Tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị và nông thôn mới (NTM), đồng thời chăm lo phát triển bằng nhiều giải pháp cụ thể về lĩnh vực văn hóa - xã hội được thị xã Điện Bàn thực hiện đồng bộ trong những năm qua.
Huy động nguồn lực xã hội
Cuối năm 2014, xã Điện Quang triển khai các giải pháp nhằm giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí của xã NTM, đồng thời xây dựng “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”.
“Đến nay, địa phương đã chỉnh trang hoàn chỉnh 6 khu dân cư; di dời hơn 1.000 tường rào, 9 môn quan từ đường; mở rộng 8km đường bê tông xi măng. Giá trị vật kiến trúc, đất vườn và huy động đóng góp kinh phí làm đường từ nhân dân lên đến hơn 30 tỷ đồng” - ông Lê Đức Sỹ - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận xã Điện Quang cho biết.
Ngoài ra, người dân còn tích cực trồng cây xanh, xây dựng các tuyến đường hoa và tạo không gian xanh mát, nhiều màu sắc như hòa mình cùng thiên nhiên. Sau 4 năm, Điện Quang xây dựng thành công 5 “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”, trong đó Bến Đền Tây, Phú Tây là 2 khu dân cư tiêu biểu, dẫn đầu phong trào xây dựng NTM kiểu mẫu của thị xã. Phong trào xây dựng NTM đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, tạo ra môi trường xanh - sạch - đẹp, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
“Từ khi quê hương trở thành thị xã vào năm 2015, diện mạo xã hội có sự bứt phá với việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong đó có các thiết chế văn hóa” - Trưởng phòng Văn hóa thông tin Điện Bàn, ông Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ.
Thị xã đã làm nhiều hạng mục công viên cây xanh, đơn cử như Quảng trường trung tâm, Công viên thanh niên, Công viên Tượng đài Dũng sĩ Điện Ngọc. Để có thành quả đó, thị xã thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tổ chức hoạt động có chất lượng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và hội nhập văn hóa.
Điển hình trong công tác tuyên truyền, khâu trang trí các bảng đèn điện tử, cổng chào… với kinh phí hàng chục tỷ đồng không phải trích từ ngân sách. Ngoài cơ chế hỗ trợ của tỉnh, việc trùng tu, tôn tạo các di tích có dấu ấn lớn của người dân, khi họ cùng chung tay thực hiện (tỉnh 40%, thị xã 30%, gia đình 30%).
Đặc biệt, các sự kiện như hội thảo chữ Quốc ngữ và Dinh trấn Thanh Chiêm năm 2016, lễ hội Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ năm 2017, lễ hội văn hóa thể thao miền biển, lễ hội Thanh minh Điện Quang... đã huy động được nguồn lực lớn trong xã hội.
Bảo tồn và phát triển
Xây dựng nếp sống văn minh ở Điện Bàn có sự chuyển biến tích cực, đơn cử như tục thách cưới quá cao hầu như không còn, hạn chế thấp nhất tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Người dân có ý thức chấp hành quy ước xây dựng thôn, khối phố văn hóa nên đã xóa bỏ các hủ tục rườm rà, lạc hậu trong các bước tiến hành tang lễ. Tình trạng rải vàng mã trên đường đưa tang gần như không còn nữa. Theo thống kê, năm 2015, xã có 48.118 hộ đạt “Gia đình văn hóa”; năm 2018 có 50.713 hộ gia đình đạt danh hiệu này.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn phấn khởi cho biết thêm, thông qua hoạt động văn hóa và lễ hội, công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể như bài chòi, bả trạo, các loại hình dân ca, hò khoan đối đáp, tuồng… được chú trọng. Những lớp tập huấn đàn hát dân ca ở các xã NTM đã đào tạo, nuôi dưỡng mạch nguồn văn hóa, phát hiện và bồi dưỡng các tài năng trẻ. Theo định hướng của thị xã, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, truyền thống sẽ gắn với quảng bá, xúc tiến du lịch. Địa phương xây dựng các sản phẩm du lịch gắn liền truyền thống văn hóa, lịch sử của vùng đất, con người Điện Bàn; đồng thời phát huy tiềm năng du lịch từ các di sản văn hóa, làng nghề truyền thống, cảnh quan nông thôn, sông nước… được xem là giải pháp mang tính chất bền vững.
Tuy nhiên, chính quyền Điện Bàn cho rằng, cần đầu tư chăm lo cho lĩnh vực văn hóa hơn nữa. Cụ thể như công tác sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, dù đã triển khai nhưng chưa mang lại hiệu quả; ngân sách đầu tư hàng năm cho sự nghiệp văn hóa còn ít, chưa đảm bảo triển khai nhiệm vụ tuyên truyền và tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Phong trào xây dựng thôn văn hóa, gia đình văn hóa, cơ quan văn hóa, trường học đạt chuẩn văn hóa tuy đạt được một số kết quả đáng phấn khởi, song vẫn còn một số địa phương chưa tạo được mô hình các điểm sáng văn hóa, chưa nhân ra diện rộng.
Hiện tượng mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội chưa được đẩy lùi hẳn, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân còn hạn chế, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống cộng đồng. Ngoài mục tiêu hóa giải tồn tại hạn chế trên, thời gian đến thị xã sẽ tập trung xây dựng con người Điện Bàn phát triển toàn diện trong môi trường văn hóa lành mạnh; phát triển văn hóa trong chính trị và kinh tế…