Điểm sáng y tế vùng cao

ĐOÀN ĐẠO 13/09/2013 08:19

Thiếu nhân lực và nghèo cơ sở vật chất nhưng đội ngũ cán bộ, y - bác sĩ Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Tây Giang đã có những cách làm hay để nâng cao khả năng chăm sóc, khám chữa bệnh cho nhân dân ở một địa phương mà đồng bào Cơ Tu chiếm đến 90% dân số.

Bệnh nhân Alăng Tói qua cơn nguy kịch nhờ những giọt máu được hiến bởi nhân viên Trung tâm Y tế huyện Tây Giang.Ảnh: ĐOÀN ĐẠO
Bệnh nhân Alăng Tói qua cơn nguy kịch nhờ những giọt máu được hiến bởi nhân viên Trung tâm Y tế huyện Tây Giang.Ảnh: ĐOÀN ĐẠO

Ngân hàng máu sống

Chúng tôi đến TTYT huyện Tây Giang đúng lúc đang có ca cần phẫu thuật gấp, bác sĩ Alăng Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm chỉ vội bắt tay chào rồi nhanh chóng vào phòng mổ. Khoảng 10 phút sau, 2 nhân viên của trung tâm gấp gáp đến Khoa Xét nghiệm, thực hiện các bước kiểm tra và hiến 2 đơn vị máu. Hỏi ra, chúng tôi mới biết rằng, họ cho máu bệnh nhân đang nằm trong phòng mổ. Bệnh nhân nhận máu là Alăng Tói (16 tuổi, thôn Arầng 1, xã A Xan) nhập viện trong tình trạng gãy 2 chân, mất máu nhiều, nếu không được truyền máu sẽ khó lòng qua khỏi. Các nhân viên hiến máu là Nguyễn Thị Thùy Trang và Y Đêl Sơn, cũng chính là 2 tình nguyện viên của ngân hàng máu sống thuộc TTYT huyện. Sau ca mổ, bác sĩ Alăng Sơn mỉm cười nói: “Bệnh nhân Tói đã qua cơn nguy kịch và đang được chăm sóc ở phòng hồi sức. Thành công này thuộc về các tình nguyện viên của ngân hàng máu sống, nếu không có họ chắc khó lòng cứu sống được bệnh nhân Tói”.

Bác sĩ Sơn chia sẻ rằng, ngân hàng máu sống có thể chẳng xa lạ gì ở những bệnh viện lớn vùng đồng bằng, nhưng ở huyện biên giới như Tây Giang thì điều này là một nỗ lực của TTYT. Mô hình ngân hàng máu sống hiện nay đã có gần 60 tình nguyện viên là các cán bộ, y - bác sĩ và nhân viên trung tâm tham gia. “Nguồn máu dự trữ ít và không có đủ cơ sở vật chất để thực hiện lưu trữ máu lâu dài như các bệnh viện lớn ở vùng xuôi nên chúng tôi gặp nhiều trường hợp khó trong cấp cứu, sản khoa. Để giải quyết thực trạng đó, Ban giám đốc họp và quyết định thành lập ngân hàng máu sống và vận động anh em y - bác sĩ, cán bộ, nhân viên trung tâm tham gia. Thông qua các đợt hiến máu tình nguyện, chúng tôi thu thập và lưu trữ dữ liệu máu của từng người, khi cần họ sẵn sàng hiến máu ngay” - bác sĩ Sơn cho hay. Như trường hợp của bệnh nhân Tói, trung tâm chỉ cần kiểm tra dữ liệu tình nguyện viên rồi điều động các nhân viên có cùng nhóm máu thực hiện kiểm tra và hiến máu ngay. Cảm động trước sự giúp đỡ của các tình nguyện viên, ông Alăng Zenh - bố bệnh nhân Alăng Tói nói: “Con tôi được sống là nhờ máu của các cán bộ ở trung tâm, tôi cảm ơn lắm!”. Cũng theo bác sĩ Sơn, các tình nguyện viên của ngân hàng máu sống luôn trong tình trạng sẵn sàng hiến máu cứu người, hành động của họ không gì hơn ngoài mục đích san sẻ những khó khăn cho trung tâm, cùng chung tay phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tốt hơn.

Cùng học tiếng Cơ Tu

Tại TTYT huyện Tây Giang, ở các khoa, chúng tôi bắt gặp nhiều hình ảnh các y - bác sĩ người Kinh trao đổi với bệnh nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số khá thoải mái bằng tiếng Cơ Tu. Bác sĩ Alăng Sơn, cho biết: “Trước đây, sự bất đồng về ngôn ngữ đã gây không ít khó khăn trong công tác khám chữa bệnh và tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho đồng bào. Trong khi đó, cán bộ, y - bác sĩ người Kinh muốn học tiếng Cơ Tu cũng chỉ thông qua việc trao đổi hằng ngày với các đồng nghiệp người Cơ Tu nên hạn chế nhiều. Tháng 4.2013, Ban giám đốc quyết định mở lớp dạy tiếng Cơ Tu cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, y - bác sĩ người Kinh”. Cũng theo ông Sơn, giảng viên nòng cốt của lớp học là bác sĩ Jơ Râm Ngọ - Phó Giám đốc TTYT huyện và bác sĩ Pơlong Lới - Trưởng khoa Y tế dự phòng, tài liệu là cuốn “Sách học tiếng Cơ Tu” do Bí thư Huyện ủy Tây Giang - Briu Liếc biên soạn. Hiện nay, 54 cán bộ, y - bác sĩ người Kinh của TTYT huyện vẫn đều đặn đến lớp vào chiều thứ Ba và thứ Năm hằng tuần, sau khi hoàn thành phần việc trong ngày. Mỗi tiết học, họ được hướng dẫn theo từng chủ đề, bám sát các từ ngữ thông dụng về các bệnh, từ chuyên môn y học. Đồng thời, các giảng viên tổ chức dạy phát âm, ghép câu ngay tại lớp học giúp các học viên nhanh chóng tiếp thu.

Nữ hộ sinh Huỳnh Thị Mỹ Hạnh (quê Đại Lộc) nói: “Trước đây, muốn trao đổi với bệnh nhân mình phải nhờ các đồng nghiệp là người địa phương phiên dịch lại. Điều này khiến nhiều lúc gặp khó khi các đồng nghiệp bận việc, đó là chưa nói đến chuyện rất tốn thời gian trong mỗi lần thăm bệnh, ghi nhật ký bệnh án phải chạy đi tìm người phiên dịch. Nhưng giờ thì mình cũng đã khá thông thạo tiếng Cơ Tu nên làm việc hiệu quả hơn”. Không chỉ riêng chị Hạnh, nhiều y - bác sĩ người Kinh lên đây công tác giờ đã có thể trao đổi với đồng bào dân tộc Cơ Tu khi khám chữa bệnh bằng ngôn ngữ của đồng bào. Bác sĩ Zơrâm Ngọ chia sẻ: “Lớp học vẫn duy trì đến nay và hầu hết các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên kỹ thuật là người Kinh đều nỗ lực học tiếng Cơ Tu. Người nào bận việc vắng một buổi học thì ngay tối hôm đó tranh thủ mượn vở của đồng nghiệp chép và nhờ dạy lại cách phát âm. Nhờ vậy, phần lớn các bác sĩ, nhân viên kỹ thuật… người Kinh ở trung tâm đã có thể tự trao đổi khi thăm khám bệnh cho đồng bào Cơ Tu. Đặc biệt là nâng cao hiệu quả trong tư vấn, tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho đồng bào”.

ĐOÀN ĐẠO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điểm sáng y tế vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO