"Điểm nóng" đất rừng Tiên Cẩm

TRẦN HỮU 28/12/2016 08:48

Không những khuất tất trong các công trình xây dựng nhà văn hóa thôn, đường bê tông, chính quyền xã Tiên Cẩm (Tiên Phước) còn buông lỏng trong quản lý đất rừng, có biểu hiện xâm hại quyền lợi hợp pháp của người dân, để xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.

Ông Nguyễn Khắc Hiếu tại vườn  khai thác keo trong độ tuổi khai thác của mình. Ảnh: TRẦN HỮU
Ông Nguyễn Khắc Hiếu tại vườn khai thác keo trong độ tuổi khai thác của mình. Ảnh: TRẦN HỮU

Làm khó dân

Báo Quảng Nam số ra ngày 27.12 trong bài viết “Khuất tất xây dựng công trình nhà văn hóa thôn” có thông tin về việc ngày 26.12 Chủ tịch UBND xã Tiên Cẩm - ông Huỳnh Nhuận có đơn xin nghỉ việc. Vì sao lãnh đạo chính quyền địa phương “xin nghỉ việc”, rồi đây các ngành chức năng sẽ làm sáng tỏ. Nhưng có sự thật là mấy năm gần đây Tiên Cẩm nổi lên như “điểm nóng” của các vụ tranh chấp xung đột đất rừng; xảy ra nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện dai dẳng.

Huyện chưa nhận đơn xin nghỉ việc của Chủ tịch UBND xã Tiên Cẩm

Đó là khẳng định của ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước khi trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam qua điện thoại vào sáng 27.12. Ông Minh cũng cho biết, chỉ nắm thông tin Thường trực, Thường vụ Huyện ủy có yêu cầu Trưởng ban Tổ chức huyện lên làm việc với cấp ủy địa phương nghe lại ý kiến. Đề cập quản lý đất rừng lỏng lẻo ở xã Tiên Cẩm, lãnh đạo chính quyền huyện Tiên Phước chỉ thừa nhận trước đây quản lý đất rừng theo dự án 661, 327 có việc này việc kia, không rõ ràng chứ hiện nay có hẳn tổ công tác gỡ vướng mắc về đất đai ở xã Tiên Cẩm do Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Trí Hiệu đứng điểm giải quyết.
H.P

Ông Hồ Kim Tiên (SN 1975, trú xã Tiên Cẩm) cho biết: Gia đình ông được cơ quan chức năng đo đạc, chuẩn bị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) với diện tích hơn 4,1ha tại thôn Cẩm Trung (xã Tiên Cẩm) và đã trồng cây keo trên đó. Khi keo đến tuổi thu hoạch, ông Tiên đến UBND xã Tiên Cẩm nộp giấy đề nghị khai thác gỗ rừng trồng theo quy định và được cán bộ hướng dẫn đóng lệ phí khai thác keo 300.000 đồng. Sau khi làm tròn nghĩa vụ tài chính, gia đình ông Tiên thuê phương tiện máy móc, nhân công vào khai thác keo. Cuối tháng 8.2016, khi ông Tiên đang khai thác keo (đã khai thác được 40 tấn) thì Chủ tịch UBND xã - ông  Huỳnh Nhuận và ông Trần Kim Hoàng - cán bộ lâm nghiệp xã vào ngăn cản, không cho khai thác; đồng thời lập biên bản thu giữ máy cưa lốc của ông Phạm Thế Phương - người được ông Tiên thuê cưa cây.

Ông Tiên nói: “Địa phương quá biết rõ gia đình tôi đã kê khai, đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã đóng tiền phí khai thác keo nhưng vẫn cấm cho tôi khai thác, để hơn 10 tấn keo đã thu hoạch hư hao giảm giá trị, xâm hại đến lợi ích hợp pháp của gia đình”. Theo lời ông Tiên, Chủ tịch UBND xã Huỳnh Nhuận sở dĩ gây khó cho gia đình ông là vì quanh khu vực này có đất rừng của ông Nhuận. Ông Nhuận muốn vào rừng của mình phải băng qua diện tích đất của ông Tiên. “Ông Nhuận muốn gây sức ép để gia đình bán rẻ lại diện tích đất này” - ông Tiên tự phân tích. Điều đáng nói, khi thu giữ máy cưa của ông Phạm Thế Phương chính quyền xã này không có bất cứ biên bản vi phạm hành chính hoặc quyết định tạm giữ nào liên quan đến tài sản. Về sự việc trên, theo giải thích của chính quyền xã Tiên Cẩm, do ông Hồ Kim Tiên trồng rừng trên đất thuộc rừng khoanh nuôi nên UBND xã buộc dừng để giải quyết. Tuy nhiên, sự thật là đất của ông Tiên đã được trích đo địa chính, cơ quan chức năng xác định tọa độ rõ ràng. Còn về dụng cụ máy cưa, biết trước việc thu giữ mà không lập biên bản là trái pháp luật nên UBND xã đã xin lỗi giao gửi lại cho ông Phương. Tuy nhiên, ông Phương đang làm thủ tục khởi kiện yêu cầu chính quyền xã phải bồi thường về vật chất khi tạm giữ máy móc hơn 30 ngày khiến ông phải thất nghiệp.

Ông Hồ Kim Tiên (bên trái) trình bày vụ việc.
Ông Hồ Kim Tiên (bên trái) trình bày vụ việc.

