Với phương châm “bốn tại chỗ” và nguyên tắc phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, thị xã Điện Bàn đã tập trung huy động các nguồn lực để ứng phó hiệu quả trước mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra.
Nhanh chóng đưa lúa về nhà
Tính đến ngày 8.9 xã Điện Thọ đã thu hoạch được khoảng 520/527ha diện tích lúa vụ hè thu, đây được xem là một trong những địa phương triển khai thu hoạch lúa sớm nhất trên địa bàn thị xã.
Theo bà Phan Thị Thu Sương - Chủ tịch UBND xã Điện Thọ, nhằm hạn chế thiệt hại do bão lũ gây ra, ngay từ đầu vụ, xã đã chỉ đạo người dân gieo những giống lúa ngắn ngày. Riêng với các loại hoa màu như đậu, bắp… đến nay việc thu hoạch cũng cơ bản xong.
“Chúng tôi chỉ đạo bà con cố gắng đến ngày 15.9 phải thu hoạch dứt điểm các loại cây lúa, hoa màu. Riêng với diện tích ao hồ nuôi cá những nơi thấp lũ chậm nhất đến ngày 30.9 phải xong” - bà Sương nói. Năm 2022, xã Điện Thọ có khoảng 747ha đất nông nghiệp (trong đó có 220ha đất hoa màu) và gần 19ha diện tích ao hồ.
Tại một số xã phía tây quốc lộ 1, nơi diện tích đất nông nghiệp còn nhiều, đến nay hầu hết cũng đã thu hoạch xong. Có thể kể đến các địa phương như phường Điện An (thu hoạch khoảng 90% diện tích lúa), xã Điện Phước (95%), xã Điện Quang (90%)…
Bà Trần Kim Thoa - Chủ tịch UBND xã Điện Quang cho biết, từ tháng 8 xã đã xây dựng phương án ứng phó với mưa bão, đồng thời chỉ thị đến từng thôn và các đơn vị trên địa bàn có giải pháp bảo vệ tài sản, hoa màu, gia súc, vật nuôi, tránh xảy ra thiệt hại khi mưa lũ tràn về.
“Điện Quang là vùng thấp lũ nên hàng năm địa phương rất quan tâm đến công tác phòng chống bão lụt, nhất là với đàn bò chăn nuôi tập trung trên các bãi biền. Do vậy, trước khi vào mùa mưa lũ bà con đều chủ động bán những con bò trọng lượng lớn, những con nhỏ hơn sẽ được đưa về khu dân cư để dễ bảo vệ, riêng với hoa màu cũng sẽ được bà con thu hoạch tận dụng cho chăn nuôi trong những ngày mưa bão” - bà Thoa cho hay.
Vụ hè thu 2022, tổng diện tích lúa gieo sạ của Điện Bàn đạt khoảng 5.600ha, theo kế hoạch, đến ngày 10.9 tất cả diện tích lúa trên địa bàn thị xã sẽ phải thu hoạch xong. Tuy nhiên do một số diện tích lúa giống hoặc có thời gian thu hoạch dài ngày hơn, nên hiện mới khoảng 4.600ha lúa được thu hoạch, dự kiến số diện tích còn lại sẽ được thu hoạch dứt điểm trong những ngày tới, trước khi mưa bão xuất hiện.
Sẵn sàng ứng phó
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, năm 2022 có khoảng 10 - 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khả năng 1 - 2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Nam, kèm theo 5 - 8 cơn mưa lớn (bắt đầu từ tháng 9 đến giữa tháng 12), đặc biệt có khả năng xuất hiện 3 - 5 đợt lũ (mức báo động cấp 2 đến cấp 3).
Là địa phương nằm phía hạ nguồn với nhiều hệ thống sông ngòi nên dự báo Điện Bàn sẽ đối diện nhiều cơn lũ lụt, do vậy công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn luôn trong tư thế chủ động, sẵn sàng.
Theo ông Ngô Văn Tân - Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã, từ tháng 8 việc kiện toàn Ban Chỉ huy các cấp đã được triển khai đến từng thôn, khối phố. Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro cũng được ban hành nhằm tránh bị động trong mọi tình huống.
Đối với các vùng trũng thấp lụt (Gò Nổi, Điện Hồng, Điện Thọ, Điện Phước, Điện Phương) nơi có hộ dân sống ven sông, có nguy cơ sạt lở, gần hạ lưu, cống chui dân sinh, ảnh hưởng đường cao tốc, nhà không kiên cố… sẽ phải xây dựng phương án cụ thể theo từng mức độ rủi ro và được triển khai đến tận người dân để biết khi có tình huống xấu xảy ra.
Với các phường ven biển (Điện Dương, Điện Ngọc) có phương án phối hợp với đồn biên phòng cung cấp thông tin, kịp thời hướng dẫn tàu thuyền ngư dân tìm nơi trú tránh an toàn, nghiêm cấp tàu thuyền ra khơi trong thời điểm mưa bão…
“Phương án ứng phó với thiên tai trên địa bàn hướng đến mục tiêu chủ động các hoạt động phòng ngừa, ứng phó với thiên tai theo từng cấp độ, đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân, chủ động sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, hạn chế thấp nhất mọi rủi ro gây ra” - ông Tân nói.
Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn khẳng định, với phương châm “bốn tại chỗ” và nguyên tắc phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, địa phương sẽ tập trung huy động các nguồn lực, chủ động ứng phó hiệu quả trước mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra.
“Thị xã đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương thu hoạch nhanh lúa hè thu cũng như các diện tích nuôi trồng thủy sản trước mùa mưa bão, không để xảy ra thiệt hại do mưa bão gây ra.
Đặc biệt, kiểm tra, rà soát tất cả dự án do địa phương làm chủ đầu tư, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các công trình, giải ngân nguồn vốn đúng thời gian quy định, kể cả có phương án lắp đặt bổ sung thêm biển báo, đèn cảnh báo đối với các công trình đang thi công dang dở, đảm bảo an toàn khi có bão lũ xảy ra” - ông Hà nói.