Lâu nay, dân ta cứ cái gì rẻ là ham, dù chưa biết sự thể ra sao. Phải chăng việc kích cầu du lịch tại chỗ thời gian qua chưa được như mong đợi một phần là bởi… giá vẫn còn đắt?
Tản mạn thêm về cái sự ham rẻ, có lẽ một phần cũng bởi đời sống của người dân trước kia quanh năm lam lũ nên cái gì rẻ hơn thì phải ưu tiên lựa chọn. Bây giờ, cuộc sống cộng đồng địa phương đã khấm khá hơn phần nào, nhiều người có của ăn của để nên nhu cầu đi du lịch tăng lên. Thế nhưng, quỹ chi tiêu cho du lịch của hầu hết người Quảng vốn còn eo hẹp, khó thể sánh với du khách hai đầu đất nước.
Trong nhiều thời điểm dịch bệnh lắng xuống, thông điệp “người Quảng Nam đi du lịch Quảng Nam” được khuyến khích với kỳ vọng tạo sắc thái mới, khởi động lại bức tranh du lịch vốn buồn tẻ.
Nhưng ưu đãi cho người Quảng chỉ lẻ tẻ xuất hiện ở một vài điểm đến như Vinpearl Nam Hội An (Thăng Bình), Công viên Ấn tượng Hội An (Hội An) có ưu đãi giá vé dành cho du khách các địa phương Trung Trung Bộ.
Hay Khu du lịch sinh thái rừng Hà Gia (Điện Bàn) thì khu biệt hơn, miễn phí vé vào cổng cho người dân thị xã Điện Bàn. Còn lại rất khó để “bói” ra một đơn vị nào khác dành ưu đãi riêng cho dân Quảng như slogan khuyến khích ở trên.
Do ảnh hưởng dịch bệnh, một thời gian dài nhiều cơ sở du lịch cố gắng cầm cự, và không ít chủ cơ sở than thở “càng mở, càng lỗ” vì đã giảm giá hết cỡ các dịch vụ để thu hút khách.
Nhưng dường như, vẫn có độ “vênh” lớn về giá thực tế của bên bán và mức giá kỳ vọng của du khách địa phương, nhất là ở thời điểm dịch giã lởn vởn, chỉ có khách địa phương là đủ điều kiện để đi du lịch. Thế là không ít người dân ở các huyện, thị xa xôi ngẩn tò te. Họ “chùn chân” cho một chuyến du lịch Hội An âu vẫn loanh quanh chuyện… giá cả.
Khi dịch giã chưa bùng lên, ăn uống quán xá phố cổ Hội An hoặc lưu trú tại các khách sạn cao cấp một chút trong thành phố là điều khá xa xỉ của khách địa phương. Ở một nơi được du khách quốc tế yêu thích như Hội An, việc “quốc tế hóa” giá cả dịch vụ, đặc biệt là giá dịch vụ sản phẩm du lịch vô hình trung đẩy cơ hội tiếp cận các dịch vụ này của người dân địa phương ra khỏi tầm tay…
Cần suy ngẫm, giá trị du lịch Hội An nói riêng cũng như Quảng Nam nói chung được nâng cao và lan tỏa có sự góp sức không nhỏ từ vỉa tầng tự nhiên, văn hóa, con người của quê xứ bồi lắng qua bao đời, dễ thấy như sự hiếu khách của người Quảng.
Nên chăng, ngành du lịch không chỉ “sực nhớ” đến khách địa phương trong bối cảnh khốn khó. Kể cả khi du lịch vào thời hoàng kim nhất, không thể lúc nào du khách cũng lấp đầy công suất thiết kế phục vụ. Trong những khoảng thời gian không cao điểm, việc dành 5% quỹ phòng với giá ưu đãi hoặc miễn, giảm về giá vé tham quan cho khách địa phương hoàn toàn khả thi và có thể giúp “lợi cả đôi đường”.
Một thời, du lịch Cù Lao Chàm cũng lùm xùm về giá. Lãnh đạo tỉnh từng nhiều lần chia sẻ về định hướng phát triển quần đảo này trở thành một điểm đến du lịch cao cấp. Điều này là cấp bách và đúng đắn để bảo vệ “viên ngọc” Cù Lao Chàm.
Và rồi không chỉ Cù Lao Chàm, ngày nào đó các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh cũng sẽ hướng đến du lịch xanh, cao cấp. Nhưng một khi triển khai, những người làm du lịch nên, hay đúng hơn là phải tính toán dành một “quota” nhất định cho luồng khách Quảng Nam…