"Điểm nghẽn" hạ tầng đường bộ

CÔNG TÚ 08/05/2018 14:06

Do không kịp trước tốc độ gia tăng của phương tiện, hạ tầng đường bộ trên địa bàn tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục là nỗi lo gây mất an toàn giao thông (ATGT).

QL40B, đoạn qua địa phận huyện Nam Trà My có nhiều khúc cua nguy hiểm. Ảnh: C.T
QL40B, đoạn qua địa phận huyện Nam Trà My có nhiều khúc cua nguy hiểm. Ảnh: C.T

Từ tỉnh lộ...

Thống kê đến hết quý I-2018 của ngành chức năng, tổng số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đang đăng ký, quản lý trên địa bàn tỉnh là 895.112 xe (859.832 mô tô). Tính bình quân, cứ gần 2 người dân sở hữu 1 xe. Chưa kể chủ phương tiện ngoại tỉnh đến tạm trú hoặc hàng ngày qua lại, con số trên cho thấy hạ tầng đường bộ của Quảng Nam đang gánh lưu lượng xe rất lớn. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng về bề mặt của các tuyến đường, đặc biệt là quốc lộ (QL) và tỉnh lộ (ĐT) đang tụt lại khá xa, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Đoạn đường ngã ba Đại Hiệp - ngã ba Hòa Đông (xã Đại Hiệp và thị trấn Ái Nghĩa của Đại Lộc) dài hơn 4,7km, thuộc tuyến ĐT609B là ví dụ điển hình. Cầu Giao Thủy và ĐT610, đoạn tuyến qua xã Duy Phú (Duy Xuyên) và xã Quế Trung (Nông Sơn) được xây dựng, nâng cấp mở rộng hoàn thành, liên hoàn với ĐT609B trở thành trục dọc huyết mạch phía tây bắc. Trước đó, đoạn ngã ba Đại Hiệp - ngã ba Hòa Đông đã quá tải do bề mặt chật hẹp mà xe cộ đông đúc, nhất là xe tải nặng. Nay, cung đoạn trung gian của ĐT610 - cầu Giao Thủy  - ĐT609B - QL14B vừa nêu đón thêm lưu lượng lớn phương tiện tại Quế Sơn, Nông Sơn, Duy Xuyên qua và từ Đà Nẵng vào khiến nguy cơ va chạm giao thông càng cao. Cử tri đã nhiều lần kiến nghị cấp có thẩm quyền cần nâng cấp mở rộng. “Nhưng thay vì “đi tắt đón đầu” trước lúc thi công xong cầu Giao Thủy, hơn 2 năm cầu đưa vào sử dụng, “đoạn đường đen” mà chúng tôi đặt cho vẫn chưa được đầu tư nới rộng” - một cử tri thôn Phú Mỹ, xã Đại Hiệp nói.

Cuối tháng 4 vừa qua, dự án mở rộng ĐT608, đoạn km4+714,82-km7+956,54 từ ngã ba Lai Nghi đến ngã ba vào chùa An Lạc (đường Hùng Vương, TP.Hội An) chính thức thông xe kỹ thuật, mở rộng cửa ngõ vào trung tâm phố cổ Hội An ở phía tây nam. Tuy nhiên, quy mô đoạn đầu tuyến đến km4+714,82 qua thị xã Điện Bàn không thay đổi; trong đó điểm giao nhau với đường Hoàng Diệu (địa bàn phường Vĩnh Điện) xuống giáp ngã ba Lai Nghi giữ nguyên mặt cắt nhỏ, mặt đường gồ ghề nhiều vị trí và đang là “nút thắt cổ chai” đáng lo ngại. Khi xảy ra sự cố, ách tắc sẽ khó tránh khỏi. Dịch chuyển vào phía nam, quy mô chiều rộng các tuyến ĐT614 và ĐT615 không có nhiều biến chuyển, hướng đi ngoằn ngoèo khiến tầm nhìn của lái xe bị hạn chế. Rõ ràng, 2 trục tuyến kết nối liên thông các huyện Tiên Phước, Phú Ninh xuống QL1, đường 129 thuộc đô thị tỉnh lỵ Tam Kỳ hoặc ra Thăng Bình không tương xứng với vai trò được giao phó.

