Điện Bàn - đô thị liên kết

TÙY PHONG 28/04/2023 07:33

Điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Điện Bàn giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045 đã được công bố sáng 27/4. Theo đó, quy hoạch định hướng Điện Bàn trở thành đô thị liên kết Đà Nẵng, Hội An.

Khu vực Trung tâm hành chính thị xã Điện Bàn. Ảnh: T.D
Khu vực Trung tâm hành chính thị xã Điện Bàn. Ảnh: T.D

Điều chỉnh để phù hợp

Tốc độ gia tăng dân số đột biến và đô thị hóa cao ở Đà Nẵng khiến thành phố này gần như đã cạn kiệt quỹ đất ở, phát triển giao thông công cộng. Thị xã Điện Bàn có điều kiện gần như tương đồng, trong vệt kết nối giao thông sẽ là nơi chia sẻ, liên kết hiệu quả nhu cầu phát triển dịch vụ, thương mại, dân cư cho Đà Nẵng.

Không chỉ vậy, khu vực này được dự báo sẽ cung cấp hạ tầng dịch vụ du lịch, nhà ở, cơ sở thương mại, vùng sinh thái trước áp lực bảo vệ cảnh quan, kiểm soát xây dựng của Hội An.

Theo quy hoạch điều chỉnh, thị xã Điện Bàn rộng 216,32km2, sẽ là đô thị trung tâm động lực phía bắc Quảng Nam, gắn kết Đà Nẵng - Hội An, trở thành một đô thị sinh thái hiện đại; là trung tâm phát triển công nghiệp, nghiên cứu, phát triển các dịch vụ thương mại, văn hóa, du lịch khu vực Bắc Quảng Nam, có đủ tiềm năng để phát triển tài chính, nhân lực kết nối các trung tâm GD-ĐT chất lượng cao, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao. Một thành phố tăng cường kết nối Đà Nẵng, Hội An sẽ “xuất hiện” vào năm 2050.

Thị xã giáp ranh này đã thu hút nhiều nhà đầu tư dọc theo quốc lộ 1, đường ĐT603, ĐT607, ven biển. Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc gần như đã được lấp đầy.

Sự phát triển nóng trong ngắn hạn hay dài hạn, dự báo dân số Điện Bàn sẽ tăng cao, vượt quá mức dự báo của đồ án quy hoạch chung đô thị Điện Bàn đã được phê duyệt năm 2013.

Theo quy hoạch cũ, không gian đô thị Điện Bàn được định hướng phát triển theo 2 hướng chính là khu đô thị ven biển và chuỗi đô thị dọc trục quốc lộ 1. Những phân khu đô thị như khu đô thị Điện Thắng, Phương An đã ra đời.

Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đã được điều chỉnh quy hoạch. Tuy nhiên, thực tế nhiều vướng mắc phát sinh, không dự kiến được trong quy hoạch.

Để có thể đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị loại IV hiện tại, hướng đến đô thị loại III, thị xã cần một sự thay đổi. Chính quyền đã rà soát, đánh giá toàn diện mối quan hệ vùng, thực trạng phát triển đô thị để xác lập nhiều hướng đi mới, có những đột phá trên các mặt kinh tế - xã hội và phát triển đô thị kiến trúc cảnh quan phù hợp.

“Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị xã Điện Bàn đến năm 2030 và năm 2045 là hết sức cần thiết, nhằm tạo điều kiện phát triển, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa của thị xã trong tương lai” - ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nói.

Điện Bàn sẽ mở rộng, kết nối các tuyến giao thông và hạn chế các cụm công nghiệp về phía đông, biển.Ảnh: T.D
Điện Bàn sẽ mở rộng, kết nối các tuyến giao thông và hạn chế các cụm công nghiệp về phía đông, biển.Ảnh: T.D

Phân kỳ đầu tư

Đô thị liên kết này sẽ không phát triển đồng loạt. Hiện tại sẽ ổn định kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội các khu đô thị hiện hữu (phân khu Phương An, Điện Thắng và phân khu Điện Nam - Điện Ngọc) gắn với vệt du lịch - đô thị ven biển. Cấu trúc này sẽ hoàn chỉnh năm 2030.

Sau đó sẽ mở rộng về phía sông Vĩnh Điện và phía Nam, kết nối Hội An. Đến năm 2045 sẽ chủ yếu phát triển về phía Tây, hoàn chỉnh cấu trúc các hành lang xanh, gắn với đô thị ven sông, tăng cường kết nối giao thông, không gian đông - tây của đô thị cùng với sự kết nối hai thành phố lân cận.

Vùng nội thị (12 phường) sẽ được chia là 3 tiểu vùng. Từ khu đô thị du lịch biển từ phía đông sông Cổ Cò ra biển hình thành trung tâm du lịch biển, trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giáo dục thuộc Khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc và khu đô thị phía tây tuyến ĐT607 và làng đại học.

Tiểu vùng 3 từ phía đông giáp sông Vĩnh Điện, phía tây ĐT607 sẽ là những khu đô thị. Khu vực ngoại thị sẽ bao gồm 8 xã (Phong Thử là trung tâm) sẽ đảm nhiệm phát triển công - nông nghiệp gắn phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nông nghiệp nông thôn.

Phát triển công nghiệp cũng sẽ thay đổi. Sẽ phát triển thêm công nghiệp về phía tây bắc (Điện Tiến), dịch chuyển công nghiệp về phía tây. Hạn chế phát triển các cụm công nghiệp nhỏ khu vực phía đông.

Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc sẽ chuyển thành khu công nghiệp công nghệ cao. Sự phát triển công - nông nghiệp, thương mại, dịch vụ đều dựa vào đô thị, khu vực sinh thái, bám theo hệ thống sông ngòi và dành đất cho các thiết chế văn hóa, thể thao, hệ thống công viên cây xanh, hoàn tất kết nối giao thông bắc - nam, đông - tây, kết nối Đà Nẵng thông qua hệ thống các con đường vành đai.

Dự kiến có 32 dự án hạ tầng kỹ thuật (hơn 4.165 tỷ đồng), 3 dự án hạ tầng các khu công nghiệp - dịch vụ du lịch (hơn 1.283 tỷ đồng) và 21 dự án hạ tầng xã hội và hạ tầng dân cư (hơn 8.451 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Xuân Hà cho biết, địa phương sẽ chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể trong nội dung chương trình phát triển đô thị được lập. Sẽ ghi rõ danh mục, giai đoạn đầu tư và dự kiến nguồn vốn thực hiện

Ông Nguyễn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng nói thị xã Điện Bàn không còn những quy hoạch phân mảnh như trước (làng đại học, Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc).

Tất cả đã được thống nhất trong điều chỉnh quy hoạch chung này. Địa phương cần triển khai lập, điều chỉnh 10 quy hoạch phân khu, ưu tiên quy hoạch phân khu đô thị ven biển, xây dựng kế hoạch phát triển đô thị.

Xác định cụ thể nguồn lực, kế hoạch cải tạo chỉnh trang đô thị, kế hoạch thực hiện dự án ưu tiên. Sẽ có một đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điện Bàn - đô thị liên kết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO