Chính quyền thị xã Điện Bàn kiến nghị UBND tỉnh cho phép sử dụng nguồn cát từ dự án nạo vét sông Cổ Cò để thi công đập thời vụ ngăn mặn - giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện nhằm đảm bảo nguồn nước cho các trạm bơm vận hành ổn định, phục vụ tưới khoảng 1.855ha lúa đang làm đòng, sắp trổ.
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, hằng năm hạ lưu sông Vĩnh Điện thường bị nguồn nước mặn từ sông Hàn (TP.Đà Nẵng) xâm nhập sâu.
Trước tình hình đó, từ năm 2013 đến nay, UBND thị xã Điện Bàn triển khai phương án phòng chống hạn, xâm nhập mặn bằng việc đắp đập thời vụ trên sông Vĩnh Điện để ngăn mặn - giữ ngọt đảm bảo nguồn nước cho hàng loạt trạm bơm điện như Cẩm Sa, Tứ Câu, Vĩnh Điện, Thanh Quýt... vận hành ổn định để cung ứng nước tưới cho khoảng 1.855ha đất sản xuất nông nghiệp.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2023 nắng nóng sẽ gay gắt hơn năm ngoái, mực nước các sông sẽ xuống thấp, gây ra tình trạng khô hạn và nhiễm mặn khó lường.
Ông Nguyễn Đức Chơi cho hay, theo kế hoạch, năm nay công trình đập thời vụ ngăn mặn - giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện vẫn thống nhất chủ trương xây dựng trên vị trí cũ thuộc phường Điện Ngọc, cách trạm bơm điện Tứ Câu về phía hạ lưu khoảng 350m.
Tuy nhiên, qua 2 lần tổ chức đấu thầu (lần 1 vào ngày 16/2 và lần 2 vào ngày 4/3) đều không có đơn vị nào tham dự gói thầu thi công công trình trên.
Theo ông Chơi, nguyên nhân chính là theo hồ sơ thiết kế đập thời vụ được phê duyệt thì vật liệu dùng cho công trình chủ yếu là cát, với khối lượng cần khoảng 8.500m3 lấy từ mỏ vật liệu trên sông Thu Bồn vận chuyển bằng đường sông, đường bộ. Thế nhưng, qua nắm bắt thị trường thì các đơn vị cung cấp vật liệu cát không đủ nguồn để cung cấp 8.500m3 trong khoảng thời gian thi công 10 ngày đêm.
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp Điện Bàn, từ đầu tháng 3 đến nay, nước mặn liên tục lấn sâu vào sông Vĩnh Điện tại khu vực Tứ Câu với nồng độ từ 0,2 - 3,5 phần nghìn. Trước tình hình đó, các đơn vị thủy nông phải cắt cử lực lượng túc trực thường xuyên để đo nồng độ mặn, tổ chức bơm lách triều mỗi ngày khoảng 5 tiếng đồng hồ để cung ứng nước tưới cho cây trồng.
“Hiện nay, 1.855ha lúa nêu trên đang trong giai đoạn làm đòng và dự kiến đầu tháng 4 sẽ trổ. Nếu mặn xâm nhập ngày càng nghiêm trọng thì nguy cơ số diện tích lúa này bị khô hạn nặng là rất cao” - ông Chơi nói.
Từ những khó khăn về nguồn cát thi công đập thời vụ ngăn mặn - giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện, các ngành chức năng của thị xã Điện Bàn tiến hành khảo sát và xét thấy nguồn cát từ dự án nạo vét sông Cổ Cò đảm bảo về mặt kỹ thuật để đắp đập.
UBND thị xã Điện Bàn đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan xem xét cho phép địa phương sử dụng nguồn cát từ dự án nạo vét sông Cổ Cò đang triển khai trên địa bàn các phường Điện Dương và Điện Ngọc (do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam làm chủ đầu tư) để thi công công trình đập thời vụ ngăn mặn - giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện.
Nếu được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương nguồn cát, UBND thị xã Điện Bàn sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương thực hiện điều chỉnh hồ sơ thiết kế và dự toán cho phù hợp với vị trí lấy vật liệu cát; sớm trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh và đăng tải, tổ chức lựa chọn nhà thầu lại, khẩn trương tổ chức thi công công trình...