Điện Bàn rất cần sự quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông mang tính chất liên vùng của cấp trên, để tạo nên cú hích cho chặng đường mới xây dựng thị xã phát triển.
Mở đường
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Điện Bàn lần thứ XXII, việc đầu tư dự án trọng điểm nhằm phát triển kết cấu hạ tầng đô thị rất cần thiết. Chính vì vậy, Điện Bàn nỗ lực huy động các nguồn lực nhằm xây dựng từ giao thông đến văn hóa, xã hội…
Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - ông Trần Úc chia sẻ, nổi bật có thể kể đến tuyến ĐH8.ĐB kết nối quốc lộ (QL) 1 - ĐT607, đường trục chính trung tâm từ ngã ba đường tránh đến cầu Vĩnh Điện, cầu qua sông Vĩnh Điện; các công trình thuộc Đề án phát triển sự nghiệp giáo dục; chỉnh trang, nâng cấp di tích lịch sử, văn hóa. Địa phương đang tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị quan trọng, đặc biệt là giao thông. Đồng thời, kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh một số công trình trọng điểm, gồm đường ĐT607B (đoạn ngã ba Lai Nghi - ngã ba Thống Nhất); cầu Điện Quang trên tuyến ĐT610B (cầu bến đò Ông Đốc); đường nối từ cuối tuyến ĐH1.ĐB đến ĐT605 xã Điện Tiến; giai đoạn 2 tuyến ĐH8.ĐB.
Nhìn tổng quan về đường sá, có thể thấy tuyến ĐT607B cần sớm được nâng cấp, mở rộng. Cung đường kết nối liên thông từ ĐT608 (Điện Bàn - Hội An) - ĐT607 và đường ven biển đã quá tải suốt một thời gian dài. Vì trên thực tế, dọc ven tuyến có sự hiện diện của các khu dân cư đông đúc; các cụm công nghiệp; điểm du lịch - dịch vụ biển; Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công Quảng Nam… Tuy nhiên, nền mặt ĐT607B hiện tại chật hẹp, xuống cấp từ lâu mà xe cộ hỗn hợp, nhất là xe tải qua lại đông đúc và luôn là điểm nóng về tai nạn giao thông. Thực hiện dự án nạo vét sông Cổ Cò, tỉnh quyết định xây dựng cây cầu quy mô trên tuyến ĐT607B qua địa phận phường Điện Dương. Cho nên, đầu tư nâng cấp, mở rộng toàn bộ mặt đường để tạo khớp nối đồng bộ với cầu, đồng thời phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn đầu tư là chuyện nên làm.
Cây cầu mơ ước
Ngày 16.11.2010, ảnh hưởng của dòng chảy lũ lụt khiến một số nhịp của Cầu Đen (cầu Gò Nổi) trên tuyến ĐT610B bị gãy. Dù nỗ lực khắc phục song nhịp vẫn bị rơi xuống sông. Sự cố xảy ra địa bàn Duy Xuyên nhưng đã gây tắc giao thông cả vùng Gò Nổi của Điện Bàn, khiến hơn 30 nghìn dân 3 xã Điện Phong, Điện Trung và Điện Quang gặp khó. Bởi, ĐT610B là tuyến huyết mạch về Gò Nổi, là con đường duy nhất mà xe cơ giới qua lại khu vực này. Còn không, phải lưu thông đò ngang, hay chạy xe máy trên cầu phụ bên cầu đường sắt Kỳ Lam, Chiêm Sơn rộng chừng 1m. Cầu Đen bị gãy sập làm giá cả hàng hóa tăng chóng mặt; cứu hộ, cứu nạn gặp trở ngại... “Nguyện vọng thiết tha về cây cầu nối liền đôi bờ sông Thu Bồn của bà con Gò Nổi là hoàn toàn xác đáng” - ông Lê Văn Tuấn, một người dân xã Đại Hòa (Đại Lộc) bày tỏ.
Trước hết, cây cầu nằm trên tuyến ĐT610B sẽ xóa được cảnh đò ngang (đò Ông Đốc) tiềm ẩn mất an toàn. Có cầu, chi phí lưu thông lên Đại Lộc, Nông Sơn và vùng tây Duy Xuyên sẽ giảm đáng kể, do không còn phải vòng xuống QL1 rồi mới trở ngược lên dài hơn 20km. Cạnh đó, cầu Điện Quang cũng nằm trong quy hoạch phát triển GTVT Quảng Nam đã được duyệt, là trục ngang chiến lược kết nối liên vùng Duy Xuyên - Điện Bàn - Đại Lộc - Nam Giang. Theo đó, ĐT610B nối dài bắt đầu từ QL1 (Duy Xuyên), qua 3 xã vùng Gò Nổi, cầu Điện Quang, xã Điện Hồng (Điện Bàn), cắt ngang ĐT609B, trùng với tuyến ĐH3.ĐL, giáp vào QL14B (Đại Lộc).
Suốt mười mấy năm ròng, cử tri đã rất nhiều lần kiến nghị về việc sớm làm cầu, không chỉ góp phần phát triển kinh tế xã hội liên vùng nêu trên, mà còn tri ân vùng đất anh hùng. Trong kháng chiến, Gò Nổi là căn cứ địa cách mạng, địa điểm đặt trụ sở của Đặc khu ủy Quảng Đà, Thành ủy Đà Nẵng, Huyện ủy Điện Bàn với đội quân cách mạng chủ lực của ta để tấn công địch ở Đà Nẵng, Hội An. Một cử tri Điện Trung từng bộc bạch: “Gò Nổi trong chiến tranh đã chịu quá nhiều mất mát, hy sinh. Nay để thông thương ra bên ngoài và muốn phát triển đi lên, cầu đường phải thông suốt mới có cơ sở thực tiễn để hy vọng”.