Thiếu tiền, thiếu nguồn lực, cơ chế, chính quyền thị xã Điện Bàn đã kiến nghị HĐND tỉnh nhiều vấn đề để có thể tạo thêm động lực phát triển địa phương.
Gặp khó vì suy giảm kinh tế
Báo cáo kinh tế - xã hội thị xã Điện Bàn trình bày trước Thường trực HĐND tỉnh ngày 14/6/2023 cho thấy, nền kinh tế địa phương và doanh nghiệp đứng trước rất nhiều khó khăn. Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 ước thực hiện chưa đến 10.073 tỷ đồng, giảm 13,67% so với cùng kỳ.
Công nghiệp giảm sâu, trên đà suy yếu dần, kể cả Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc được xem là động lực tăng trưởng chính nhiều năm của thị xã cũng đã giảm hơn 10,35% giá trị sản xuất công nghiệp (chỉ đạt gần 7.951 tỷ đồng).
Chủ tịch UBND thị xã Trần Úc nói, sản xuất công nghiệp sụt giảm nặng. Thị trường khó khăn, doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng, đối mặt chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao..., phải chịu áp lực lớn trong duy trì sản xuất, tăng trưởng kinh tế.
Đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng tất cả kiến nghị của thị xã Điện Bàn sẽ được các cơ quan quản lý tổng hợp, trình HĐND xem xét, quyết định. Các nghị quyết nếu thấy không hiệu quả, vướng mắc thì HĐND tỉnh sẽ kịp thời tháo gỡ, điều chỉnh hay sửa đổi chung cho cả tỉnh, không riêng gì Điện Bàn.
Đầu tư công được kỳ vọng sẽ là động lực chính tăng trưởng địa phương năm nay vẫn chưa mang lại kết quả mong đợi. Tổng mức đầu tư của 252 dự án khoảng 4.670 tỷ đồng, chỉ mới bố trí khoảng 2.100 tỷ đồng (44,9%) và tổng khối lượng thực hiện đạt 35% (1.600 tỷ đồng). Song, tốc độ giải ngân vẫn chậm. Tính đến ngày 31/5/2023 mới đạt 21% kế hoạch.
Tình trạng suy kiệt của doanh nghiệp thể hiện rõ nét qua số thu ngân sách thị xã ước đến 30/6/2023 chỉ hơn 1.282 tỷ đồng, đạt 45,95% dự toán HĐND thị xã giao. Theo tính toán, tổng thu ngân sách địa phương được hưởng theo tỷ lệ chỉ khoảng 385,4 tỷ đồng (đạt 31,67% dự toán).
Các khoản thu tiền sử dụng đất (điều tiết về tỉnh 50%) chỉ đạt 0,64% dự toán và khoản thu tiền sử dụng đất thị xã hưởng 100% cũng chỉ đạt khoản 18,18% dự toán. Tổng chi ngân sách ước thực hiện đến 30/6/2023 khoảng 747,3 tỷ đồng.
Ông Trần Úc cho hay, theo tiến độ thu ngân sách như hiện nay thì thị xã sẽ hụt thu khoảng 450 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Các khoản chi đến thời điểm này đạt tiến độ dự toán ngân sách đề ra. Tuy nhiên, với kết quả thu hiện nay thị xã sẽ không đủ vốn để cân đối chi đầu tư từ nay đến cuối năm, dù các sắc thuế thu trong cân đối chi thường xuyên năm 2023 có thể đạt và vượt.
Kinh tế địa phương sẽ tiếp tục gặp khó trước biến động của nhu cầu thị trường, địa chính trị thế giới. Thị xã Điện Bàn cũng không ngoại lệ. Chính quyền cấp huyện không thể can thiệp, thay đổi thị trường, nội bộ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hay thẩm quyền “hóa giải” sự chồng chéo giữa các quy định để triển khai các dự án đầu tư hoặc đẩy mạnh tỷ lệ giải ngân nhằm tìm kiếm thêm nguồn lực tăng trưởng. Thị xã đã từng đề nghị UBND tỉnh, cấp có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể, nhưng một số nội dung kiến nghị vẫn chưa nhận được câu trả lời cụ thể.
