Điểm nhấn liên kết vùng phía nam

GIA KHANG 31/10/2015 12:07

Trong vài năm gần đây Quảng Ngãi nổi lên như là điểm đến mới của miền Trung với điểm nhấn đảo Lý Sơn. Điều này đã tạo cơ hội rất lớn cho Quảng Nam trong việc thúc đẩy hoạt động du lịch phía nam của tỉnh nhờ hưởng lợi từ sự lan tỏa này…

Các thắng cảnh trên đảo Lý Sơn đang thu hút khách du lịch tạo điều kiện lan tỏa đến Quảng Nam.  Ảnh: V.LỘC
Các thắng cảnh trên đảo Lý Sơn đang thu hút khách du lịch tạo điều kiện lan tỏa đến Quảng Nam. Ảnh: V.LỘC

Điểm đến Quảng Ngãi

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, tính đến tháng 9.2015 có khoảng 600 nghìn lượt khách đã đến tham quan, lưu trú tại Quảng Ngãi đưa tốc độ tăng trưởng khách bình quân giai đoạn 2010 - 2015 đạt 12,7%. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng, tuyến, điểm du lịch ngày càng hoàn thiện. Các tuyến đường thủy bộ được đầu tư, đổi mới về phương tiện, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đi lại và tham quan của du khách. Đặc biệt, đảo Lý Sơn đang nổi lên như là một điểm đến hấp dẫn thu hút du khách với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ cũng nhiều giá trị văn hóa - lịch sử đặc sắc; một bảo tàng sống động gắn liền với những bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

Ông Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi cho biết, dù chỉ mới khởi sắc trong vài năm gần đây nhưng ngành du lịch Quảng Ngãi đã có bước phát triển khá nhanh và đều trên tất cả lĩnh vực, từ sản phẩm du lịch đến hạ tầng dịch vụ. Hiện, toàn tỉnh có hơn 270 cơ sở lưu trú với 3.800 phòng. Trong đó, cơ sở du lịch được xếp hạng, phân loại chiếm khoảng 25%. Ngoài ra, đội ngũ doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cũng tăng nhanh và đã đạt con số 13 đơn vị (gồm 2 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế). Hoạt động du lịch đã tạo việc làm cho gần 3.000 lao động trực tiếp, dự kiến con số này sẽ tiếp tục tăng trong những năm đến khi có sự kết nối với các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Đà Nẵng… “Thời gian tới, Quảng Ngãi sẽ tập trung xây dựng Lý Sơn trở thành điểm đến nổi trội của tỉnh, là hạt nhân  thúc đẩy du lịch Quảng Ngãi phát triển mạnh mẽ để thực sự trở thành điểm du lịch quốc gia vào năm 2020 theo hướng đảo du lịch xanh, sinh thái. Cùng với đó, địa phương sẽ đẩy nhanh việc lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận là Thắng cảnh thiên nhiên cấp quốc gia đối với 2 di tích là miệng núi lửa Thới Lới và Giếng Tiền… Đồng thời chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm gắn với tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử như du lịch biển, đảo với địa bàn trọng điểm là Lý Sơn và Mỹ Khê, Sa Huỳnh. Ngoài ra, cũng tập trung phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng để quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của người dân bản địa đến du khách. Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch, kết nối phát triển những tuyến, điểm du lịch với các tỉnh lân cận cũng như cụ thể hóa biên bản hợp tác phát triển du lịch, kết nối tour du lịch biển đảo giữa 3 địa phương: Đà Nẵng – Quảng Nam – Quảng Ngãi...”, ông Vũ nói.

Tăng cường liên kết vùng

Có thể khẳng định, du lịch Quảng Ngãi phát triển sẽ tạo điều kiện cho sự lan tỏa đến các huyện phía nam của Quảng Nam. Thực tế, thời gian qua việc liên kết phối hợp trong hoạt động quảng bá, xúc tiến giữa các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi đã bắt đầu được các bên liên quan chú trọng. Rõ nhất là đợt famtrip đến đảo Lý Sơn diễn ra cuối tháng 8 vừa qua với sự tham gia của đại diện Sở VH-TT&DL Quảng Nam và TP.Đà Nẵng cùng đại diện các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn nhằm tìm hiểu, khảo sát sản phẩm dịch vụ cũng như kết nối doanh nghiệp du lịch 3 địa phương lại với nhau. Dịp này, đại diện 3 sở cũng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm hỗ trợ trong công tác quảng bá, xúc tiến, giới thiệu sản phẩm du lịch. Động thái trên là khá tích cực bởi phát triển du lịch luôn đòi hỏi sự liên kết, bổ trợ trên cơ sở lợi thế của mỗi địa phương, vùng miền. Ông Nguyễn Xuân Bình – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng nhìn nhận, việc liên kết này sẽ mang đến lợi ích cho 3 địa phương do quãng đường và vị trí đi lại giữa 3 tỉnh khá thuận lợi. “Khách hai đầu muốn đến Quảng Ngãi chắc chắn phải đáp xuống sân bay Đà Nẵng hoặc sân bay Chu Lai; đây là cơ hội để Đà Nẵng, Quảng Nam đón đầu khách đến. Đặc biệt, với Quảng Nam, nhất là những huyện giáp ranh như Núi Thành, Tam Kỳ, nơi mà nhiều điểm du lịch còn khá nguyên sơ hấp dẫn. Vấn đề bây giờ là chúng ta sẽ làm gì để đón lượng khách này” - ông Bình phân tích.

Theo Ông Võ Văn Vân – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam, để thúc đẩy hoạt động du lịch phía nam cần phải tăng cường sự liên kết du lịch giữa 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Trong đợt famtrip vừa qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải du lịch tại Cù Lao Chàm cũng đã đến khảo sát vị trí, địa thế Lý Sơn để thiết lập tuyến tham quan đường biển kết nối Hội An và Lý Sơn. Ngoài ra, việc đề xuất phối hợp giữa Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch của hai địa phương nhằm đóng vai trò làm đầu mối liên kết, cung cấp thông tin liên lạc về hoạt động của ngành cũng đang được cân nhắc, qua đó giới thiệu những thông tin cần thiết như nội dung quy hoạch ngành, các dự án phát triển du lịch, những chính sách ưu đãi đầu tư, các thủ tục cần thiết cho doanh nghiệp của mỗi  tỉnh… “Tôi cho rằng, sự liên kết không chỉ ở việc trao đổi khách mà còn nên được triển khai ở sự hợp tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, trao đổi kinh nghiệm trong quản lý nhà nước về du lịch, quản lý doanh nghiệp du lịch, tổ chức tour tuyến, bồi dưỡng kỹ năng nghề... cho đội ngũ lao động trong toàn ngành. Đặc biệt, trên các website của Sở VH-TT&DL, Hiệp hội Du lịch, Trung tâm Xúc tiến du lịch của hai địa phương nên thiết kế thêm phần liên kết để kịp thời đăng tải thông tin về các dự án, chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư.... của từng địa phương liên quan đến du lịch” - ông Vân đề xuất.

GIA KHANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điểm nhấn liên kết vùng phía nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO