Những năm qua, Điện Bàn không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới (NTM), góp phần cải thiện hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Tập trung nâng chuẩn
Sau thời gian triển khai xây dựng NTM, diện mạo xã Điện Phước (Điện Bàn) ngày càng khang trang. Ông Trần Công Khoa - Chủ tịch UBND xã Điện Phước cho hay, năm 2015 địa phương được công nhận đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, thời điểm đó xã có một số tiêu chí về hạ tầng mới đạt chuẩn ở ngưỡng tối thiểu. Năm năm qua, Điện Phước tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng NTM nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế; đồng thời nỗ lực huy động, linh hoạt lồng ghép nhiều kênh vốn đầu tư thêm gần 146 tỷ đồng thi công kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh.
Ngoài tích cực hỗ trợ nông dân chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, con vật nuôi và tổ chức sản xuất theo phương thức hàng hóa nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, địa phương cũng chú trọng công tác đào tạo nghề, phát triển mạnh các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và hỗ trợ người dân mở rộng loại hình thương mại - dịch vụ, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
“Theo thống kê, năm 2019 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 46,33 triệu đồng, gấp 1,76 lần so với năm 2015. Hiện nay Điện Phước chỉ còn 68 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 1,96%), giảm 48 hộ nghèo so với cách đây 5 năm. Trong tổng số 8 thôn trên địa bàn, đã có 4 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu gồm Nông Sơn 1, Nông Sơn 2, La Hòa, Nhị Dinh 1. Năm 2020 tiếp tục xây dựng mô hình này tại thôn Hạ Nông Tây” - ông Khoa nói.
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, thị xã có 13/20 xã, phường thực hiện chương trình NTM. Sau nhiều nỗ lực phấn đấu, ngày 29.3.2016 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 494/QĐ-TTg công nhận Điện Bàn đạt chuẩn NTM năm 2015. Nhằm giữ chuẩn và nâng chuẩn NTM, trong 5 năm qua, ngành liên quan cùng chính quyền 13 xã NTM của Điện Bàn huy động thêm khoảng 660 tỷ đồng xây mới, nâng cấp, sửa chữa hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn, cơ sở vật chất trường lớp, trạm y tế... Thị xã ưu tiên nguồn lực hỗ trợ nông dân dồn điền đổi thửa, hình thành những cánh đồng mẫu để liên kết với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao, lúa giống hàng hóa và chuyên canh, xen canh, gối vụ các loại rau màu, cây trồng cạn chủ lực.
Từ năm 2017 đến nay, Điện Bàn quyết liệt triển khai xây dựng mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu. Tại 13 xã NTM của Điện Bàn có tổng cộng 94 thôn, dự kiến đến cuối năm 2020 này sẽ có 62 thôn được UBND thị xã công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu; còn 32 thôn sẽ cố gắng xây dựng đạt chuẩn trong giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra, từ năm 2021 - 2023, Điện Bàn phấn đấu có 3 xã gồm Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. “Có thể thấy, từ “thụ hưởng, bị động”, người dân đã trở thành “chủ thể, chủ động” trong mọi nhiệm vụ của địa phương, góp phần làm cho phong trào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ngày càng đi vào cuộc sống” - ông Chơi chia sẻ.
Tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp
Theo lãnh đạo UBND thị xã Điện Bàn, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung rà soát, đánh giá quá trình thực hiện các đề án, quy hoạch để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thị xã. Trong đó, địa phương chủ trương thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo nhu cầu thị trường, thúc đẩy các hình thức hợp tác, liên kết gắn với xây dựng vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu, vùng sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học. Mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị cũng sẽ được chú trọng; tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế so sánh gắn với chế biến theo hướng công nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Chơi còn cho biết, thời gian tới Điện Bàn linh hoạt triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Nhà nước nhằm đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn. Mặt khác, địa phương ưu tiên lồng ghép nguồn vốn để nâng cấp các công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, trọng tâm là giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi phục vụ xây dựng vùng nguyên liệu theo mô hình cánh đồng lớn; xây dựng kết cấu hạ tầng các khu sản xuất tập trung về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông - lâm - thủy sản, làng nghề thủ công... Đi đôi với phát triển kinh tế, Điện Bàn chú trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, cũng như khai thác hiệu quả thiết chế văn hóa, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ tinh thần của người dân. Đồng thời nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng các danh hiệu văn hóa có giá trị thật sự trong cộng đồng.