Hiện ông Hồ Kim Tiên đã có đơn khởi kiện hành chính đối với Chủ tịch UBND xã Tiên Cẩm đến TAND huyện Tiên Phước, trong đó đề nghị TAND huyện buộc UBND xã Tiên Cẩm, đứng đầu là ông Huỳnh Nhuận, chấm dứt ngay hành vi cản trở, gây khó khăn đối với việc khai thác, vận chuyển keo của ông trên diện tích 4,1ha; bồi thường toàn bộ thiệt hại về tài sản, nhân công và chi phí khai thác do hành vi trái pháp luật của UBND xã Tiên Cẩm gây ra.

Lạm quyền?

Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Huỳnh Nhuận có diện tích đất trồng rừng tại thôn Cẩm Trung. Do “đụng độ” trong sử dụng đất rừng, Chủ tịch UBND xã Huỳnh Nhuận đứng sau chỉ đạo xã thu hồi đất rừng của hộ ông Phan Đình Phong (nằm sát đất rừng của ông Nhuận). Vụ việc căng thẳng đến mức ông Phong phải kiện ra tòa án, cuối cùng TAND huyện Tiên Phước buộc phải hủy quyết định thu hồi bìa đỏ thiếu căn cứ của UBND xã Tiên Cẩm. Trong khi đó, hiện nay người dân ở các thôn Cẩm Trung, Cẩm Lãnh đều rất bức xúc trước việc giải quyết thủ tục hồ sơ đất rừng “tiền hậu bất nhất” của chính quyền xã. Trên cùng khu rừng sản xuất, nhưng nhiều người có mối quan hệ với lãnh đạo địa phương thì được ưu ái cấp bìa đỏ, ngược lại không ít trường hợp bị ngâm hồ sơ nhiều năm trời. Tiến độ cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp theo dự án thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1/10.000 trên địa bàn xã đến nay vẫn thiếu công khai, minh bạch. Để “chữa cháy”, ngày 2.12.2016, Chủ tịch UBND xã Huỳnh Nhuận ra Thông báo phổ biến cho nhân dân biết về việc cắm mốc ranh giới đất lâm nghiệp, để địa phương kiểm tra thực địa, tổng hợp danh sách đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp bìa đỏ theo quy định.

Biên lai thu tiền khai thác keo của UBND xã Tiên Cẩm và trích lục bìa đỏ có diện tích 4,1ha của ông Tiên.
Biên lai thu tiền khai thác keo của UBND xã Tiên Cẩm và trích lục bìa đỏ có diện tích 4,1ha của ông Tiên.

Chờ đợi suốt nhiều năm, không ít hộ dân gõ cửa khắp các cơ quan công quyền địa phương để được công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp. Như trường hợp của ông Nguyễn Khắc Hiếu (SN 1976, trú thôn Cẩm Trung). Theo ông Hiếu, trong năm 2011, dự án làm đường, xây dựng mở rộng Khu chứng tích Đồng Trại triển khai ảnh hưởng đến rừng gia đình nên giữa ông và UBND xã Tiên Cẩm đã thỏa thuận hoán đổi vị trí trồng rừng theo Biên bản đã lập vào ngày 5.6.2011. Sau đó ông Hiếu trồng rừng trên đất hoán đổi, khi cây đến tuổi, ông tổ chức khai thác nhưng bị chính quyền xã lập nhiều biên bản, UBND huyện ra quyết định xử phạt hành chính nên ông khởi kiện ra tòa. “Việc quản lý, sử dụng đất của tôi là hợp pháp, ổn định và được giải quyết, công nhận tại bản án hành chính phúc thẩm số 04/2014/HCPT ngày 13.1.2014 của TAND tỉnh. Thế nhưng, nhiều lần xin khai thác keo UBND xã đều từ chối nhưng không nêu rõ lý do” - ông Hiếu giãi bày.

Ngày 7.10.2016, UBND xã Tiên Cẩm đã trả hồ sơ xin khai thác keo của ông Hiếu với lý do khu vực xin khai thác trước đây là rừng khoanh nuôi, đất do UBND xã quản lý; ông Hiếu chưa đủ thủ tục về quyền sử dụng đất nên chưa được phép khai thác keo. Về việc này, ông Hiếu cho biết, trước đây thấy đất mình sử dụng ổn định, ông cũng đã làm thủ tục xin cấp bìa đỏ theo hướng dẫn của cán bộ địa phương. “Ngày 9.12.2015, tôi nộp đơn đăng ký cấp bìa đỏ theo đầy đủ hồ sơ, có biên bản, sơ đồ đo đạc thực tế nhưng chính quyền vẫn cố tình giải quyết rề rà. Ngày 1.7.2016, tôi tiếp tục đăng ký cấp bìa đỏ lần nữa nhưng UBND xã vẫn tìm cách thoái thác trách nhiệm không xác nhận hồ sơ với lý do vị trí xin đăng ký, cấp bìa đỏ của tôi hiện nay cơ quan có thẩm quyền kiểm tra giải quyết. Cũng nằm trên khu rừng đó nhưng cán bộ, người nào “bạo chung chi” thì được giải quyết hồ sơ đất đai sớm” - ông Hiếu kể về nỗi khổ khi làm thủ tục đất đai tại UBND xã Tiên Cẩm.

Rõ ràng, chính sự buông lỏng quản lý đất lâm nghiệp suốt thời gian dài, cùng với những nhập nhằng trong việc cấp bìa đỏ của chính quyền xã Tiên Cẩm đã tạo ra nhiều bức xúc, gây mất niềm tin cho người dân.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Điểm nóng" đất rừng Tiên Cẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO