Bên cạnh phát huy vai trò nòng cốt trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những người lính biên phòng còn là nhân tố điển hình trong phong trào giúp dân xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, trở thành điểm tựa của người dân vùng biên.
Dấu ấn bộ đội biên phòng
Nơi phên giậu Tổ quốc, sự có mặt của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh không chỉ giúp đồng bào biên giới yên tâm làm ăn, sinh sống mà còn có cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, với nhiều mô hình hỗ trợ thiết thực và hiệu quả. Từ trồng cây ăn quả, chăn nuôi trang trại, cho đến phát triển vườn cây dược liệu dưới tán rừng, khai hoang ruộng lúa nước… đều có dấu ấn của chiến sĩ biên phòng.
Đại tá Hoàng Văn Mẫn - Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết, thời gian qua, rất nhiều mô hình sinh kế được hình thành từ tình quân - dân, tạo đòn bẩy phát triển cho cộng đồng biên giới.
Để góp sức cùng các địa phương trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bên cạnh tham gia hàng nghìn ngày công giúp dân lao động sản xuất, các đồn biên phòng đóng chân trên địa bàn còn trực tiếp sửa chữa, làm mới hàng chục ngôi nhà, khắc phục nhiều tuyến giao thông bị hư hại, hướng dẫn người dân chăm sóc và thu hoạch hoa màu…
“Duy trì hiệu quả các chương trình, mô hình giúp dân, chúng tôi phấn đấu mỗi đồn biên phòng có ít nhất một mô hình mới giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Trên cơ sở phát huy giá trị các mô hình kinh tế trước đây, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng thêm nhiều mô hình thiết thực, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của đồng bào miền núi, nhằm hỗ trợ và cổ vũ người dân phát triển kinh tế, góp sức cùng lực lượng biên phòng giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia” - Đại tá Hoàng Văn Mẫn nhấn mạnh.
Bằng tình cảm quân dân đặc biệt, gần đây, dưới những tán rừng già, nhiều mô hình kinh tế của người dân biên giới được triển khai từ sự hỗ trợ của BĐBP. Phát huy vai trò đảng viên tăng cường đến cơ sở, nhiều cán bộ chiến sĩ tham gia hướng dẫn người dân cách trồng cây ăn quả và chăm sóc vườn dược liệu hiệu quả.
Lồng ghép trong các chương trình “Ngày hội biên phòng toàn dân” hằng năm, BĐBP tỉnh đã huy động nguồn lực, tham gia hỗ trợ người dân khó khăn bằng các mô hình sinh kế thiết thực, như trao bò giống, cây giống; phối hợp đồng hành trao nhà tình nghĩa biên cương, kết nối tìm đầu ra nông sản, dược liệu…
Những bữa cơm nghĩa tình
Trở về sau cuộc tuần tra, kiểm soát địa bàn, Thiếu tá Nguyễn Minh Vương - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nam Giang cùng chiến sĩ trực ban vội vã đến nhà bà Hiên Nhiês (76 tuổi, ở thôn Đắc Ôốc, xã La Dêê) để trao những suất cơm nghĩa tình.
Bà Hiên Nhiês là người Tà Riềng, nhiều năm sống neo đơn ở ngôi nhà nhỏ cạnh Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nam Giang. Đợt mưa lũ vừa qua, ngôi nhà bị hư hỏng nặng, ngay lập tức các chiến sĩ biên phòng chung tay sửa chữa, giúp mẹ Nhiês yên tâm sinh sống. “Năm ngoái, mưa to quá, nước tràn vào nền nhà. Cũng may có các chú bộ đội kịp thời đến giúp và lau dọn nên nhà cửa không bị hư hỏng gì” - bà Hiên Nhiês kể.
Một buổi trưa cuối năm, núi lất phất mưa phùn, Thiếu tá Nguyễn Minh Vương tự tay bọc suất cơm cẩn thận, rồi vội vã mang đến nhà mẹ Hiên Nhiês. Nhưng, ngôi nhà trống không.
Một người hàng xóm cho biết không nhìn thấy bà nên các chiến sĩ phân công nhau tìm. Thì ra, mẹ Nhiês ra phía sau vườn cho đàn gà ăn. Khi nghe tiếng của Thiếu tá Nguyễn Minh Vương, bà chống nạng đi lên để nhận suất cơm như thường lệ.
“Mẹ đau ốm vậy, phải ở trong nhà. Mưa gió thế này đừng đi đâu hết, kẻo lại đau nặng thêm” - Thiếu tá Nguyễn Minh Vương nhìn người phụ nữ già trước mặt, thỏ thẻ căn dặn.
“Hôm nay đến thăm mẹ, mang cơm và ít viên thuốc cảm, mẹ ăn đi rồi uống thuốc. Bác sĩ quân y dặn là phải ở nhà, không được ra trời mưa, mùa này mưa độc lắm”. Thiếu tá Nguyễn Minh Vương vừa dứt lời, mẹ Hiên Nhiês nở nụ cười, gật gật đầu: “Mẹ biết rồi, cảm ơn các con biên phòng!”.
Tiếng cười vang giữa căn nhà nhỏ, bữa cơm hôm nay, chừng như mẹ Nhiês ngon miệng hơn ngày thường. Trong lúc chờ mẹ Nhiês ăn, một chiến sĩ trực ban xuống nhà bếp dọn dẹp vài vật dụng dưới sàn, rồi tranh thủ xếp mùng mền giúp căn nhà thêm thoáng mát. Lấp lánh trên tường, Huân chương kháng chiến hạng Nhì do Chủ tịch nước trao tặng được mẹ Hiên Nhiês treo trang trọng, xem như báu vật của gia đình.
Thiếu tá Nguyễn Minh Vương kể, năm 13 tuổi, mẹ Hiên Nhiês tham gia kháng chiến, hoạt động cách mạng tại địa phương. Thời điểm đó, công việc hằng ngày của mẹ Nhiês là chủ yếu vận chuyển lương thực, phục vụ nuôi giấu bộ đội và cán bộ.
“Vợ chồng mẹ Nhiês đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cách mạng. Chồng mất cách đây hơn 20 năm, không có con cái, mẹ Nhiês ở một mình. Biết hoàn cảnh của mẹ, từ năm năm 2016, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nam Giang đã nhận nuôi dưỡng, hằng ngày, các cán bộ chiến sĩ thay phiên nhau mang cơm, cháo chăm sóc mẹ. Lúc mẹ ốm đau, anh em thay nhau mua thuốc men, túc trực, đỡ đần” - Thiếu tá Nguyễn Minh Vương chia sẻ.
Theo Trung tá Lê Văn Nam - Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, dù không người thân thích nhưng mẹ Hiên Nhiês luôn có đàn con nuôi là anh em cán bộ, chiến sĩ của đơn vị. Vì thế, những phần cơm ngon nhất, thức ăn ngon nhất, anh em đơn vị đều dành riêng cho mẹ, quan tâm chăm sóc khi mẹ ốm đau bệnh tật.
“Ngoài mẹ Hiên Nhiês, hiện nay, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nam Giang còn hỗ trợ nuôi dưỡng thêm 2 mẹ khác bằng hình thức hỗ trợ 15kg gạo/tháng. Do đường sá xa xôi, cách trở nên hàng ngày, đơn vị giao nhiệm vụ cho cán bộ phụ trách địa bàn thường xuyên đến thăm hỏi, chăm sóc các mẹ một cách chu đáo” - Trung tá Lê Văn Nam nói.