Điểm hẹn cho người yêu văn nghệ

BẢO LÂM 09/05/2015 10:28

Bằng hình thức xã hội hóa, những năm qua, Hội Văn học - nghệ thuật (VH-NT) Tam Kỳ đã tổ chức giới thiệu nhiều tác giả, tác phẩm; tổ chức nhiều đêm thơ -  nhạc cũng như các cuộc triển lãm…, không chỉ bó gọn trong phạm vi TP.Tam Kỳ mà còn vươn ra các địa phương khác trong tỉnh.

Xã hội hóa

Theo nhà báo Huỳnh Trương Phát - Ủy viên Ban Chấp hành, người cầm trịch trong việc tổ chức các chương trình, hoạt động của Hội VH-NT Tam Kỳ, các “cuộc chơi” như thế này không ngoài mục đích tạo sân chơi cho những người sáng tác và đem đến cho những người yêu nghệ thuật những “bữa tiệc” tinh thần thú vị. Nhà thơ Phạm Thông - Chủ tịch Hội VH-NT Tam Kỳ nói, ngay từ khi thành lập, hội đã có chủ trương xã hội hóa các hoạt động VH-NT. Nhưng nếu không có những người tâm huyết với nghệ thuật thì các chương trình do hội tổ chức hoặc bảo trợ tổ chức sẽ khó thành công và duy trì được như lâu nay.

Có thể nói, khoảng 3 năm trở lại đây, cà phê Trầm ở số 33 đường Lê Lợi là “trung tâm hoạt động” của Hội VH-NT Tam Kỳ khi ít nhất 10 sự kiện, chương trình được tổ chức tại đây. Đó là các cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật “Giọt trầm tháng Giêng” thường niên; triển lãm thơ, ảnh và hát về biển đảo quê hương với chủ đề “Hoàng Sa - Trường Sa trong trái tim ta”. Cà phê Trầm cũng là nơi nhiều văn nghệ sĩ xứ Quảng chọn để giới thiệu tác phẩm của mình đến với người yêu nghệ thuật.

Ông Phan Chín - Phó Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh nhận xét, ngoài các cuộc triển lãm, ra mắt tác giả - tác phẩm của văn nghệ sĩ xứ Quảng, có tác giả là hội viên ở tỉnh khác cũng đem tác phẩm đến Quảng Nam giới thiệu dưới sự bảo trợ của Hội VH-NT Tam Kỳ như buổi giới thiệu tác phẩm “Suy tư trắng” của tác giả Thủy Anh - hội viên Liên hiệp Các hội VH-NT Đà Nẵng. Đặc biệt, thể loại khó giới thiệu nhất là tiểu thuyết nhưng Hội VH-NT Tam Kỳ cũng tổ chức được như việc ra mắt tiểu thuyết “Bến cạn” của tác giả Lê Trâm (Quế Sơn). Đấy là những điều chưa hẳn có tiền thì làm được, nơi nào cũng làm được và làm thành công.

Mở rộng phạm vi

Không chỉ bó gọn trong phạm vi thành phố, Hội VH-NT Tam Kỳ còn mở rộng sân chơi của mình cho người yêu nghệ thuật trong tỉnh. Đó là việc tổ chức chiếu thơ của các câu lạc bộ nhân Ngày thơ Việt Nam vừa qua; đó việc cùng đoàn viên và cựu chiến binh xã Duy Trinh “về nguồn” tại đập Vĩnh Trinh (Duy Xuyên) trong những ngày tháng ba lịch sử và tổ chức chương trình thơ nhạc tại đây. Năm trước, hội đã lên Tiên Phước tổ chức ra mắt tập tự truyện “Mưa quê ngoại” của tác giả Huỳnh Phước Minh; ra Hà Lam (Thăng Bình) tổ chức giới thiệu tập thơ “Trăng và nguyệt” của 2 tác giả Nguyễn Tấn Thái và Trần Anh Dũng. Mới đây nhất, nhân Ngày người khuyết tật Việt Nam 18.4, anh em Hội VH-NT Tam Kỳ đã ra Duy Xuyên để tổ chức ra mắt tập thơ “Khoảng vắng” của chàng trai khuyết tật Nguyễn Thế Quy. Nhiều người, nhiều văn nghệ sĩ ở TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Hội An... đã đến với “đêm yêu thương” của Quy. Đây không chỉ là đêm giới thiệu tác phẩm, mà còn là một sự động viên, khích lệ tinh thần của một người có hoàn cảnh đặc biệt, sức khỏe yếu kém do khuyết tật.

Ông Huỳnh Trương Phát tâm sự, sở dĩ các chương trình nghệ thuật được tổ chức dưới hình thức xã hội hóa thành công là nhờ sự đồng cảm của người tổ chức, thực hiện cho đến sự ủng hộ khán giả. Vì yêu nghệ thuật, họ đã tìm đến với nhau. Các tiết mục thơ đi vào lòng người nghe qua các giọng ngâm có tiếng của Quảng Nam như Lê Quang Thái, Nguyễn Thị Ngoan, Ngọc Quang, Hoàng Thị Thủy...; những bài hát làm rung động trái tim người nghe qua phần biểu diễn của các ca sĩ chuyên và không chuyên như: Hồng Lợi, Hồng Hải, Cẩm Phin, Thủy Trúc... Tất cả đều không nhận thù lao. Hay như nhạc sĩ Lê Xuân Trúc - giảng viên Trường Đại học Quảng Nam, đóng góp của anh chủ yếu là tổ chức dàn dựng chương trình, lựa chọn tiết mục, giới thiệu ca sĩ... Và dù tổ chức ở đâu, trong không gian rộng như Văn thánh Khổng miếu Tam Kỳ hay nhỏ và ấm cúng như cà phê Trầm, các chương trình do Hội VH-NT Tam Kỳ tổ chức cũng luôn thu hút khá đông khán giả thưởng lãm.

BẢO LÂM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điểm hẹn cho người yêu văn nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO