Điện Bàn bảo tồn lễ hội văn hóa

VĨNH LỘC 18/09/2018 06:28

Đề án về bảo tồn, phát huy các giá trị lễ hội trên địa bàn thị xã Điện Bàn đến năm 2020 định hướng năm 2025 đang được UBND thị xã xây dựng và trình HĐND thông qua nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị lễ hội gắn với phát triển du lịch.

Hát bả trạo trong lễ hội cầu ngư ở Điện Dương. Ảnh: V.L
Hát bả trạo trong lễ hội cầu ngư ở Điện Dương. Ảnh: V.L

Vùng đất lễ hội

Thống kê cho thấy, Điện Bàn có hơn 10 lễ hội truyền thống và hiện đại, gồm lễ hội ngành nghề; lễ hội suy tôn, thờ phụng thần linh, nhân vật gắn với quá trình thành lập làng xã; lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng và lễ hội trong các dịp tết cổ truyền. Đơn cử như lễ hội cầu ngư (Điện Dương), giỗ tổ nghề đúc đồng Phước Kiều (Điện Phương), lễ hội Thanh minh (Điện Quang), giỗ tổ Hùng Vương (Điện Trung), ngày hội dinh trấn Thanh Chiêm (Điện Phương), lễ hội Tịch điền làng Diệm Sơn (Điện Tiến)… Trong đó, không ít lễ hội đã trở thành nét đẹp văn hóa của một vùng miền, được người dân duy trì qua nhiều thế hệ. Điển hình như lễ hội Tịch điền làng Diệm Sơn, tổ chức ngày 1.10 âm lịch hàng năm, ngoài tưởng nhớ vị tiền hiền đã có công khai phá, xây dựng làng Diệm Sơn, còn mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Lễ hội Thanh minh (Điện Quang) diễn ra vào tiết Thanh minh tại các nhà thờ tộc trên địa bàn Gò Nổi nhằm tưởng nhớ công đức tiền nhân có công khai khẩn vùng đất; đây còn là ngày giỗ tổ chung của các dòng tộc trong làng. Hơn 10 năm qua, lễ hội Thanh minh đã mở rộng ra các tộc họ khác, trở thành hoạt động thu hút sự tham gia của con cháu vùng đất Gò Nổi khắp nơi cũng như chính quyền địa phương nhằm nâng tầm lễ hội lên mức quy mô, thiết thực.

Theo bà Lương Thị Mỹ Linh – Phó Trưởng phòng VH-TT thị xã Điện Bàn, thời gian qua, việc tổ chức các lễ hội ở Điện Bàn đã được người dân và chính quyền các cấp rất quan tâm. Nhờ đó, một số lễ hội truyền thống đã được khôi phục, phát huy, đáp ứng nhu cầu phát triển của đời sống xã hội. Thông qua lễ hội, các loại hình diễn xướng dân gian như hô hát bài chòi, bả trạo... hay các hoạt động văn hóa thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian... cũng được giữ gìn, phát triển. Tuy nhiên, do tác động của nhiều yếu tố đã dẫn đến những thay đổi về bối cảnh, không gian tồn tại và tính chất của lễ hội, khiến công tác bảo tồn và tổ chức lễ hội trên địa bàn thị xã gặp nhiều thách thức. “Việc phục hồi, tổ chức các lễ hội thời gian tới cần được định hình quy củ nhằm đảm bảo được bản sắc truyền thống nhưng không bị lạc hậu với đời sống văn hóa hiện nay, và đề án ra đời chính là hướng đến mục tiêu đó” - bà Linh nói.

Xây dựng kinh phí cho lễ hội

Có thể nói, lễ hội ở Điện Bàn là những giá trị văn hóa đã được hun đúc và thử thách qua thời gian, có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư, được chính người dân duy trì và phát huy. Những năm gần đây, hoạt động lễ hội đã được xã hội hóa rộng rãi, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí để tổ chức như lễ hội Thanh minh, lễ hội cầu ngư, giỗ tổ Hùng Vương, lễ hội tịch điền, ngày hội văn hóa thể thao du lịch biển… Dù vậy, không ít lễ hội cũng đang bắt đầu đi vào sự xói mòn nhàm chán; một số nội dung lặp đi lặp lại khiến người dân và du khách không muốn tham gia.

Nếu được thông qua, đề án bảo tồn... với mức kinh phí dành cho công tác phát huy và bảo tồn lễ hội đến năm 2020 dự kiến hơn 1,7 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào các phần việc như: kiểm kê, xây dựng hồ sơ các lễ hội; hỗ trợ cho từng cộng đồng dân cư trong công tác chuyển giao, truyền dạy kỹ năng thực hành lễ hội; tuyên truyền, quảng bá lễ hội trên các phương tiện thông tin đại chúng; phục dựng các lễ hội; hỗ trợ  tổ chức lễ hội, hình thành lễ hội mới; xây dựng các ấn phẩm sách, ảnh, tập gấp,video, phim tài liệu; tổ chức tập huấn về công tác tổ chức lễ hội… Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn khẳng định, địa phương có nhiều lễ hội truyền thống và hiện đại, trong đó không ít lễ hội quy mô lớn như Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch biển Điện Bàn; lễ hội dinh trấn Thanh Chiêm, lễ hội Thanh minh… việc thực hiện đề án sẽ hướng đến mục đích vừa bảo tồn văn hóa địa phương, vừa góp phần phát triển du lịch dựa vào lễ hội trong thời gian đến. “Sau khi đề án thông qua, bước tiếp theo sẽ giao cho các ngành chức năng xây dựng kế hoạch triển khai cũng như bố trí ngân sách cho các lễ hội lớn, dần dần đưa lễ hội theo hướng xã hội hóa với sự tham gia của cộng đồng nhiều hơn. Còn bây giờ chủ yếu tạo môi trường để giữ gìn phát triển các lễ hội, nếu không sẽ mai một” - ông Hà nói.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điện Bàn bảo tồn lễ hội văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO