Điểm tựa của một người hoàn lương

THẾ PHƯƠNG 20/10/2014 13:29

Chấp hành xong án phạt 3 năm tù, khi trở về tái hòa nhập cộng đồng, với anh Lê Công Hoa (36 tuổi, ở thôn Châu Thủy, xã Điện Thọ, Điện Bàn) mọi thứ dường như phải làm lại từ đầu. Với sự giúp đỡ của cộng đồng, chính quyền địa phương và gia đình, anh Hoa đã đứng vững trên con đường xây dựng cuộc sống mới.

Anh Lê Công Hoa bên xưởng mộc của mình.  Ảnh: NHƯ Ý
Anh Lê Công Hoa bên xưởng mộc của mình. Ảnh: NHƯ Ý

Đến thôn Châu Thủy, xã Điện Thọ, hỏi nhà anh Hoa thợ mộc gần như ai cũng biết. Họ biết anh không phải vì những gì từ quá khứ, mà từ những gì tạo dựng được hôm nay của một người đàn ông giàu nghị lực. “Năm 2006, khi mãn hạn tù trở về, tôi rất mặc cảm, dường như không có chút tự tin khi nhìn vào mọi người. Tôi luôn tự hỏi, phải làm sao đây để nuôi vợ con, trong khi gia sản vợ chồng tích cóp đã không còn gì. Thế nhưng những tình cảm chân tình của bà con chòm xóm, bạn bè, gia đình thường xuyên động viên giúp tôi vượt qua e ngại. Và chính quyền địa phương đã cho tôi vay 10 triệu đồng để tạo dựng cuộc sống mới” - anh Hoa chia sẻ.

Cầm số vốn trên tay anh Hoa quyết định sắm lại đồ nghề mộc. Bởi trước khi chấp hành án trong trại giam, anh sống bằng nghề này. Ba năm trong trại giam, luôn chấp hành tốt nội quy, quy định của trại nên anh được cán bộ tạo điều kiện để có cơ hội trau dồi nghề nghiệp. “Thật sự ban đầu rất khó khăn. Ai cũng dè dặt khi tôi đặt vấn đề hợp tác làm ăn. Tuy nhiên, qua thời gian, bản thân tôi đã chứng minh được uy tín và bản lĩnh nghề nghiệp nên hợp đồng ngày càng nhiều” - anh Hoa chia sẻ.  Không những thế, trong lúc nhiều việc, có nhiều bạn tù ra trại nghe tin anh Hoa tạo dựng được công ăn việc làm tương đối thuận lợi nên đã tìm tới xin việc. “Là người trong cuộc, tôi thấu hiểu hoàn cảnh anh em, đúng lúc xưởng cũng đang thiếu người nên tôi nhận một số anh em vào làm. Tuy thu nhập không cao nhưng cũng đủ để mọi người sống ổn định qua ngày. Tại đây tôi cũng có dịp chia sẻ với họ những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu khi tái hòa nhập cộng đồng. Dần dần, anh em cũng vượt qua khó khăn và tìm được nghề phù hợp hơn với khả năng của mình” - anh Hoa cho biết thêm.

“Thời gian qua, địa phương cũng như các đoàn thể thường xuyên có nhiều biện pháp quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần để anh Hoa vượt qua trở ngại. Nhìn thành quả của vợ chồng anh Hoa tạo dựng được hôm nay, chính quyền và bà con lối xóm rất mừng. Anh còn được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ đoàn kết” - ông Mai Phước Thanh, Trưởng Công an xã Điện Thọ cho biết. “Sau khi mãn hạn tù trở về, chính quyền địa phương đã chủ động hỏi thăm và tích cực giúp đỡ tôi các thủ tục hành chính như làm giấy tờ tùy thân, hỗ trợ các thủ tục pháp lý để mở xưởng mộc, rồi cho vay vốn ưu đãi. Những tình cảm ấy là điểm tựa cho tôi lúc khó khăn nhất...” - anh Hoa xúc động nhớ lại. Hiện tại cơ sở mộc của anh Hoa tạo việc làm thường xuyên cho 7 - 8 người, lúc cao điểm lên đến gần 20 người. Trong số thợ chính của xưởng hiện chỉ có anh N.V.C. (quê ở tỉnh Bình Định) là người chấp hành xong án phạt tù trở về, với mức thu nhập bình quân 6 - 8 triệu đồng/tháng. Những bạn tù khác của anh Hoa sau thời gian nương nhờ xưởng gỗ đã vượt qua được “khúc mắc” của bản thân, có hướng đi phù hợp với bản thân trong xây dựng cuộc đời mới. “Bằng uy tín của mình, anh Hoa cùng tổ đoàn kết tham gia hòa giải thành công gần 10 vụ mâu thuẫn, xích mích trong nội bộ gia đình, trong thôn xóm; khuyên bảo nhiều thanh thiếu niên chậm tiến có hướng phấn đấu rõ rệt, sống có mục đích hơn. Với những việc làm cụ thể của mình, chính quyền cũng ghi nhận một phần công sức đóng góp của anh Hoa tại địa phương” - ông Thanh nói.

THẾ PHƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điểm tựa của một người hoàn lương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO