Cùng với công tác khuyến học (KH), khuyến tài, phong trào xây dựng gia đình hiếu học (GĐHH) và dòng họ hiếu học (DHHH) trên địa bàn tỉnh đang đi dần vào chiều sâu với nhiều tấm gương điển hình.
Vợ chồng bà Phạm Thị Quy đã vượt qua vất vả để nuôi 5 người con học đại học. Ảnh: X.PHÚ |
Quan tâm sự học
Đã 55 tuổi nhưng bà Phạm Thị Quy ở thôn Trà Kiệu Tây xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên) vẫn còn quần quật suốt ngày ở ngoài đồng. Cáng đáng gần một mẫu ruộng đã bở hơi tai, bà còn phải chăn dắt con trâu để đến mùa đỡ tốn tiền thuê cày bừa. Chồng bà - ông Đoàn Sơn cũng phải dốc sức bươn chải, tối làm nhân viên bảo vệ, sáng ra làm công nhân để có thêm tiền nuôi các con ăn học đại học. Sau thời gian dài vất vả lo cho con ăn học, giờ đây, tất cả 5 người con của ông bà đều đã tốt nghiệp đại học. “Sống ở quê, làm ruộng nuôi 5 đứa con ăn học đại học suốt gần 20 năm trời, nhiều lúc quá túng bấn phải vay mượn khắp nơi. Cha mẹ nghèo do ít học nên phải ráng cho con cái học hành đến nơi đến chốn, thoát khỏi cảnh nghèo. Vợ chồng tôi chưa bao giờ có suy nghĩ cho con nghỉ học dù nhiều khi trong nhà không còn gạo ăn, lúa gặt ngoài đồng đem về phơi chưa kịp khô phải bán tháo để có tiền gửi cho con. Đến bây giờ, nhìn các con trưởng thành, thấy cũng mừng” - bà Quy chia sẻ.
Tổng kết 5 năm (2008 - 2013) phong trào xây dựng GĐHH, DHHH, cộng đồng KH, cả tỉnh đã có 26 GĐHH, 24 DHHH và 13 cộng đồng KH được Hội KH tỉnh khen thưởng. Tại đại hội biểu dương toàn quốc năm 2013 do Trung ương Hội KH Việt Nam tổ chức vào ngày 8.10 tới, Quảng Nam có 5 tập thể xuất sắc được cử đi dự là GĐHH Nguyễn Lễ (Đại Lộc), GĐHH Trần Công Hải (Núi Thành), DHHH tộc Huỳnh Đức (Tam Kỳ), DHHH tộc Phạm làng La Qua (Điện Bàn) và cộng đồng KH làng Thanh Ly (xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình). |
Những gia đình nghèo nhưng vẫn quyết tâm bằng mọi cách kể cả vay mượn để nuôi con ăn học theo kiểu “thà chịu đói chứ không chịu dốt” như gia đình bà Phạm Thị Quy không còn là chuyện hiếm ở Quảng Nam. Đến bất cứ địa phương nào trên địa bàn tỉnh cũng dễ dàng bắt gặp nhiều câu chuyện về những người làm cha mẹ “ngập mình” trong khó khăn nhưng vẫn quyết chí cho con ăn học. Ngoài gia đình bà Quy, ở huyện Duy Xuyên còn có gia đình ông Khương Hưu (xã Duy Vinh), ông Võ Duy Nhung (xã Duy Hòa), Huỳnh Thị Diệp (xã Duy Phước); huyện Đại Lộc có gia đình ông Nguyễn Thiện Sinh (xã Đại Lãnh), ông Nguyễn Lễ (Đại Tân); huyện Thăng Bình có gia đình ông Trần Văn Luật (thị trấn Hà Lam), Nguyễn Thanh Hải (xã Bình Trung); TP.Tam Kỳ có gia đình ông Nguyễn Ngọc Ngân (phường Hòa Thuận), bà Nguyễn Thị Bích Vân (phường An Xuân)... là những trường hợp tiêu biểu. Ông Nguyễn Trường Kim - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên) nói: “Duy Sơn là xã nghèo, đời sống của người dân địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên không vì thế mà phong trào nuôi con ăn học lên đại học gặp cản trở lớn. Vất vả nhưng gia đình bà Quy vẫn quan tâm đến sự học của các con và đây là tấm gương điển hình để địa phương phát động ra toàn xã”.
