Điểm tựa từ kinh tế biển

VĂN PHIN - THÀNH CÔNG 28/06/2021 04:51

Duy trì mức tăng trưởng ấn tượng cùng với những bước tiến lớn về năng lực tàu thuyền, hiệu quả đánh bắt, ngành khai thác hải sản tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện Núi Thành. Nhiều chính sách hỗ trợ đang được triển khai nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của ngành nghề này trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh đến nền kinh tế.

Tàu câu mực khơi của ngư dân Núi Thành chuẩn bị xuất bến cảng An Hòa. Ảnh: V.PHIN
Tàu câu mực khơi của ngư dân Núi Thành chuẩn bị xuất bến cảng An Hòa. Ảnh: V.PHIN

Tăng trưởng ấn tượng

Thực hiện đề án phát triển kinh tế thủy sản của HĐND huyện Núi Thành khóa XI, từ năm 2016 đến nay nghề khai thác hải sản trên địa bàn Núi Thành có chuyển biến tích cực và toàn diện.

Tận dụng lợi thế từ 2 cửa biển lớn là An Hòa và Cửa Lở cùng bờ biển dài gần 20km giúp cho nghề khai thác thủy hải sản trở thành ngành nghề quan trọng trong cơ cấu kinh tế của địa phương.

Hiện nay, đội tàu thuyền khai thác hải sản của Núi Thành có đến hơn 2.250 chiếc, trong đó hơn 1.900 tàu thuyền gắn máy, tăng hơn 400 phương tiện so với năm 2016 với tổng công suất máy tăng thêm 86.904CV. Từ chỗ chỉ có 247 tàu thuyền có công suất máy hơn 90CV trong năm đầu triển khai đề án, đến đầu năm 2021 đã lên đến 413 phương tiện.

Ông Bùi Văn Gát - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành cho biết, qua 5 năm triển khai đề án, năng lực tàu thuyền khai thác hải sản của địa phương được tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng, hàng chục tàu thuyền được đóng mới, cải hoán, nâng cấp lớn hơn, an toàn hơn, đáp ứng yêu cầu khai thác hải sản xa bờ theo sự chuyển dịch của cơ cấu nghề.

Các nghề như câu mực khơi, lưới vây ngày, lưới vây ánh sáng, câu, dịch vụ hậu cần và nhất là nghề chụp mực được ngư dân quan tâm đầu tư phát triển. Điều đáng mừng là nhiều nghề hoạt động ven bờ, vùng lộng ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản như giã cào, mành… đã giảm dần, tăng tính bền vững cho nghề khai thác hải sản.

Cùng với sự lớn mạnh về năng lực tàu thuyền, sản lượng khai thác hải sản và giá trị cũng tăng cao. Nếu như năm 2016 tổng giá trị sản xuất nghề khai thác hải sản huyện Núi Thành đạt xấp xỉ 1.214 tỷ đồng, sau 5 năm đã tăng thêm hơn 230 tỷ đồng (sản lượng khai thác hải sản năm 2020 đạt 45.400 tấn, tăng 1.625 tấn).

Ông Ngô Đức An - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành thông tin thêm, đề án phát triển kinh tế thủy sản của HĐND huyện đã giúp cho ngành thủy sản huyện Núi Thành nói chung, nghề khai thác hải sản nói riêng trên địa bàn huyện có chuyển biến tích cực và toàn diện hơn. Cùng với đó là hiệu quả quản lý nhà nước tốt hơn, nhịp độ phát triển sản xuất duy trì ổn định, năng lực sản xuất được tăng cường, cơ cấu nghề nghiệp chuyển biến tích cực kéo theo sự ổn định trong đời sống ngư dân.

Phát huy lợi thế

Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, đóng góp của ngành khai thác thủy sản vào sự tăng trưởng của địa phương là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, phân tích sâu diễn biến tăng trưởng của ngành, địa phương nhận thấy đội tàu thuyền công suất máy dưới 20CV tăng đến gần 200 chiếc. Cùng với đó, công tác chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, du nhập nghề khai thác hải sản mới, bảo quản sản phẩm sau khai thác còn hạn chế, ít nhiều tác động đến sự phát triển của ngành nghề này.

Giai đoạn 2016 - 2021, đội tàu đánh bắt xa bờ của Núi Thành có bước phát triển mạnh về số lượng, công suất. Ảnh: V.PHIN
Giai đoạn 2016 - 2021, đội tàu đánh bắt xa bờ của Núi Thành có bước phát triển mạnh về số lượng, công suất. Ảnh: V.PHIN

Ông Bùi Văn Gát - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện nói, cùng với những yếu tố trên, sự gia tăng tàu công suất nhỏ gắn với việc tồn tại của những nghề gây ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi thủy sản như pha xúc, mành mùng, lưới vây lở,… vẫn phát triển tự phát là tồn tại được đặt ra tại Núi Thành.

Trong bối cảnh ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, khai thác hải sản vẫn đang là ngành mang lại hiệu quả kinh tế ấn tượng. Trong những năm đến, nhằm tiếp tục phát huy thế mạnh nghề này, Núi Thành đề ra mục tiêu khai thác đạt 55.000 - 58.000 tấn hải sản/năm.

Quyết tâm đạt mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, cùng với xây dựng, củng cố các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, huyện sẽ tiếp tục xây dựng mô hình khuyến ngư nhằm du nhập nghề khai thác hải sản mới, cải tiến kỹ thuật và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để từng bước nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.

Huyện khuyến khích ngư dân đầu tư tàu có công suất máy lớn khai thác hải sản xa bờ, giảm đội tàu có công suất dưới 90CV, trên cơ sở đó sẽ chuyển một bộ phận lao động khai thác vùng biển ven bờ sang hoạt động các ngành nghề khác như dịch vụ du lịch, nuôi trồng thủy sản.

Địa phương tập trung tuyên truyền để ngư dân giảm phương tiện hành nghề giã cào, chuyển sang lưới vây, lưới rê, câu khơi, đầu tư mạnh mẽ cho khai thác hải sản xa bờ.

“Với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước và dịch vụ hậu cần nghề cá trên bờ đã bước đầu được chú trọng đầu tư, chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều động lực để nghề đánh bắt hải sản phát triển mạnh mẽ hơn. Đồng thời tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” - ông Gát nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điểm tựa từ kinh tế biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO