Tuyến đường ĐH10.ĐG qua xã Ma Cooih, Đông Giang hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong thời gian tới.
Con đường được kiên cố hóa. Ảnh: C.T |
Cuối tuần qua, đồng bào sinh sống tại thôn Trơ Gung (xã Ma Cooih) vui mừng khi đoạn tuyến ĐH10.ĐG qua địa bàn đã hoàn tất khâu thi công, kết nối liên thông đường Hồ Chí Minh đến Trơ Gung và thôn A Đền (cũng thuộc xã Ma Cooih). Đây là khu tái định cư sau khi người dân di dời để thực hiện công trình thủy điện A Vương cách đây hơn chục năm. Theo già làng Rơ Rác Yên (thôn Trơ Gung), hiện đời sống của đồng bào tại khu mới đã dần ổn định nhưng đường sá đi lại xuống cấp. Do thời tiết khắc nghiệt, bề mặt đường càng nhanh sụt lún, một số điểm sạt lở không thể đi lại vào mùa mưa. Nguồn thu nhập chính để trang trải nhu cầu ăn uống, sinh hoạt, cho con cái học hành, lo lúc ốm đau, già yếu chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp. Nhưng với tình trạng đường sá như thế, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, giá trị thấp.
Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Đông Giang - ông Nguyễn Tấn Tuân thông tin, theo chương trình kiên cố hóa ĐH, cả 2 tuyến ĐH17.ĐG và ĐH1.ĐG cũng đang triển khai thi công. Thực hiện chương trình kiên cố hóa giao thông nông thôn, đến nay Đông Giang đã xây dựng được 19,564km, tổng kinh phí 15,392 tỷ đồng, 92/95 thôn hưởng lợi. Năm nay, huyện tập trung xây dựng một số tuyến giao thông nông thôn tại các xã: Ba, Tư, Ma Cooih, Za Hung và Sông Kôn với tổng chiều dài 3,253km. |
Trước tính cấp bách cần phải đầu tư ĐH10.ĐG, năm 2017, huyện Đông Giang đưa vào danh mục chương trình kiên cố hóa ĐH của tỉnh. Theo đó, UBND huyện đã có quyết định cấp tạm kinh phí cho Phòng Kinh tế và hạ tầng Đông Giang để triển khai 3 tuyến, gồm: ĐH10.ĐG, ĐH17.ĐG và ĐH1.ĐG. Tổng mức đầu tư được phê duyệt là 12,6 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh là 10,08 tỷ đồng (chiếm 80%), còn lại là ngân sách huyện đối ứng (chiếm 20%).
Quay trở lại tuyến ĐH10.ĐG, chuyên viên Phòng Kinh tế và hạ tầng Đông Giang - ông Phan Anh Tuân cho hay, công trình kiên cố hóa bằng bê tông xi măng có lý trình km0+000-km1+500, kinh phí thực hiện được phê duyệt hơn 3 tỷ đồng. Tuyến đường chính thức xây dựng đầu tháng 6 vừa qua, do Công ty TNHH Hồ Minh đảm nhận thi công. “Xác định đây là nhiệm vụ cấp thiết cần hoàn thành sớm, chúng tôi đã tập trung tối đa nhân lực, trang thiết bị vào công trường. Năm tổ thi công được triển khai đồng loạt tại nhiều vị trí để đẩy nhanh tiến độ” - Giám đốc Công ty TNHH Hồ Minh, ông Hồ Minh Thanh cho hay. Cũng theo ông Hồ Minh Thanh, thời tiết mùa này tại Đông Giang rất khó chịu, mưa thường xuyên xuất hiện, nhất là vào buổi chiều. Do đó, nhà thầu đã động viên cán bộ kỹ thuật, công nhân thức dậy làm việc từ lúc hơn 3 giờ sáng, đến khoảng hơn 12 giờ trưa là nghỉ ngơi. Nhờ vậy, đến giữa tuần qua, bề mặt đoạn tuyến với bề dày 26cm, rộng 3,5m và lề đất mỗi bên 0,75m đã hoàn thành.
Tuyến đường đưa vào khai thác đã đáp ứng được niềm mong đợi của đồng bào Ma Cooih nói riêng. Chủ tịch UBND xã Ma Cooih - ông Nguyễn Thanh Tân khẳng định, con đường hoàn thành đã khai thông “điểm nghẽn” về giao lưu hàng hóa. Sản phẩm làm ra dễ tiêu thụ và đạt giá trị hơn; đồng thời còn là điều kiện để đồng bào đầu tư sản xuất. Kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, địa phương sẽ có điều kiện củng cố các tiêu chí xã nông thôn mới một cách bền vững.
Đánh giá về hiệu quả đầu tư, Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Đông Giang - ông Nguyễn Tấn Tuân cho rằng, áp dụng theo thiết kế mẫu của UBND tỉnh, tuyến đường không phải chịu chi phí về khảo sát, thiết kế, giám sát riêng nên lợi ích tăng gấp rưỡi so với các công trình xây dựng cơ bản khác. Tự nguyện hiến đất, chặt cây cối mà không đòi hỏi chi phí bồi thường, hỗ trợ, đó là cái được lớn nhất nhờ vào lòng dân đồng thuận của chương trình kiên cố hóa ĐH nói riêng. Đường sá mở mang, tạo nhiều cơ hội cho vùng cao Đông Giang chuyển mình.
CÔNG TÚ