Kiện toàn bộ máy sau ngày thành lập, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp (KTNN) Điện Bàn đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp địa phương phát triển.
Mô hình trồng rau xà lách tím của gia đình ông Bùi Thanh Cưỡng (phường Điện Ngọc) . Ảnh: C.TÚ |
Nỗ lực kiện toàn
“Năm 2018, Trung tâm KTNN thị xã Điện Bàn được thành lập. Đơn vị hình thành trên cơ sở sáp nhập Trạm Khuyến nông khuyến lâm thị xã Điện Bàn, Trạm Chăn nuôi thú y (Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh) và Trạm Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh) đứng chân trên địa bàn thị xã” - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm KTNN Điện Bàn, ông Nguyễn Chánh Thiện cho biết. Theo từng lĩnh vực phụ trách, trước khi sáp nhập, Trạm Khuyến nông khuyến lâm đảm đương nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, những mô hình mới đến bà con nông dân nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Trạm Chăn nuôi thú y phối hợp với Phòng Kinh tế Điện Bàn kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ.... Trạm Bảo vệ thực vật thực hiện công tác phối hợp cùng Phòng Kinh tế thị xã điều tra, dự tính dự báo, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng. Kể từ ngày thành lập, Trung tâm KTNN Điện Bàn đã kiện toàn tổ chức, thực hiện nhiệm vụ của mình trên lĩnh vực chuyên môn phục vụ ngành nông nghiệp địa phương.
Nhằm ổn định hoạt động của đơn vị, nhiều đề xuất kiến nghị đã được UBND thị xã Điện Bàn giải quyết kịp thời. Công việc được phân công phân nhiệm cụ thể, rõ ràng, trong chuyên môn có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để mang lại hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo trung tâm, vẫn còn một số mặt hạn chế mang tính nhất thời. Đó là cơ cấu tổ chức của đơn vị mới thành lập chưa ổn thỏa, tạo lực cản nhất định về khâu phân công nhiệm vụ theo đề án. Trước đây, Trạm Chăn nuôi thú y và Trạm Bảo vệ thực vật vận hành theo cơ chế quản lý nhà nước, nhưng nay làm theo cơ chế đơn vị sự nghiệp nên xử lý công việc gặp những khó khăn nhất định. Cạnh đó, quy chế phối hợp giữa cơ quan chuyên môn liên quan ở tỉnh và thị xã chưa có đã ảnh hưởng không nhỏ đến tác nghiệp chuyên ngành. Chưa có sự rạch ròi, do vậy có những nhiệm vụ không thuộc thẩm quyền, trung tâm vẫn phải thực hiện. “Việc sớm ban hành quy chế phối hợp như vừa đề cập, đồng thời có văn bản pháp lý cho rõ ràng là điều rất cần thiết đối với hoạt động của trung tâm vào lúc này” - một cán bộ Trung tâm KTNN Điện Bàn chia sẻ.
“Điểm tựa” cho nông nghiệp
Được biết, Trung tâm KTNN Điện Bàn có trách nhiệm tham mưu, xây dựng, thực hiện các chương trình nông nghiệp trên địa bàn thị xã, xây dựng các mô hình có hiệu quả giá trị gia tăng cao. Để hiện thực hóa, đơn vị đang đẩy mạnh khâu tập huấn chuyển giao kỹ thuật đến nông dân, thực hiện cơ giới hóa sản xuất nói chung, đặc biệt đối với cây màu. Theo ông Nguyễn Chánh Thiện, trung tâm sẽ là “đầu mối” liên hệ và phối hợp với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Với chức năng “3 trong 1”, những mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa, quả; dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng lớn, cánh đồng chuyên canh kết hợp với ứng dụng cơ giới hóa sẽ được nhân rộng. Định vị 3 vùng sản xuất chuyên canh tập trung, trung tâm phối hợp hướng dẫn hình thành vùng chuyên canh sản xuất cây màu tại khu vực Gò Nổi; vùng phía tây phát triển lúa hàng hóa, lúa chất lượng cao và lấy thương hiệu gạo Phong Thử; vùng đông phát triển nông nghiệp đô thị bằng trồng rau sạch và hoa, cây kiểng. Ông Trương Văn Thông - Phó Giám đốc Trung tâm KTNN Điện Bàn cho biết thêm, đơn vị tiếp tục hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi bò tại 3 xã Gò Nổi và các xã Điện Hồng, Điện Thọ dọc sông Thu Bồn; nuôi gà, heo tập trung ở xã Điện Tiến và các phường Điện Dương, Điện Ngọc. Ngoài ra, việc giám sát tình hình dịch bệnh, triển khai công tác tiêm phòng, kể cả tiêm phòng dại chó, kiểm soát giết mổ sẽ liên tục tiến hành.
Hộ ông Lê Tấn Hiệp ở khối phố Quảng Lăng 4, phường Điện Nam Trung được thị xã hỗ trợ kinh phí mua măng tây về trồng (mỗi cây giống 6.000 đồng, thị xã hỗ trợ 4.000 đồng), cùng với sự hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc của nguyên bộ phận chuyên môn thuộc Trung tâm KTNN Điện Bàn. Giai đoạn đầu, gia đình ông tận dụng khoảng đất trống chung quanh gốc để thâm canh cây khác. Sau 6 tháng, 4 sào măng tây của gia đình ông bắt đầu cho thu hoạch. Cán bộ Trung tâm KTNN Điện Bàn - ông Phan Văn Lực kể, đơn vị thường xuyên cử người đến kiểm tra, động viên gia đình. Canh tác hiệu quả, 1 sào măng tây cho thu hoạch hơn 50 triệu đồng/năm. “Cắm dùi” trong khu vườn tại khối phố Ngân Câu (phường Điện Ngọc), hộ ông Bùi Thanh Cưỡng đầu tư 150 triệu đồng làm nhà lưới (thị xã hỗ trợ 90 triệu đồng) trên diện tích 500m2; đồng thời bỏ ra 160 triệu đồng lắp đặt hệ thống trồng rau xà lách tím theo phương pháp thủy canh. Dưới nhà lưới, canh tác rau thơm, cải ngọt, ớt… Không bị ảnh hưởng bởi nắng mưa, chính vì vậy cây phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh; hệ thống tưới phun giúp giữ độ ẩm ổn định nên thời gian sinh trưởng ngắn hơn đại trà và bước đầu thu hoạch cho thấy tín hiệu vui. “Trên cơ sở ấy, chúng tôi đang ấp ủ hình thành mô hình trồng rau thủy canh; trồng rau, củ, quả trên giá thể; trồng rau quả hữu cơ và các đối tượng cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn” - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, ông Phan Minh Dũng chia sẻ.
CÔNG TÚ