Giao thông - Xây dựng

Điện Bàn đề nghị lấy cát nạo vét sông Cổ Cò để thi công đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện

Q.TUẤN 26/09/2024 08:49

(QNO) - UBND thị xã Điện Bàn vừa có tờ trình đề nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho phép địa phương lấy khoảng 9.000m³ cát nạo vét từ sông Cổ Cò để thi công công trình đập thời vụ ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện.

Lượng cát sau nạo vét sông Cổ Cò vẫn chưa bán đấu giá được. Ảnh: Q.T
Lượng cát sau nạo vét sông Cổ Cò. Ảnh: Q.T

Theo UBND thị xã Điện Bàn, công trình đập thời vụ ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện là công trình được thực hiện hằng năm, nhằm ngăn nước mặn xâm nhập, đảm bảo nguồn nước ngọt để phục vụ tưới cho nông nghiệp với khoảng 2.000ha đất trồng lúa và cây màu trên địa bàn thị xã Điện Bàn và các vùng nông nghiệp lân cận, phục vụ nước ngọt sinh hoạt cho nhân dân.

Hiện nay, nguồn vật liệu cát để đắp đập trên thị trường khan hiếm, giá bán cao. Trong khi đó, các mỏ cát trên địa bàn thị xã đã hết hoạt động, các mỏ cát trên địa bàn lân cận hoạt động cầm chừng, nguồn nguyên liệu cát không ổn định, giá cát thực tế quá cao, làm cho thời gian chuẩn bị dự án kéo dài ảnh hưởng đến thời gian xây dựng đập không được chủ động, dễ dẫn đến nước mặn xâm nhập mà chưa kịp tổ chức thi công xây dựng tuyến đập.

Do đó, UBND thị xã Điện Bàn đề nghị tỉnh xem xét, thống nhất chủ trương cho phép lấy nguồn cát nạo vét sông Cổ Cò để thi công công trình đập thời vụ ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện năm 2025.

dsc_0478.jpg
Thi công đập thời vụ ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện các năm trước đây. Ảnh: Q.T

Được biết, 2 năm qua, thị xã Điện Bàn cũng được UBND tỉnh tạo điều kiện sử dụng cát từ nạo vét sông Cổ Cò để thực hiện đập ngăn mặn này.

Công trình đập thời vụ ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện xây dựng chủ yếu sử dụng nguồn vật liệu cát để đắp đập và được xem là công trình tạm. Thời gian giữ nước ngọt từ tháng 2 đến tháng 9 hằng năm, sau khi kết thúc nhiệm vụ ngăn mặn đập sẽ được tháo dỡ hoàn toàn

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điện Bàn đề nghị lấy cát nạo vét sông Cổ Cò để thi công đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO