Năm 2015, trước sự cấp bách và nỗ lực để cứu lấy trái đất, 195 thành viên Liên hiệp quốc đã thông qua thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu nhằm ngăn chặn nhiệt độ trái đất đang dần nóng lên. Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về khí hậu tại Paris (Pháp), sau 12 ngày đàm phán, nhiều năm chờ đợi đã khép lại hồi trung tuần tháng 12 đón nhận sự hoan nghênh từ nghị trường lan rộng ra khắp thế giới. Khi thế giới chung tay bảo vệ môi trường sống, tương lai của hành tinh hay cuộc sống của chúng ta, thế hệ con cháu sau này được kỳ vọng sẽ nhận được những điều tốt đẹp hơn.
Dòng người tị nạn- một câu chuyện tốn nhiều giấy mực trong làng báo thế giới 2015 (ảnh: aljazeera) |
Trước đó, hội nghị Liên hiệp quốc thông qua Chương trình nghị sự 2030 và phát triển bền vững với 17 mục tiêu bao gồm 169 chỉ tiêu cụ thể. Qua đó vừa giúp thế giới tiếp tục công việc, mục tiêu còn dang dở từ Mục tiêu thiên niên kỷ được phát động từ 15 năm trước, vừa nỗ lực với những mục tiêu mới với tham vọng chấm dứt đói nghèo, mang lại cuộc sống ấm no và hòa bình cho nhân loại. Đây được xem như mở ra “một kỷ nguyên mới” cho quá trình phát triển bao trùm, bình đẳng và bền vững mà “không một ai bị bỏ lại phía sau”.
Bên cạnh đó, thế giới rất hoan nghênh các cuộc đàm phán nhằm tiến tới thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ và các bên đối lập, chấm dứt bạo lực, xung đột, ngăn chặn đau thương, mất mát mà những người dân thường luôn phải gánh chịu. Ngày 15.12, đại diện Chính phủ Colombia và nhóm lực lượng vũ trang nổi dậy FARC ký kết thỏa thuận về việc thành lập các tòa án đặc biệt có nhiệm vụ xét xử các hành động gây tổn hại tới nạn nhân trong cuộc xung đột vũ trang nội bộ kéo dài hơn 50 năm qua. Thỏa thuận được xem như bước tiến quan trọng để tiến tới một nền hòa bình lâu dài cho Colombia. Vì nền hòa bình mà giải Nobel Hòa bình năm 2015 được trao cho Bộ tứ đối thoại quốc gia Tunisia, vì những nỗ lực của nhóm này trong việc kiến tạo hòa bình và dân chủ tại quốc gia bắc Phi.
Dẫu vậy, 2015 là năm chứng kiến dòng người tị nạn kỷ lục tìm kiếm hòa bình và ấm no, đổ vào châu Âu, nhiều cảnh thương tâm như chết chóc của những em bé người tị nạn khiến cộng đồng quốc tế bàng hoàng, làm nổi sóng tranh cãi, bất đồng giữa các nước, rằng “đóng hay mở cửa biên giới”. Theo CNN và Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn, số người di cư bằng đường biển vào châu Âu năm 2015 đạt con số một triệu người, tức cao gấp đôi so với năm 2014. Thêm nữa, thế giới cần đến 20 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu nhân đạo trong năm 2016, số tiền này gấp đôi so một thập kỷ trước. Để giải quyết căn nguyên về dòng người tị nạn, việc chấm dứt xung đột tại các nước khởi nguồn dòng người tị nạn như Syria, Iraq là vấn đề không dễ. Theo Reuters, nếu như năm 2015 được gọi là “ác mộng” với châu Âu thì năm 2016, châu lục này còn giải quyết những cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn.
Đến những đợt tấn công khủng bố giữa lòng châu Âu của các tay súng có mối liên hệ với Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) làm nhiều người chết, thế giới lên án. Chủ nghĩa khủng bố từ phong trào nổi dậy IS hay Boko Haram vẫn đặt ra nhiều nguy cơ và thách thức cho toàn cầu.
QUỐC HƯNG