Về thôn An Bình, xã Bình Chánh (Thăng Bình) hôm nay, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay rõ nét của một vùng quê đang trên đà phát triển. Những con đường được bê tông hóa khang trang, nhiều ngôi nhà mới kiên cố mọc lên…
Năm 2007 sau khi tách ra từ thôn Tú Trà với tên mới An Bình nhanh chóng thành lập Ban vận động thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Ông Huỳnh Quang Tiến - Trưởng ban vận động thôn An Bình cho biết: “Trong những năm qua, Ban vận động luôn tích cực tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và các nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đến người dân toàn thôn. Trong đó, cán bộ, đảng viên luôn là nhân tố đi đầu trong phong trào”. Ban vận động cũng thường xuyên làm tốt công tác vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, trong thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến đời sống của người dân, Ban vận động mở rộng đối thoại với nhân dân để tìm sự nhất trí đồng thuận mới thực hiện. Với những nỗ lực trên, cùng với sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tại thôn An Bình đã mang lại nhiều kết quả.
Thôn An Bình hiện có 194 hộ với 830 nhân khẩu, năm 2015 toàn thôn có 98,5% số hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa. Với sự nỗ lực của cộng đồng dân cư cũng như của các cấp chính quyền, 7 năm liền An Bình được công nhận danh hiệu Thôn văn hóa. Ông Nguyễn Lăng - Trưởng thôn An Bình chia sẻ: “Muốn xây dựng thành công thôn văn hóa, trước hết phải xây dựng được tộc họ văn hóa, gia đình văn hóa. Để nhiều năm liền đạt danh hiệu Thôn văn hóa, Ban vận động thôn đã phải rất tích cực, nhiệt tình trong công tác tuyên truyền, vận động và các thành viên của ban phải luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào”. Từ hiệu ứng này, đa số người dân đều tự nguyện đóng góp và thực hiện tốt các nghĩa vụ của công dân, đóng góp xây dựng tượng đài liệt sĩ; ủng hộ tiền, gạo hỗ trợ gia đình khó khăn. Đặc biệt, An Bình cũng vừa xây dựng Nhà văn hóa thôn, mua sắm trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cộng đồng với tổng kinh phí gần 400 triều đồng, trong đó nhân dân đóng góp 189 triệu đồng.
Xác định giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Ban vận động thôn An Bình đã tích cực vận động các tầng lớp nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Đến nay, đời sống kinh tế nhân dân có tỷ lệ khá, giàu tăng lên, toàn thôn có 5 máy gặt đập liên hợp, 6 máy cày 4 bánh, 2 ô tô tải, 4 trang trại nấm rơm, 2 mô hình sản xuất bún khô…
Phát huy vai trò của nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới. Người dân trong thôn đã ra quân đắp và giải phóng mặt bằng được 5,2km giao thông nội đồng; nhiều hộ dân hiến đất ở, đất bìa, hiến cây, đóng góp cả tiền bạc để làm đường giao thông; tích cực xây dựng cảnh quan môi trường, tổ chức phát động và hưởng ứng phong trào thu gom rác thải trên địa bàn, xây dựng hầm biogas trong chăn nuôi… bảo đảm môi trường xanh, sạch, đẹp. Tổng kinh phí vận động từ nhân dân trong khu dân cư để xây dựng nông thôn mới ước tính 1,2 tỷ đồng. Nhờ đó diện mạo của một vùng quê nông thôn mới đã được hình thành, ngày càng khang trang hơn.
Ông Huỳnh Văn Hoàng - Chủ tịch UBND xã Bình Chánh chia sẻ: “Phải khẳng định rằng, khu dân cư An Bình là lá cờ đầu trong xây dựng đời sống văn hóa của địa phương chúng tôi. Kết quả của khu dân cư An Bình đã thúc đẩy các khu dân cư khác đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế địa phương. Điểm mấu chốt quyết định của sự thành công này là nhờ sự lãnh đạo trực tiếp của chi ủy, chi bộ, ban nhân dân thôn, hơn nữa là sự nhiệt tình của toàn thể Ban vận động, sự đồng lòng của nhân dân trên tinh thần tương thân, tương ái cùng nhau chung tay phát triển quê hương”.
THỊ NGÂN - THY CHINH