Lan tỏa phong trào
Bắt đầu thực hiện từ năm 2008 do Trung ương Hội KH Việt Nam phát động, đến nay, phong trào xây dựng GĐHH và DHHH đã lan tỏa rộng rãi trên địa bàn tỉnh. Nhờ gắn kết với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, là một trong những tiêu chí của gia đình văn hóa, tộc họ văn hóa nên phong trào này càng có điều kiện thuận lợi hơn để nhân rộng. Theo bà Phạm Thị Minh Chiến - Chủ tịch Hội KH tỉnh, phát huy truyền thống hiếu học, vai trò vị trí nền tảng của gia đình trong phong trào xây dựng GĐHH đã được các cấp hội KH tổ chức thực hiện khá chu đáo. Nhờ đó, sau hơn 5 năm phát động, đã có hàng chục nghìn gia đình đăng ký tham gia xây dựng để trở thành GĐHH; trong đó một số địa phương có số lượng gia đình đăng ký nhiều như Đại Lộc hơn 11 nghìn, Núi Thành hơn 9 nghìn, Điện Bàn gần 5 nghìn, Duy Xuyên, Hội An mỗi địa phương có gần 4 nghìn... Qua chấm chọn, đến nay, toàn tỉnh đã có gần 40 nghìn gia đình đạt chuẩn GĐHH. Trong số này, rất nhiều gia đình dù điều kiện kinh tế khó khăn nhưng đã nỗ lực nuôi con ăn học thành tài, trở thành những tấm gương tiêu biểu về tinh thần hiếu học của người dân đất Quảng.
Một trong những điểm đáng chú ý của công tác KH là việc chăm lo đến sự học giờ đây không còn là chuyện riêng của từng gia đình nữa mà còn là trách nhiệm của cả dòng tộc và cộng đồng dân cư. Điều này có thể nhận thấy rõ qua việc nhiều dòng họ tại khắp các địa phương thường xuyên tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng vào cuối mỗi năm học nhằm động viên kịp thời cho con cháu cố gắng học giỏi, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Cạnh đó, nhiều dòng tộc còn trao học bổng, hỗ trợ con cháu vượt qua nghèo khó để tiếp tục việc học. Có thể kể nhiều dòng tộc tiêu biểu trong phong trào DHHH như tộc Nguyễn Văn (xã Tam Hiệp), Đỗ Thế (Tam Xuân, huyện Núi Thành); tộc Phan Văn (Đại Nghĩa), Phan Tá (Ái Nghĩa, Đại Lộc); tộc Trương Công (xã Điện Thắng), tộc Phạm làng La Qua (xã Điện Minh, Điện Bàn); tộc Hồ (xã Duy Trinh, Duy Xuyên)... Đặc biệt, tộc Nguyễn Hữu - Hà Lam (huyện Thăng Bình) còn có mô hình KH Hội nàng dâu, đã giúp cho tộc làm rất tốt công tác KH, khuyến tài. Hiện tại tộc họ này có 70% số gia đình thành viên đạt danh hiệu GĐHH; toàn tộc có 3 tiến sĩ, 17 thạc sĩ, hơn 100 người có trình độ đại học. Cộng đồng dân cư cũng để lại dấu ấn đậm nét trong công tác KH khi mà từ nhiều năm nay, rất nhiều thôn, làng, khối phố đều đã hình thành chi hội KH, đóng góp tích cực vào việc động viên, khuyến khích học trò như làng Thanh Ly (xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình), khu dân cư Đàng Bộ (thị trấn Bắc Trà My, huyện Bắc Trà My), khối phố Bình Phước (thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước), khối phố Tân Thanh (phường Tân an, TP.Hội An).
XUÂN PHÚ