Trong khi ở một số nơi người dân bỏ vườn không khai thác mủ cao su thì ở Nông trường Cao su Chà Vàl (Nam Giang), nhờ làm tốt công tác dân vận nên phần lớn bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã nhận thức được hiệu quả kinh tế lâu dài bền vững khi tham gia trồng và khai thác mủ cao su.
Theo báo cáo, tổng diện tích cao su của Nông trường cao su Chà Vàl năm 2019 là 1.430ha, trong đó 718ha đang tuổi khai thác. Đến cuối tháng 10.2019, sản lượng mủ khai thác của nông trường đạt 522 tấn, chiếm phần lớn sản lượng mủ của toàn công ty. Tổng quỹ lương chi trả cho cán bộ công nhân viên - người lao động và hộ nhận khoán 10 tháng đầu năm là 7,9 tỷ đồng; lương bình quân của lao động khai thác mủ 4,1 triệu đồng/người/tháng. Tại đây, 49 công nhân cạo mủ và 1.068 hộ nhận khoán thuộc nông trường đều là người dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Chí Công - Giám đốc Nông trường cao su Chà Vàl cho biết, những năm 2016 - 2017, thời điểm đầu quá trình khai thác mủ, nông trường gặp rất nhiều khó khăn vì không vận động được người dân ra vườn khai thác. Lý do là người dân chưa quen với việc thức dậy lúc 2 - 3 giờ sáng để cạo mủ; vả lại, những năm đầu khai thác sản lượng mủ còn ít nên thu nhập thấp. Tuy nhiên, sau quá trình bám dân để tuyên truyền, vận động, tình hình dần được cải thiện, đến nay tỷ lệ người dân ra vườn cạo mủ đạt hơn 90%. “Ngoài việc phối hợp chặt chẽ với địa phương, chúng tôi đã chọn một số hộ tiêu biểu, có nhận thức tốt để tuyên truyền, vận động. Khi bà con nhìn thấy kết quả cụ thể họ sẽ làm theo” - ông Công chia sẻ.
Bà Alăng Thị Nhường - Chủ tịch Hội LHPN xã Chà Vàl, đồng thời là hộ nhận khoán trồng cao su cho biết, trước bà con không chịu ra vườn vì thu nhập thấp, không quen với giờ giấc quy định, nhưng đến nay đã khác. “Tôi có 3ha với khoảng 1.500 cây cao su nhưng do công việc nên chỉ cạo được 300 cây, số còn lại tôi cho các hộ khác nhận” - bà Nhường nói. Trong khi đó, anh Lang Gien Sỹ (31 tuổi) - công nhân Nông trường Cao su Chà Vàl chia sẻ: “Mình vốn quen làm rẫy và những công việc thời vụ nên thời gian đầu khi vào môi trường làm việc của công ty chưa quen lắm. Nhưng khi vào khuôn khổ lâu dần cũng thích nghi được; giờ giấc cũng quen như đồng hồ sinh học vậy thôi”. Anh Sỹ cho biết, vào những tháng cao điểm, thu nhập từ cạo mủ mỗi tháng được 5 triệu đồng; sau giờ cạo mủ, anh còn tranh thủ lên rẫy và phụ vợ chăn nuôi heo để tăng thu nhập cho gia đình.