Bác sĩ được đào tạo tại chỗ là một hướng đi khá hiệu quả của huyện Đông Giang, giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến xã.
So với một huyện miền núi, xã Ba (Đông Giang) có điều kiện tốt hơn về mọi mặt. Dù vậy, người dân còn nghèo, nên họ rất sợ đến bệnh viện, sợ tốn tiền. Vẫn còn nhiều trường hợp phụ nữ sinh con không đến trạm y tế, nên đẻ “rớt” khi chưa kịp đến nơi, khiến cán bộ y tế phải tới nhà bệnh nhân để cấp cứu. Đứng chân ở tuyến xã, các trạm y tế là nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu của người dân, và thường phải nhanh nhạy trong những tình huống cần kíp nhất.
Bác sĩ của Trạm y tế xã Ba khám bệnh cho người dân.Ảnh: T.DŨNG |
Bà Kiều Thị Thu Sang - Phó Trạm trưởng Trạm y tế xã Ba, không thể nào quên những ca đỡ đẻ hay cấp cứu tại trạm mà bà trực tiếp thực hiện. Đó là những ca đẻ ngược, ngôi mông, song sinh. Những ca này không thể đẻ ở trạm, nhưng người dân chủ quan, không siêu âm thường xuyên nên không phát hiện, đến khi đẻ lại không đến trạm, nhưng do đẻ khó nên mới tới. Lúc bệnh nhân tới, đều là sắp sinh, không thể chuyển kịp lên bệnh viện huyện nên bà Sang cùng với các y sĩ phải đỡ đẻ. Kinh nghiệm bao nhiêu năm đã giúp bà Sang đỡ đẻ thành công những ca khó như thế. Hay những ca cấp cứu tai nạn đứt lìa cánh tay, bị chém đứt hông, chấn thương kín, hoặc có trường hợp một lúc vào trạm cấp cứu đến 6 ca ong đốt, huyết áp bệnh nhân khi đến trạm đã bằng 0... đều được tập thể y bác sĩ của trạm sơ cấp cứu ban đầu thành công trước khi chuyển viện để điều trị.
Với cơ sở hiện tại, Trạm y tế xã Ba là trạm có điều kiện nhất của huyện Đông Giang, vì trạm đã có 1 bác sĩ từ năm 2012, có 3 y sĩ của trạm đang học chuyên tu lên bác sĩ. Theo chuẩn thì trạm y tế tuyến xã phải có máy điện tim, siêu âm mới đạt nhưng những máy móc đó chưa có được, chỉ có dụng cụ sơ cấp cứu ban đầu. Trường hợp nào khó, y bác sĩ của trạm thực hiện sơ cấp cứu ban đầu, rồi chuyển ngay lên bệnh viện tuyến trên. Điều này lại gây ra một hệ lụy là người dân thường phàn nàn tại sao trạm có bác sĩ mà là chuyển viện lên tuyến trên. Bác sĩ Huỳnh Thị Đan Hạ, tâm sự: “Bác sĩ công tác ở trạm y tế xã có nhiều thiệt thòi, vì không có máy móc nên không phát huy được trình độ chuyên môn. Ở trạm chủ yếu là khám chữa bệnh ban đầu, có những bệnh trình độ bác sĩ có thể khám chữa được, nhưng vì không có trang thiết bị nên phải chuyển viện. Tôi chỉ mong muốn có được máy siêu âm, thiết bị làm công thức máu thì sẽ phục vụ người dân tốt hơn. Do điều kiện người dân miền núi khó khăn nên họ không thích đi xa, chữa được ở gần nhà thì tốt hơn cho người dân”. Như trường hợp của chị PơLong Thị Nhươm (thôn Tà Lâu, xã Ba), bị nhân xơ tử cung, rối loạn nhịp tim. Chị có bệnh nhưng không biết, có đến 4 người con rồi, được bác sĩ khuyên nên đi cấy tránh thai, lúc đó mới phát hiện bệnh. Muốn cấy tránh thai, chị phải điều trị dứt bệnh nhân xơ tử cung. Chị được Trạm y tế xã Ba giới thiệu lên tuyến huyện, huyện cho giấy để chị Nhươm đi điều trị ở tuyến cao hơn nhưng chị không thể đi xa, chỉ vì không có tiền nên không đi được, đợi chồng làm có tiền mới dám đi chữa bệnh.
D.LỆ - ÁI PHƯƠNG