Đào tạo lao động, cạnh tranh bình đẳng, chi phí không chính thức, chi phí thời gian, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, hỗ trợ doanh nghiệp đã bị sụt giảm điểm số trong cuộc khảo sát PCI 2022. Làm gì để thay đổi vẫn là chuyện không dễ dàng!
Sụt giảm điểm số
Kết quả phân tích dữ liệu các chỉ số thành phần cho thấy, không thiếu trường đào tạo nghề, nhưng doanh nghiệp cho biết họ đã gặp rất nhiều khó khăn khi chất lượng lao động không đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp tốn nhiều chi phí để đào tạo lại và không dễ dàng tuyển dụng được cán bộ quản lý, giám sát tại địa phương. Chỉ số này chỉ đạt 5,35 điểm (giảm 0,89 điểm và giảm 19 bậc so năm 2021).
Tiếp cận đất đai và nguồn lực kinh tế khác đang là điểm nghẽn của địa phương. Số lượng doanh nghiệp than phiền việc tiếp cận đất đai thuận lợi là đặc quyền dành cho các doanh nghiệp lớn (67%, tăng 51%); các hợp đồng đất đai, các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền (62%) hay chính quyền ưu ái doanh nghiệp lớn (61%) và ưu tiên giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp lớn hơn là doanh nghiệp nhỏ (58%)... Số đông doanh nghiệp thiếu hài lòng đã khiến điểm số cạnh tranh bình đẳng chỉ 5,98 điểm (giảm 0,65 điểm và 19 bậc).
Tham nhũng vặt tưởng hạ nhiệt sau 2 năm, đã quay trở lại. Chi phí không chính thức này đạt 7,03 điểm (giảm 0,45 điểm, 16 bậc), luôn cao hơn điểm trung vị cả nước. Có đến 81% doanh nghiệp cho biết hiện tượng nhũng nhiễu giải quyết thủ tục trở nên phổ biến (tăng 16%); 57% doanh nghiệp cùng ngành phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức (tăng 16%).
Doanh nghiệp buộc phải trả chi chí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra xây dựng (83%, tăng 69%), cho thuế (67%, tăng 52%), cho quản lý thị trường (50%, tăng 42%), thúc đẩy nhanh việc thực hiện các thủ tục đất đai (43%, tăng 14%), kiểm tra phòng cháy, chữa cháy (40%, tăng 17%), kiểm tra môi trường (25%, tăng 16%) và 44% doanh nghiệp nói chi trả hoa hồng là điều cần thiết để có cơ hội thắng thầu (tăng 20%)...
Chi phí thời gian bị mất điểm (7,61 điểm, giảm 0,18 điểm, 3 bậc) chỉ mỗi việc tỷ lệ doanh nghiệp nhận thấy cán bộ thanh tra, kiểm tra lợi dụng thực thi công vụ, nhũng nhiễu doanh nghiệp (tăng từ 7% lên 9%) và tổng số giờ thanh tra, kiểm tra thuế mỗi cuộc đã gia tăng gấp đôi thời gian (từ 4 giờ lên 8 giờ/cuộc)...
Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (7,74 điểm, giảm 0,13 điểm, 18 bậc) khi tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá an ninh trật tự tốt đã giảm xuống 76% thay vì 88% như 2021, số doanh nghiệp bị trộm cắp hoặc bị đột nhập tăng 9%.
Doanh nghiệp than phiền phải chi trả tiền bảo kê cho các băng nhóm côn đồ, xã hội đen để yên ổn làm ăn (2%, tăng 1%). Doanh nghiệp gặp khó trong thủ tục cấp bảo lãnh tín dụng hay thực hiện thủ tục để được giảm giá thuê mặt bằng tại các khu - cụm công nghiệp và khó khăn khi tiếp cận miễn giảm chi phí đào tạo nghề cho người lao động... nên dù hỗ trợ doanh nghiệp không tụt hạng (26) nhưng đã giảm 1,16 điểm (5,90 điểm).
Làm gì để thay đổi?
Các cuộc điều tra, khảo sát PCI (chỉ dựa vào sự cảm nhận của 0,02% doanh nghiệp địa phương) để đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền địa phương e chưa đủ tính xác thực, tin cậy. Các chỉ số ấy không phải là kết quả cuối cùng hay quyết định để cho điểm, đánh giá về thành công hay thất bại của việc cung cấp môi trường đầu tư, kinh doanh tốt của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, dù chỉ là kênh tham khảo để chính quyền thức nhận điểm mạnh, yếu cần cải thiện thì thực tế nhiều năm qua, chỉ số này đã được các nhà đầu tư xem như một tiêu chí không kém quan trọng để có quyết định chọn địa phương này hay địa phương khác đầu tư.
Các chỉ số thành phần PCI địa phương (nêu trên) trồi sụt bất thường, không thể kiểm soát hay tính toán được. Nếu đào tạo lao động liên tục rơi điểm 3 năm liền, chi phí thời gian sụt điểm 2 năm thì hỗ trợ doanh nghiệp, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự “như đu dây” giữa “giảm/tăng/giảm”.
Chi phí không chính thức luôn tăng điểm, thăng hạng đã “bất ngờ” sụt giảm thảm hại vào năm 2022! Những thống kê không mấy lạc quan này cho thấy đây là dấu hiệu “không bình thường” của chiến lược cải cách của địa phương đã không như kỳ vọng.
Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay, dù chỉ dựa vào cảm nhận của doanh nghiệp, nhưng phần nào cũng phản ánh về sự mong muốn của doanh nghiệp để chính quyền có thể đưa ra những công cụ thúc đẩy sự năng động, đo lường được kết quả cải thiện của bộ máy đến doanh nghiệp trên thực tế.
Một khi sự bất bình đẳng gia tăng khi số doanh nghiệp nhỏ (cộng lại) tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động bị yếu thế hay chi phí không chính thức “nở rộ” thì không thể xem nhẹ trong vận hành của nền kinh tế.
Những cuộc khảo sát, thống kê mới đây đã chỉ ra các sở, ngành (trừ KH-ĐT) thiếu thiện chí, ít quan tâm, khi hầu hết chưa đề ra giải pháp cụ thể cho việc tăng điểm, thăng hạng đối với từng chỉ số thành phần PCI gắn với chức năng, nhiệm của của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nói, ngay tháng 6 này sẽ mở hội nghị về cải thiện môi trường đầu tư, tìm ra điểm nghẽn ở đâu để hoàn thiện. Chấm dứt khoảng trống “không biết về PCI” thông qua các chương trình tập huấn, đào tạo; có kế hoạch kiểm tra, giám sát, chấm điểm hàng ngày thông qua bản đồ thể chế. Sẽ tính đến chuyện thuyên chuyển, kỷ luật các cán bộ thừa hành sở, ngành, địa phương không thực thi các chủ trương, chính sách, cơ chế, kế hoạch cải thiện PCI đã ban hành.