Điện Bàn đưa Nghị quyết “tam nông” vào cuộc sống

HUY HOÀNG 07/05/2023 10:16

(QNO) - Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, nông nghiệp, nông dân, nông thôn thị xã Điện Bàn đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Từ nghị quyết

Chuyển biến có thể thấy rõ đó là nông nghiệp phát triển cả về quy mô sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, là trụ đỡ của nền kinh tế thị xã, bảo đảm vững chắc nguồn lương thực tại chỗ. Sản xuất kinh doanh nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị sản xuất, thị trường tiêu thụ được mở rộng. Nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về đích sớm hơn so với mục tiêu đặt ra.

Trang trại bò 3B của ông Nguyễn Văn Kiệt
Trang trại bò 3B của ông Nguyễn Văn Kiệt (thôn Đông Đức, xã Điện Thọ).

Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,5%/năm, không còn hộ tái nghèo. Đến cuối năm 2022, toàn thị xã còn 481 hộ nghèo, 590 hộ cận nghèo, số hộ khá và giàu tăng, diện mạo nông thôn trên địa bàn thị xã có sự thay đổi rõ rệt, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố, nâng cao.

Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030 là nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hoá nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Triển khai thực hiện tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, thị xã Điện Bàn đã ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và xây dựng nông thôn mới kiễu mẫu bền vững.

Đến thực tiễn

Năm 2014, ông Nguyễn Văn Kiệt (thôn Đông Đức, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn) mở gia trại nuôi bò, nuôi gà trên 1ha đất của gia đình. Quá trình chăn nuôi thành công, mang lại thu nhập cao cho gia đình nên đến năm 2017 ông quyết định thuê 6,5ha đất để mở trang trại chăn nuôi và trồng trọt, trong đó 5ha dành cho trồng lúa hữu cơ, 1,5ha dành cho ao cá và chuồng bò.

Trang trại nuôi cá của ông Nguyễn Văn Kiệt
Ông Nguyễn Văn Kiệt (thôn Đông Đức, xã Điện Thọ) và diện tích ao cá lên đến hàng héc ta.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ đầu tiên trên cánh đồng Điện Thọ là mô hình rất tâm huyết của ông Kiệt. Ông liên kết với kỹ sư nông nghiệp và doanh nghiệp để đảm bảo quy trình sản xuất và ổn định đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng gặp nhiều trở ngại như canh tác theo phương pháp mới không dùng phân bón hóa học nên năng suất thấp mà giá thành cao. Vì vậy, sau vụ đầu tiên dù có chút trăn trở song ông vẫn tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất. Quyết tâm và kiên trì, sau một thời gian thương hiệu gạo sạch Phong Thử ra đời đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng, đầu ra ổn định.

Thu hoạch lúa hữu cơ trên cách đồng Điện Thọ
Thu hoạch lúa hữu cơ trên cách đồng Điện Thọ.

Hiện nay, trang trại của ông có hơn 70 con bò, 7.000 con gà, hơn 500.000 con cá các loại. Có 6 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ. Doanh thu hằng năm của gia đình ông đạt khoảng 4 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí và nhân công lãi ròng thu về 300 triệu đồng, trong đó lãi từ bán lúa giống và lúa hữu cơ là 140 triệu đồng, lãi từ chăn nuôi bò, gà và cá là 160 triệu đồng.

Ông Kiệt chia sẻ, khó khăn lớn nhất hiện nay là dịch bệnh trên đàn vật nuôi khó kiểm soát, cạnh đó là giá cả thức ăn chăn nuôi tăng nên phần nào ảnh hưởng đến chi phí sản xuất.

Từ việc cụ thể hóa nghị quyết “tam nông” vào cuộc sống, trên địa bàn thị xã Điện Bàn đã xuất hiện nhiều gương điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Giai đoạn 2017-2022, toàn thị xã có 12.313 hộ, trong đó cấp Trung ương 29 hộ, cấp tỉnh 461 hộ, cấp thị xã 2.500 hộ, cấp xã, phường 9.323 hộ. Nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi có sức lan tỏa và thu hút nhiều nông dân tham gia như nuôi bò 3B theo hướng công nghệ cao ở Gò Nổi, cánh đồng trồng lúa hữu cơ ở Điện Thọ, Điện Trung; trang trại sản xuất nấm sạch ở Điện Thắng Nam, các trang trại, gia trại nuôi gà, cá, heo, ếch… có mặt nhiều nơi trên địa bàn thị xã.

Gạo Phong Thử thành phẩm
Gạo Phong Thử thành phẩm.

Ông Nguyễn Chánh Thiện - Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Điện Bàn khẳng định việc chuyển đổi tư duy từ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang liên kết phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, phát huy lợi thế mỗi địa phương dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thời gian đến, thị xã Điện Bàn sẽ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới bền vững theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điện Bàn đưa Nghị quyết “tam nông” vào cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO