(QNO) - Người đời thường nói "sa ngã có năm bảy đường nhưng hoàn lương chỉ duy một lối". Điều đáng trân trọng là họ biết nhận ra lỗi lầm và sửa chữa để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Với những thanh niên từng vi phạm pháp luật, cái giá mà họ phải trả là bài học đau đớn về “thiện” và “ác”.
Trong cái tất bật, rộn ràng của những ngày cuối năm, chúng tôi về thăm một cơ sở mộc “đặc biệt” tại thôn Châu Thủy, xã Điện Thọ, Điện Bàn (Quảng Nam). Gọi là “đặc biệt” bởi nếu không phải người địa phương giới thiệu, có lẽ ít ai tin rằng, cơ sở mộc lớn nhất nhì trong vùng, tạo việc làm cho hàng chục người lao động này lại chính là “cơ ngơi” của một người đàn ông từng “dính chàm”. Đó là câu chuyện của anh Lê Công Hoa, chủ cơ sở mộc “đặc biệt” này.
Hướng thiện
Lê Công Hoa nhớ lại những ngày buồn phía sau song sắt của gần 20 năm về trước. Do mâu thuẫn cá nhân dẫn đến ẩu đả, anh đã gây thương tích cho một người hàng xóm và bị tuyên phạt 36 tháng tù giam. Ngày anh thi hành án phạt tù, cũng là ngày con anh thôi nôi tròn 1 tuổi.
Nỗi nhớ gia đình quay quắt cùng niềm khao khát được tự do, được trở lại làm người lương thiện khiến anh Hoa càng thêm hối tiếc, thấm thía hậu quả từ những hành vi bồng bột mình đã gây ra. Chính những khắc khoải, nhớ nhung trong những ngày Tết Quý Mùi năm đó là động lực cho anh phấn đấu, lao động để sớm được hòa nhập cộng đồng, được trở về bên gia đình, người thân, được đón những ngày xuân thật ý nghĩa.
Trong quá trình chấp hành án, anh phấn đấu học tập, rèn luyện, lao động và ý thức thực hiện tốt nội quy, quy chế của trại giam. Do có kinh nghiệm trong nghề mộc nên anh vừa lao động, vừa hướng dẫn và dạy nghề cho nhiều phạm nhân khác trong trại.
Thời gian chầm chậm trôi, trong những day dứt lầm lỗi, trong cả nỗi nhớ tiếc khoảng trời tự do và niềm thương gia đình đang còn ở quê nhà, không ít lần anh định buông xuôi, nhưng những day dứt lại trở thành động lực cho anh Hoa quyết tâm đứng dậy làm lại cuộc đời. Anh đã tự tranh đấu qua những đêm dài suy nghĩ về tương lai, về tuổi trẻ mà mình đã hoang phí đốt cháy ngoài kia. Quyết tâm cải tạo thật tốt, tất cả cho ngày mai, cho gia đình, cho vợ, con...
Làm lại cuộc đời
Do lao động tốt nên anh Hoa được xét giảm án 3 tháng. Sau khi trở về địa phương, thời gian đầu anh không tránh khỏi sự mặc cảm đối với mọi người xung quanh, bị bạn bè xa lánh, người thân chê trách. Đây là khoảng thời gian vô cùng khó khăn đối với anh, nhưng nhờ sự động viên của gia đình, sự chia sẻ của người vợ và đặc biệt là sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, anh gạt đi những lời thị phi, quyết tâm phấn đấu làm ăn, lấy lại niềm tin với hàng xóm, bạn bè, gia đình và xã hội.
Với sự giúp đỡ nhiệt tình của Công an xã Điện Thọ, anh được tạo điều kiện làm lại các thủ tục như cấp đổi giấy chứng minh nhân dân, nhập hộ khẩu, hướng dẫn các thủ tục về pháp lý, tư vấn, bảo lãnh cho anh và anh đã đi vay vốn tại các ngân hàng. Nhờ đó anh mở một cơ sở mộc nhỏ tại nhà làm lại nghề của mình để cải thiện đời sống và nuôi vợ con.
Thời gian đầu anh chỉ nhận làm những mặt hàng đơn giản như: bàn, ghế, giường, tủ… của bà con trong thôn, xã, dần dần những sản phẩm của anh được bà con tin tưởng, uy tín được nâng lên, nhiều người biết đến nên từ đó cơ sở của anh ngày càng có nhiều đơn đặt hàng hơn. Lúc này anh lại gặp khó khăn về vốn để mua nguyên liệu và đầu tư thêm thiết bị.
Năm 2007 được sự động viên, giúp đỡ của gia đình, anh Hoa quyết định tiếp tục vay thêm vốn tại ngân hàng để mua sắm thêm thiết bị, máy móc hiện đại và mở rộng cơ sở sản xuất của mình. Đến nay cơ sở mộc của anh đã phát triển rất mạnh, sản phẩm của cơ sở đã được các xã, các huyện trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh biết đến. Anh đã nhận đào tạo nghề cho nhiều anh em trong địa bàn muốn học nghề mộc; có nhiều người cùng cảnh ngộ từng lầm lỗi như anh đến học nghề đến nay đã thành thạo và tự mở cơ sở sản xuất riêng.
Riêng cơ sở sản xuất của anh đã tạo điều kiện lao động thường xuyên cho hơn 10 lao động, thu nhập của anh em thợ khoảng 10 – 12 triệu đồng/tháng, nhiều người sau khi học nghề đã tự tạo cơ sở mộc riêng cho mình như anh Hồ Thanh Hải, anh Lê Công Hòa trú cùng thôn Châu Thủy... Ngoài ra anh thuê 5 sào đất trồng cỏ, rồi làm chuồng chăn nuôi bò sinh sản, đến nay đàn bò của anh gần 10 con. Mỗi năm gia đình anh có thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng.
Anh Hồ Thanh Hải, một trong những người được anh Hoa đào tạo nghề mộc tâm sự: “Không có anh Hoa, chắc tôi không có được cuộc sống no đủ như ngày hôm nay, anh đã giúp đỡ những người hoàn lương như chúng tôi có cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Viết tiếp ước mơ dang dở
Với quy mô sản xuất hàng mộc cũng như nhu cầu nuôi bò sinh sản để phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều người khác, hiện nay nguồn vốn của gia đình còn quá khiêm tốn, chưa xứng tầm với quy mô sản xuất hiện tại. Anh Hoa mong muốn địa phương tạo điều kiện cho anh được vay thêm để có điều kiện mở rộng cơ sở sản xuất mộc và chăn nuôi bò trong thời gian tới, tạo việc làm cho các bạn trẻ có quá khứ lỗi lầm được có công việc làm để nuôi sống bản thân và gia đình.
“Khi bước ra khỏi cửa trại giam, bất cứ ai cũng muốn trở thành người lương thiện nhưng nếu không nghề nghiệp, không việc làm thì rất dễ sa ngã lần nữa nên tôi sẵn sàng làm bạn và nhận những người hoàn lương dạy nghề để họ làm lại cuộc đời sau những vấp ngã, sai lầm"- anh Hoa chia sẻ. Hạnh phúc đã thực sự mỉm cười với anh, là cái kết có hậu với người đàn ông quyết tâm tìm về nẻo thiện, tìm lại chính mình và trở thành điểm tựa cho những ai trót phạm lỗi lầm.
Anh Hoa tâm sự: “Nỗ lực vươn lên là cách mà tôi chọn để cảm ơn gia đình và vợ con đã không bỏ rơi một người từng tù tội như tôi. Tôi muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa để chuộc lại lỗi lầm cũng như tạ ơn với cuộc đời này.”
Một mùa xuân mới lại về. Tin rằng, câu chuyện ấm áp, nhân văn, truyền đầy cảm hứng của anh Hoa sẽ là nguồn động lực để những người từng có quá khứ lầm lỗi sớm trở về, hòa nhập với cộng đồng, tự tin vững bước trên con đường hướng thiện. Thiện lương sẽ luôn có một nẻo về, cho những người như anh Lê Công Hoa, cho những ai biết đứng dậy từ nơi mình vấp ngã.