Điểm sáng giáo dục

XUÂN NGHĨA 18/03/2015 09:12

Tiếp bước truyền thống hiếu học của quê hương, Phú Ninh đã và đang tập trung nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, trở thành huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn quốc gia ở 3 bậc học.

Đã 10 năm trôi qua, ông Hồ Đắc Thiện -  Trưởng phòng GD-ĐT huyện vẫn còn nhớ như in những ngày đầu khi cùng đồng nghiệp đến từng xã khảo sát trường lớp. Để đến với các trường học, cán bộ ngành giáo dục huyện phải vượt qua những con đường quê đầy ổ trâu, ổ gà, bụi bay mù mịt, nhưng những điều đó không bằng với nỗi niềm khi chứng kiến cảnh cơ sở vật chất trường, lớp sơ sài, không đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp trồng người. Thời điểm đó, ngay cả 2 trường đã đạt chuẩn của Phú Ninh trang thiết bị dạy và học cũng còn nhiều thiếu thốn. Ông Hồ Đắc Thiện chia sẻ, trước những khó khăn đó, từ kết quả khảo sát, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT nhanh chóng xây dựng kế hoạch, tham mưu chiến lược phát triển giáo dục cho phù hợp với thực trạng của địa phương. Trong đó, yêu cầu được đặt ra là cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc nhằm chuẩn hóa các trường học.

Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh - Nguyễn Phi Thạnh trao Giải thưởng Phan Châu Trinh cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảng dạy, nghiên cứu, học tập vào ngày 12.2.2015. Ảnh: X.NGHĨA
Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh - Nguyễn Phi Thạnh trao Giải thưởng Phan Châu Trinh cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảng dạy, nghiên cứu, học tập vào ngày 12.2.2015. Ảnh: X.NGHĨA

Vượt khó

Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã ban hành nhiều nghị quyết phát triển sự nghiệp giáo dục giai đoạn 2007 - 2010 và những năm tiếp theo. Trong đó, UBND huyện ban hành Đề án phát triển sự nghiệp giáo dục giai đoạn 2007 - 2010, định hướng đến năm 2015. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Phi Thạnh cho biết, đề án phát triển giáo dục của Phú Ninh đã có sự phân cấp và giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn. Đặc biệt, chú trọng đầu tư kinh phí xây dựng nhà lớp học, các phòng chức năng, hiệu bộ, cổng ngõ. UBND các xã huy động nguồn kinh phí địa phương để xây tường rào, đường nội bộ, trồng cây xanh. Việc mua sắm trang thiết bị dạy học được thực hiện theo cơ chế UBND huyện đầu tư 70% kinh phí, địa phương cơ sở 30%. “Với phương châm đó, tiến độ xây dựng hạng mục cơ sở ở các trường học đảm bảo kế hoạch đề ra. Mặt khác, chuẩn hóa trường học cũng là yêu cầu quan trọng trong xây dựng thành công huyện nông thôn mới. Bình quân hằng năm, Phú Ninh chi 35% nguồn chi thường xuyên của ngân sách huyện cho sự nghiệp giáo dục” - Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Phi Thạnh nói.

Với những định hướng chiến lược của các cấp ủy đảng, chính quyền toàn huyện và sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, sự nghiệp giáo dục ở Phú Ninh có chuyển biến rõ rệt cả về số lượng và chất lượng. Từ năm 2005 đến nay, từ các nguồn của trung ương, tỉnh và địa phương, Phú Ninh đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng 326 phòng học; 140 phòng làm việc và phòng chức năng; cải tạo tu sửa các phòng học, hàng mục phụ trợ đã xuống cấp; đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học (riêng khoản này hơn 5,2 tỷ đồng). Ngoài ra, địa phương cũng đã huy động các nguồn lực xã hội hóa với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng để đầu tư cho giáo dục. Cùng với đó, công tác xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đạt chuẩn được quan tâm, với các phong trào, cuộc vận động lớn như “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức - tự học và sáng tạo”... Đến nay, Phú Ninh có 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục đạt chuẩn, trong đó hơn 65% số cán bộ, giáo viên đạt trên chuẩn.

Trồng người

Cùng sự nỗ lực, vượt khó của ngành GD-ĐT, tiếp bước truyền thống vùng đất học, các làng, xã trên địa bàn huyện đã sát cánh với tộc họ, gia đình đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài để cháu con xứng đáng trước cha ông, trước các danh sĩ của quê hương như Phan Châu Trinh, Nguyễn Dục, Trần Văn Dư, Nguyễn Thích… Từ đó, ở Phú Ninh xuất hiện ngày càng nhiều những làng quê hiếu học, trong đó có thể kể đến làng văn hóa Thuận An (xã Tam An) được mệnh danh “làng đại học”. Năm học 2012 - 2013, UBND huyện bắt đầu đưa vào thực hiện Đề án trường THCS chất lượng cao giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến 2020. Với sự tiếp sức này, Phú Ninh hôm nay đã và đang nêu cao quyết tâm trở thành điểm sáng của ngành giáo dục Quảng Nam. Do đó, địa phương luôn quan tâm nâng cao chất lượng công tác giảng dạy và học tập, tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh. Đây cũng là tiền đề để số lượng học sinh tốt nghiệp THPT và đỗ vào các trường cao đẳng, đại học ngày càng tăng. Bình quân hằng năm, Phú Ninh có 99,3% số học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS, tỷ lệ vào lớp 10 công lập 81,5%; đối với bậc THPT, có 94,6% số học sinh lớp 12 tốt nghiệp, tỷ lệ đỗ đại học nguyện vọng 1 tăng từ 19% năm 2007 lên 23% năm 2014. Để ghi nhận những nỗ lực, phấn đấu của cán bộ, giáo viên, nghiên cứu sinh, học sinh - sinh viên là con em Phú Ninh đạt thành tích cao trong giảng dạy, nghiên cứu, học tập, hằng năm, UBND huyện đều tổ chức lễ trao Giải thưởng Phan Châu Trinh.

Ông Hồ Đắc Thiện cho biết, những năm qua, sự nghiệp giáo dục của huyện đạt nhiều kết quả nổi bật được các cấp ghi nhận. Đặc biệt, Phú Ninh hiện có 100% số trường mẫu giáo, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia và trở thành huyện đầu tiên của Quảng Nam đạt chuẩn quốc gia ở 3 bậc học. Thành quả đó là sự nỗ lực, vượt khó của ngành trong sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền cùng với tinh thần trách nhiệm của nhân dân. Thực hiện chủ trương của trung ương, Dự án trường học mới VNEN đã được triển khai tại 3 trường tiểu học; đến năm 2014 Phú Ninh đã hoàn thành công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giáo dục tiểu học và THCS mức độ 2. “Không dừng lại ở đó, Phú Ninh đang hoàn thiện đề án xây dựng Trường THCS chất lượng cao Nguyễn Hiền nhằm thực hiện tốt hơn mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng” - ông Thiện chia sẻ.

XUÂN NGHĨA

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điểm sáng giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO