh tranh với muối nhập khẩu” - ông Hiệp nói.
Khuyến khích chuyển nghề
Theo UBND xã Tam Hòa, diêm dân chuyển sang nghề nuôi tôm bằng hình thức lót bạt là hướng đi rất triển vọng, giải được “bài toán” sinh kế cho họ. Bởi thực tế chuyển nghề đã cho thấy hiệu quả kinh tế mang lại vượt trội so với nghề muối. Ông Trương Công Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hòa cho biết, đất làm muối chuyển sang nuôi tôm là rất phù hợp vì độ mặn chênh lệch không cao.
“Chúng tôi khuyến khích diêm dân nuôi tôm và khuyến cáo họ đầu tư bài bản, có kênh cấp, kênh thoát nước, ao chứa lắng, ao xử lý nước thải. Có vậy thì môi trường nước nuôi tôm mới đảm bảo, tôm nuôi phát triển tốt và nông hộ sẽ xử lý nước thải, tránh gây ô nhiễm môi trường bên ngoài” - ông Bình nói.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, chuyển đổi nghề làm muối sang nuôi tôm đã cho thấy tính năng động của người dân. Khó khăn là nuôi tôm đòi hỏi phải đầu tư lớn, hoàn thiện hạ tầng điện, nước, thủy lợi, quản lý chặt chẽ quy hoạch nuôi tôm, tránh bức hại môi trường, nhất là khi xả thải ra sông. Bởi vậy, địa phương sẽ rà soát lại các diện tích làm muối chuyển sang nuôi tôm cũng như các cơ chế khuyến khích nuôi tôm của tỉnh để giúp nông hộ tiếp cận, đầu tư lớn, sản xuất thâm canh, tránh tự phát, hướng đến nuôi tôm bền vững.
“Chúng tôi khuyến khích người dân chọn mua tôm giống chất lượng, có kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các loại thức ăn, vật tư, thuốc thú y nuôi tôm cũng cần được nông hộ chọn lựa kỹ càng. Nông hộ cần tiếp cận các quy trình kỹ thuật nuôi tôm tiến bộ để học tập, áp dụng, nhất là nuôi tôm VietGAP vừa đạt năng suất cao vừa có thị trường ổn định” - ông Lê Văn Hiệp (phụ trách nuôi trồng thủy sản của Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành) nói.