Điện Bàn có rất nhiều dự án khu đô thị nhưng lại rơi vào nghịch lý khan hiếm quỹ đất phục vụ tái định cư cho thị dân. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án đầu tư công phát triển đô thị ở địa phương này ì ạch thời gian qua.
Bị động trong bố trí tái định cư
Nhiều dự án quan trọng đang triển khai trên địa bàn thị xã như nạo vét sông Cổ Cò, nâng cấp tuyến ĐT608… bị vướng mặt bằng. Trong đó có việc chưa bố trí được đất ở tái định cư cho các hộ dân phải giải tỏa trắng.
Ông Nguyễn Minh Hiếu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nhìn nhận: “Điện Bàn rất chật vật trong khâu tìm đất tái định cư cho người dân mỗi khi cần giải phóng mặt bằng phục vụ dự án”.
Ở đoạn tuyến ĐH14 (thuộc dự án nâng cấp, cải tạo ĐT608), do chưa có khu tái định cư cho 34 hộ dân nên các đơn vị liên quan chưa thể thực hiện các bước trong công tác giải phóng mặt bằng.
Còn với dự án xây dựng cầu Nghĩa Tự (phường Điện Dương), để lập phương án tái định cư cho 35 hộ dân thì chính quyền phải bố trí rải rác đến 10 khu vực khác nhau, dẫn đến tình trạng nhùng nhằng trong việc đi ở của người dân.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND phường Điện Dương cho hay, dù đã là đô thị nhưng đa phần người dân ở đây vẫn quen nếp sống sinh hoạt cộng đồng nên ưu tiên của họ là vẫn muốn gắn bó với nhau khi đến khu vực tái định cư mới.
Trong buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với thị xã Điện Bàn mới đây về các đề xuất của địa phương này trong nhiệm kỳ 2021 - 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh lưu ý, bất cập của Điện Bàn là thiếu quỹ đất tái định cư, thị xã không thể dồn dân về một khu vực để tái định cư, mà sắp xếp theo địa lý, tập quán dân cư. Rất nhiều dự án giao cho nhà đầu tư nhưng chỉ với mục đích phân lô bán nền. Trong khi đất để tái định cư cho chính các dự án đó thì không có.
Từng bước tháo gỡ
Đối với một số dự án bị đặt dấu hỏi về tính khả thi, mới đây UBND tỉnh đã yêu cầu UBND thị xã Điện Bàn cùng các đơn vị liên quan rà soát, đề xuất điều chỉnh phương án đầu tư, bố trí tái định cư tại Khu dân cư dịch vụ - du lịch Làng chài Điện Dương và Khu tái định cư Hà My Đông A (phường Điện Dương).
Tại các khu vực có mật độ dân cư đông đúc này, UBND tỉnh định hướng công tác quản lý, lập quy hoạch và triển khai thực hiện các khu đô thị, chỉnh trang sắp xếp dân cư theo hướng không giải phóng mặt bằng, chỉ chỉnh trang cảnh quan, đảm bảo thoát nước, khớp nối hạ tầng kỹ thuật với hạ tầng chung của khu vực. Qua khảo sát, lãnh đạo tỉnh đề nghị Điện Bàn phải lấy thêm đất của Khu tái định cư Hà My Đông A để phục vụ các dự án công trên địa bàn.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang, các khu đô thị do chính quyền địa phương làm chủ đầu tư phục vụ tái định cư ở Điện Bàn quá ít so với quy mô phát triển của thị xã.
“Thời gian qua, tỉnh đã thu hồi một số dự án và đang tiếp tục rà soát để thu hồi 3 dự án khác nên Điện Bàn cần mạnh dạn nhận để làm. Nhiều doanh nghiệp họ đầu tư làm được thì không lý gì chính quyền địa phương không làm được” - ông Nguyễn Hồng Quang nói.
Cuối tháng 10 vừa qua, UBND thị xã Điện Bàn đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho phép UBND thị xã Điện Bàn triển khai đầu tư xây dựng Khu đô thị Sông Lai (phường Điện Nam Đông) với diện tích khoảng 4,9ha bằng vốn ngân sách thị xã nhằm phục vụ bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng hợp phần dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường ĐT608.
Được biết, dự án đã được đăng ký vào danh mục phát triển nhà ở của tỉnh trong năm 2021 và đang triển khai cập nhật vào quy hoạch chung điều chỉnh đô thị Điện Bàn để điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất xây dựng khu tái định cư.
Ngoài ra, UBND thị xã Điện Bàn đã dừng triển khai dự án khu tái định cư phục vụ di dời dân trên tuyến ĐT608 tại thôn Bồng Lai, xã Điện Minh và triển khai đầu tư dự án khu dân cư Đồng Hạnh để phục vụ di dời dân đến nơi tái định cư mới trên tuyến ĐT608.
Ông Nguyễn Minh Hiếu cho rằng, việc đề xuất được làm chủ đầu tư xây dựng thêm khu tái định cư cũng là một bước chuẩn bị của Điện Bàn để sau này phục vụ cho việc nâng cấp tuyến ĐT607B cũng như một số dự án phát triển đô thị khác ở lân cận.