Hàng chục dự án đầu tư xây dựng triển khai đồng loạt trên bàn thị xã Điện Bàn đã gây áp lực cho địa phương trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (TĐC). Việc thực thi chính sách pháp luật đất đai có thời điểm thiếu nhất quán dẫn đến hệ lụy khiếu nại kéo dài.
Việc đầu tư các dự án khu đô thị, bất động sản ở các phường vùng đông thị xã Điện Bàn gây áp lực cho công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. TRONG ẢNH: Các nền đất rao bán ở phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn). Ảnh: T.HỮU |
Lúng túng với chính sách cũ - mới
“Điểm nóng” gây bức xúc cho người dân thời gian qua là dự án mở rộng tuyến đường ĐT607 (đoạn qua phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn) do quá trình thi công không đảm bảo môi trường, chậm tiến độ. Tuyến đường này có chiều dài hơn 2km do đơn vị thi công là Công ty Xây dựng Hội An. Theo UBND thị xã Điện Bàn, tiến độ thi công tuyến đường ĐT607 đoạn qua phường Điện Nam Đông chậm trễ do còn một số hộ ngay ngã tư Thương Tín chậm GPMB vì chưa bố trí được đất TĐC. Theo thống kê, đến nay địa phương có trên dưới 50 dự án đã, đang đầu tư xây dựng các đô thị mới, khu du lịch ven biển, hạ tầng kỹ thuật đô thị thiết yếu… Tuy vậy, lỗ hổng lớn nhất là chính quyền vẫn còn hạn chế trong lập quy hoạch, giải quyết rốt ráo công tác GPMB-TĐC.
Thời gian qua, số lượng đơn thư khiếu nại vượt cấp và đơn khiếu kiện đông người ở lĩnh vực đất đai tại địa phương tăng nhanh. Đơn cử năm 2017, khiếu nại liên quan đến dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đoạn đi qua thị xã Điện Bàn); trường hợp của 6 hộ dân tại dự án đường ĐT607A (phường Điện Nam Trung); 11 hộ dân tại phường Điện Dương, 54 hộ dân tại phường Điện Nam Đông… Giải thích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng đơn thư khiếu nại tăng đột biến trong năm qua, theo UBND thị xã Điện Bàn, do tính công khai dân chủ trong thực hiện chính sách bồi thường hỗ trợ (BT-HT) và TĐC tại một số địa phương chưa bảo đảm. Một số dự án chưa thực hiện đúng trình tự thủ tục quy định về thu hồi đất, BT-HT và TĐC. Ngoài ra chính quyền gặp vướng mắc trong quá trình cưỡng chế theo quy định để xử lý dứt điểm đối với các trường hợp cố tình chây ì không chấp hành bàn giao đất và di dời.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Phan Minh Dũng nhìn nhận, số lượng đơn thư khiếu nại, khởi kiện hành chính phát sinh trong lĩnh vực BT-HT và TĐC khi Nhà nước thu hồi đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2017 tăng đột biến. Trong đó, những nội dung khiếu nại gia tăng về giao thời thực hiện giữa 2 chính sách cũ và mới (Luật Đất đai 2003 và năm 2013).
Lỏng lẻo quản lý
Năm 2017, thị xã Điện Bàn bố trí được 34 hộ trong số 42 hộ bị giải tỏa trắng vào các khu TĐC. Trong khi đó, nhu cầu TĐC cho các dự án hiện nay của địa phương là rất lớn với 851 hộ giải tỏa trắng. Theo đó, thị xã cần 1.558 lô đất TĐC cần được bố trí tập trung ở các phường Điện Dương và Điện Ngọc. Về quy hoạch, hiện 5 phường thuộc vùng đông của thị xã Điện Bàn (gồm Điện Ngọc, Điện Nam Bắc, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông và phường Điện Dương) chịu chi phối của Quyết định số 124/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch chung khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc và Quyết định số 603/QĐ- UBND của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chung khu vực ven biển từ thị xã Điện Bàn đến TP. Hội An. |
Luật Đất đai năm 2013 cũng như các quy định cũ trước đây đều nhất quán quan điểm rằng, trong GPMB thì công tác TĐC phải được xem xét đi trước một bước. Tuy nhiên, thực tế có dự án thực hiện theo “quy trình ngược”. Nghĩa là GPMB trước rồi mới tính toán TĐC. Chính quyền địa phương thừa nhận, triển khai chính sách đất đai còn nhiều bất cập ở nguồn vốn tập trung để thực hiện khâu BT-HT và xây dựng cơ sở hạ tầng các khu TĐC trên địa bàn. Thời gian qua, GPMB ở các dự án được UBND thị xã Điện Bàn giao về cho các xã, phường thực hiện, nhưng kinh phí để làm khu TĐC lại không có, hoặc thiếu thốn. Đây là lý do khiến nhiều dự án thường bị vướng mắc, chậm chễ.
Tại hội nghị tổng kết đánh giá công tác GPMB, thu hồi đất năm 2017 diễn ra vừa qua, UBND thị xã Điện Bàn thừa nhận nhiều lỗ hổng trong quản lý đất đai tại địa phương. Đó là hội đồng tư vấn xét nguồn gốc đất cấp cơ sở còn mang tính chất cảm tính, chưa bám sát hồ sơ địa chính qua các thời kỳ về quá trình hình thành, hiện trạng sử dụng. Cán bộ địa chính cấp xã, phường chưa bám sát từng trường hợp cụ thể để làm tốt công tác tham mưu cho hội đồng tư vấn đất đai. Nhiều trường hợp xác nhận nguồn gốc sử dụng đất trước sau không mang tính thống nhất. Thêm vào đó, quản lý cập nhật chỉnh lý biến động đất trên hồ sơ địa chính trong năm qua còn nhiều hạn chế và chỉnh lý chưa triệt để đã dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực trong quá trình triển khai, thực hiện việc BT-HT, GPMB. Những trường hợp đất nằm trong quy hoạch sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng đã được công bố nhưng chưa có chủ trương thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên người dân vẫn không được thực hiện các quyền sử dụng đất của mình, ảnh hưởng tới đời sống của nhiều hộ dân nằm trong vùng quy hoạch. Mặt khác, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, thuê đất và quản lý lưu trữ chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính qua các thời kỳ của địa phương còn nhiều thiếu sót, gây thách thức trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.
TRẦN HỮU