“Tam Kỳ - Điểm hẹn xanh - Trải nghiệm trong lành”.Đó là “slogan” tôi đọc được trên một băng rôn trang trí ngay cửa ngõ vào thành phố. Hẳn chỉ là một trong số rất nhiều câu khẩu hiệu được thay đổi theo mùa, theo sự kiện, nhưng ít nhiều gợi cho tôi liên tưởng đến sự kiện vừa diễn ra: một cuộc họp của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam về bảo vệ động vật hoang dã tại TP.Tam Kỳ.
Giữ rừng từ... bàn ăn
Số liệu được công bố sau một cuộc khảo sát thực hiện vào năm 2020 của WWF cho thấy, 44% tổng số người được hỏi sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã (ĐVHD), trong đó có 93,5% cho biết thịt thú rừng là loại sản phẩm dùng nhiều nhất. Đó là một “bức tường” dựng lên từ thói quen của cộng đồng, khi xem sử dụng thịt thú rừng như một cách để thể hiện đẳng cấp trên bàn ăn.
Một cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn ĐVHD nói, khi đối thoại với những chủ nhà hàng, quán ăn lớn ở TP.Tam Kỳ, nhiều người cho rằng Nhà nước đang làm “chuyện vu vơ”. “Chúng tôi có tiền thì chúng tôi có quyền mua bán cho những người có tiền”, đó là lập luận của số đông trong số 11 cơ sở nhà hàng, quán ăn có thịt thú rừng trong thực đơn của quán.
Thành phố sẽ là điểm đến của đường dây tiêu thụ thịt thú rừng, khi nơi này tập trung những khách hàng “có tiền”, muốn chứng tỏ đẳng cấp và có cùng suy nghĩ thịt thú rừng... bổ dưỡng hơn so với những loại thực phẩm khác. Thay đổi nhận thức, đặc biệt là của số đông, chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhất là ở thành phố lớn. Thành phố hiếm (hoặc không có) rừng.
Những giá trị mang tính văn hóa, tín ngưỡng gắn với rừng gần như không tồn tại. Vì thế nhen lên một tình yêu với rừng không phải là điều có thể thực hiện trong ngày một, ngày hai. Họ chỉ có nhu cầu sử dụng, không cần biết đến việc để có được món ăn được coi là sang trọng và đẳng cấp từ thịt thú rừng, rất nhiều ĐVHD bị giết hại. Và dĩ nhiên, rừng cũng bị xâm hại không nhỏ trong quá trình săn bắt thú rừng để cung cấp cho các nhà hàng. Thói quen, bao giờ cũng khó bỏ.
Nhưng những nỗ lực từ phía thành phố đã ít nhiều được những nhà bảo tồn ghi nhận. Tại cuộc họp của đại diện WWF và Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức tại TP.Tam Kỳ trung tuần tháng 6, phía chính quyền TP.Tam Kỳ cho biết họ đã khảo sát 11/11 cơ sở có ghi nhận bán những món ăn từ thịt thú rừng, linh hoạt sử dụng rất nhiều giải pháp, từ tuyên truyền vận động đến ràng buộc bằng những cam kết song phương.
Từ đầu tháng 1/2023, báo cáo từ phía các nhà bảo tồn cho hay, đã có 10 trong tổng số 11 cơ sở trong “danh sách” ở TP.Tam Kỳ không còn bán thịt ĐVHD. Thành phố cũng đã có nhiều hơn sự đồng hành từ phía các cơ quan hữu quan: cảnh sát môi trường, kiểm lâm, Trung tâm giáo dục thiên nhiên và quan trọng hơn là sự ủng hộ của cộng đồng. Việc giữ rừng, được ghi nhận từ những... bàn ăn, ngay trong lòng thành phố.
Điểm đến thân thiện
Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ chia sẻ: “Giảm nhu cầu tiêu thụ thịt thú rừng ở các trung tâm đô thị như Tam Kỳ sẽ có tác động mạnh tới việc giảm săn bắt trộm tại các khu bảo tồn lân cận, bảo vệ các loài thú hoang dã và các cánh rừng cho thế hệ mai sau.
Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động để kêu gọi sự chung tay, góp sức của toàn thể người dân thông qua hành động thiết thực nhất như không tiêu thụ thịt ĐVHD và sản phẩm từ ĐVHD, đồng thời kêu gọi người thân, bạn bè cùng hưởng ứng hành vi tốt đẹp này”.
Đây được xem là một trong những hành động để xây dựng thành phố như một điểm đến thân thiện, hiện thực hóa nhiều thông điệp bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường bền vững.
Một “sáng kiến” góp phần tạo nên trào lưu sống xanh trong cộng đồng thành thị, khẳng định những giá trị mà thành phố hướng đến: một đô thị sinh thái, phát triển hài hòa nhiều thành phần kinh tế, trong đó chú trọng du lịch như một sức hút riêng. Thành phố sẽ chỉ thu hút mạnh mẽ du lịch bằng sự thân thiện, gần gũi và tôn trọng, dĩ nhiên, với cả con người và môi trường.
Sự phát triển của kinh tế đang tạo áp lực cho các nguồn tài nguyên, gây suy giảm hệ sinh thái và đe dọa đa dạng sự sống. Thông điệp từ WWF đang được tiếp nhận và mở rộng thành nhận thức chung cho cả cộng đồng.
Những hành động đã được khởi đi từ những điều nhỏ nhất. Hành động, là từ hôm nay, bằng những việc mà mỗi người dân đều có thể tham gia ngay chính trong sinh hoạt, đời sống của mình. Để thành phố trở thành một “điểm hẹn xanh”, nơi ai cũng có thể có những “trải nghiệm trong lành”, cho chính mình...