...đến quốc lộ

Một “nút thắt cổ chai” mất ATGT khác đang hiện diện trên đường Nguyễn Hoàng, qua địa bàn Tam Kỳ. Đó là đoạn từ cầu Tam Kỳ đến nút giao ngã ba QL1 tại xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành (km996+889,31 - km996+2.189,31) dài khoảng 1,3km, bề rộng 12m với 2 làn xe. Để “mở” nút thắt, UBND tỉnh nhiều lần kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho chủ trương sử dụng nguồn vốn còn thừa của dự án thành phần 2 mở rộng QL1 (chủ đầu tư Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP) bổ sung mở rộng 1,3km nêu trên và thêm 1 đơn nguyên cầu Tam Kỳ có quy mô mặt cắt 4 làn xe ô tô và 2 làn xe thô sơ. Được như vậy, quy mô toàn tuyến QL1 mới đồng bộ, phù hợp với quy hoạch của địa phương và đảm bảo mỹ quan đô thị. Thế nhưng đến nay nguyện vọng đó chưa được giải quyết thấu đáo. Tuyến Nguyễn Hoàng đang thực hiện sứ mệnh kết nối QL1, song do cung đường nằm ngoài cả 2 dự án mở rộng thành phần 1 và 2 nên tồn tại nhiều nghịch lý. Một cán bộ Sở GTVT cho biết, UBND tỉnh vừa tiếp tục gửi văn bản kiến nghị liên quan đến đoạn tuyến vừa nêu, nhằm hạn chế nguy cơ mất an toàn giao thông khi có hàng chục nghìn lượt phương tiện từ bắc chí nam hằng ngày lưu thông.

Hiện nay, những QL như 40B, 14E, 14D, 14G, 14H, 24C có mặt đường rất hẹp, không ít đoạn xuống cấp. Nhiều công trình cầu yếu, cầu tràn nguy hiểm cho người và phương tiện, bao gồm: cầu km32+480, cầu Sông Vàng, cầu Sông Kôn, Dốc Rùa 2 trên QL14G (hiện là cầu tràn); cầu Cẩm Kim trên QL14H (chưa có cầu), cầu Bình Đào trên QL14E (cầu tạm), cầu Nước Oa và Sông Trường trên QL40B (cầu tràn). Dẫu biết rằng các công trình trên đã được Bộ GTVT đưa vào chương trình thay thế cầu yếu vốn JICA - giai đoạn 2 và EDCF - giai đoạn 1, nhưng việc triển khai trên thực địa vào thời gian cụ thể thì chưa rõ. Cũng trên QL40B, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương sử dụng phần vốn trái phiếu chính phủ 200 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng đoạn tuyến nối từ nút giao đường cao tốc (nút giao Tam Kỳ, thuộc địa bàn xã Tam Thái, Phú Ninh) xuống QL1. Tuy nhiên, đoạn tiến về phía tây đến Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My và nối thông với ĐT672 của Kon Tum đang bị bỏ ngỏ. “Điểm nghẽn” nguy hiểm nhất là từ nút giao Tam Kỳ lên thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước) có lưu lượng giao thông đông đúc, mà mặt đường chỉ rộng từ 4,5 - 5,5m và bị hư hỏng. Nếu Bộ GTVT không sớm có giải pháp tháo gỡ, nguy cơ tai nạn bùng phát là khá cao. Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh - ông Trương Khuê khẳng định: “Ý thức của người tham gia giao thông có thể thay đổi sau thời gian tuyên truyền, vận động. Song, những bất cập về hạ tầng sẽ là “nút thắt” cho vấn đề đảm bảo an toàn giao thông sau này”.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Điểm nghẽn" hạ tầng đường bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO