Những năm gần đây, huyện Thăng Bình được biết đến như là điểm sáng trong phong trào xuất khẩu lao động (XKLĐ), và chủ yếu là thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.
Thoát nghèo nhờ XKLĐ
Ở xã Bình Trị từ năm 2010 đến nay có 10 người đi XKLĐ sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Đặc biệt, thôn Vinh Đông có đến 7 người đi XKLĐ, đã cải thiện mức sống của gia đình khá nhiều. Ông Lê Khắc Nga (thôn Vinh Đông) phấn khởi: “Ban đầu nghe nói đi XKLĐ có nhiều kênh môi giới quá, bị lừa khắp nơi nên người dân trong thôn có tâm lý e dè. Từ khi có trung tâm của nhà nước giới thiệu, lại có huyện cam kết đảm bảo điều kiện cho người dân đi bằng cách tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn vay, người dân yên tâm và một hai người đi thử. Đến giờ thì ai cũng muốn cho con em đi XKLĐ, bởi những người đã đi là tấm gương cho người ở nhà yên tâm học theo”. Theo ông Nga, ngày trước thôn Vinh Đông không khấm khá như bây giờ, làm nông nghiệp không thể tạo được thu nhập cao nên thanh niên trong thôn mới quyết tâm làm giàu bằng con đường XKLĐ. Nhà có người đi XKLĐ kinh tế trở nên khấm khá, có nguồn thu nhập làm nhà, mua xe. Những hộ có con em đi XKLĐ đều thoát nghèo và trở thành hộ có kinh tế phát triển. Ông Nga cũng cho con đi XKLĐ đầu tiên, thấy hiệu quả, người con thứ hai của ông cũng đi sang Hàn Quốc làm việc. Hiện 2 con trai ông Nga đang làm việc tại Hàn Quốc với mức lương hơn 25 triệu đồng/tháng, nếu làm tăng ca thì thu nhập cao hơn.
Kinh tế gia đình ông Lê Khắc Nga trở nên khá giả hơn khi có 2 con đi lao động ở Hàn Quốc. Ảnh: L.N |
Đang làm cơ khí trong một công ty tại tỉnh Gyeongsangnam-do (Hàn Quốc), anh Thái Quốc Phụng (thôn Vinh Đông) thông tin: “Tôi sang Hàn Quốc từ năm 2011, ban đầu cũng hơi sợ vì thấy tính kỷ luật nghiêm khắc quá. Nhưng khi qua đó, điều kiện làm việc rất tốt, thu nhập cũng cao nên tôi thấy hài lòng. Nếu biết tiết kiệm thì đến hết thời hạn về nước, người lao động sẽ có ít vốn đầu tư phát triển kinh tế. Cái quan trọng là tôi học hỏi được rất nhiều từ phong cách làm việc chuyên nghiệp, có tính công nghiệp, kỷ luật cao”. XKLĐ đã và đang là con đường thoát nghèo, vươn lên làm giàu đối với nhiều thanh niên ở vùng nông thôn như thôn Vinh Đông và giúp nâng cao đời sống cho những gia đình có người tham gia XKLĐ.
Thành quả của sự đồng thuận
Ông Lại Tấn Hiến - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trị, cho hay: “Thị trường XKLĐ chính hiện nay mà Bình Trị hướng đến là Hàn Quốc và Nhật Bản, XKLĐ đang chứng tỏ là kênh thoát nghèo hiệu quả, giúp nhiều người dân trở nên khá giả hơn. UBND xã Bình Trị luôn hỗ trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các lao động có điều kiện đi làm việc tại nước ngoài như hỗ trợ pháp lý, vay vốn... Trong thời gian tới, UBND xã sẽ chú trọng hơn nữa công tác XKLĐ để giúp người dân thoát nghèo. Đồng thời, rất cần sự quan tâm của các cấp trong việc hỗ trợ thông tin về thị trường lao động nước ngoài để lao động địa phương có thể nắm bắt cơ hội”.
Ngoài Bình Trị là xã mới tiếp cận và thực hiện khá hiệu quả phong trào XKLĐ, các xã Bình Minh, Bình Định Bắc, Bình Phú, Bình Chánh trở thành những xã đi đầu của huyện Thăng Bình trong phong trào này. Từ năm 2006 đến nay, toàn huyện Thăng Bình có 357 người ở 20/22 xã, thị trấn XKLĐ sang Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến hết tháng 6.2014, Thăng Bình có 70 người đi XKLĐ, chiếm 50% số người đi XKLĐ toàn tỉnh. Ông Nguyễn Tấn Bình - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thăng Bình, cho biết: “Công tác XKLĐ được toàn hệ thống chính trị từ huyện đến các xã chú trọng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, Hàn Quốc và Nhật Bản là hai thị trường được huyện định hướng cho lao động. Bởi đây là thị trường có chất lượng cao, thu nhập tốt, đào tạo con người có tay nghề cũng như tính kỷ luật cao. Sau khi về nước, lao động có được nguồn vốn tích lũy để đầu tư các cơ sở sản xuất kinh doanh phù hợp”.
D.LỆ - H.NHÂN