Nhiều kiến nghị
Không còn cách nào khác, thị xã Điện Bàn buộc phải kiến nghị lên HĐND tỉnh để có thể tìm động lực thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Thị xã muốn xin đầu tư xây dựng một đập ngăn mặn “vĩnh cửu” trên sông Vĩnh Điện để giữ ngọt, tạo nước tưới cho 1.855ha đất sản xuất nông nghiệp, thay vì 10 năm nay phải bỏ ra 3 - 4 tỷ đồng mỗi năm để đắp đập thời vụ bằng cát.
Chính quyền thị xã đề nghị điều chuyển hệ thống cấp nước sinh hoạt, xử lý vệ sinh môi trường liên xã khu vực Gò Nổi về các cơ quan chuyên môn của tỉnh để quản lý, vận hành, khai thác. Các xã khu vực này từ chối quản lý, vận hành hệ thống này với lý do tài sản lớn, không đủ năng lực quản lý, thiếu chuyên môn vận hành.
Không chỉ kiến nghị đầu tư hay cơ chế quản lý, chính quyền thị xã Điện Bàn còn “xin” cấp bù hụt thu ngân sách năm 2022 (gần 224 tỷ đồng) vì một số chỉ tiêu giao thu thuế 2022 của địa phương chưa sát với khả năng thu ngân sách hoặc hỗ trợ lại thị xã gần 65 tỷ đồng đã nộp trả ngân sách tỉnh đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh quá thời hạn giải ngân theo quy định vì vướng giải phóng mặt bằng.
Thị xã yêu cầu sớm bổ sung khoản kinh phí 60,08 tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó do COVID-19 mà địa phương đã ứng chi năm 2022 để hoàn ứng ngân sách và xin phân bổ 25 tỷ đồng để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản đối với dự án Trung tâm TD-TT Bắc Quảng Nam.
Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư 2023 - 2025 xây dựng các công trình trọng điểm trên địa bàn thị xã khoảng 13.000 tỷ đồng và đối ứng thực hiện các chương trình, đề án theo nghị quyết HĐND tỉnh thì ngân sách địa phương không đảm bảo cân đối khoảng 1.500 tỷ đồng. Chính quyền thị xã đề nghị tỉnh tăng tỷ lệ điều tiết nguồn tiền sử dụng đất các dự án do doanh nghiệp làm chủ đầu tư phát sinh trên địa bàn thị xã từ 50% lên 70%.
Thiếu hụt biên chế đã khiến nhiều hoạt động của địa phương gặp khó. Thị xã “xin” được tăng số lượng nhân viên đội kiểm tra quy tắc đô thị, bộ máy trung tâm phát triển quỹ đất, thành lập bộ máy ban quản lý khu vực phát triển đô thị hoặc xây mới một trường THPT tại vùng Đông và khu vực trung tâm thị xã vì lượng học sinh ngày càng gia tăng...
Cơ quan quản lý thừa nhận các kiến nghị đều hợp lý, nhưng không dễ thực hiện. Ông Trần Quốc Tuấn - Phó Giám đốc Sở Tài chính nói, không thể thay đổi tỷ lệ điều tiết nguồn tiền sử dụng đất vì đã theo Luật Ngân sách, cơ chế phân cấp ổn định 5 năm.
Các Phó Giám đốc Lê Thủy Trinh (Sở TN-MT) và Ngô Ngọc Hùng (Sở Xây dựng) đều cho rằng không có cơ sở pháp lý nào để có thể thành lập ban quản lý phát triển đô thị hay bổ sung biên chế, bộ máy cho trung tâm phát triển quỹ đất, đội quy tắc đô thị.
Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đã từng có ý mở hội thảo về việc đầu tư xây dựng đập ngăn mặn ít tác động đến môi trường, nhưng chưa có ý kiến chính thức cho chủ trương đầu tư.
Còn theo ông Trần Văn Ẩn - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, cần thiết sẽ phải đặt vấn đề nghiên cứu dự án khả thi đầu tư đập ngăn mặn. Nhưng trong bối cảnh nguồn lực có hạn, chỉ có thể đưa vào danh mục đầu tư 2026 - 2030.
Ngoài ra, doanh nghiệp không mặn mà với việc đầu tư nước sạch vì cơ chế quản lý nhập nhằng, chưa rõ, nên cần cơ chế cụ thể hơn để quản lý, vận hành hệ thống này tại Gò Nổi.